3 chữ “không” giúp người khôn ngoan "có cả thiên hạ"

Google News

Người ta có câu: "Khéo ăn nói sẽ có cả thiên hạ". Bí quyết để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người không hề phức tạp. Hãy biết giữ chừng mực, không phải chuyện gì cũng nói, không phải việc gì cũng làm, cẩn thận trong lời nói và hành động để tránh rắc rối.

Trong giao tiếp, để hòa hợp với người khác, chúng ta cần có nhịp điệu và khoảng cách phù hợp. Quá gần dễ nảy sinh mâu thuẫn, quá xa lại trở nên xa lạ.

Nếu bạn muốn có mối quan hệ tốt với người khác, bạn phải suy nghĩ kỹ về điều này. Hãy biết giữ chừng mực, không phải chuyện gì cũng nói, không phải việc gì cũng làm, cẩn thận trong lời nói và hành động để tránh rắc rối.

1. Không chia sẻ thành công

Nhà văn Dương Giáng từng nói: “Hãy nhớ kỹ, bí quyết để hòa hợp với những người xung quanh là đừng chia sẻ với họ bất kỳ niềm vui thành công hay chuyện vui vẻ nào.

Điều xấu xa nhất trong bản chất con người là không thể chịu đựng được khi thấy người khác giỏi hơn mình. Người càng thông minh thì càng giả vờ ngu ngốc!

Nếu bạn muốn chiếm được trái tim mọi người, bạn phải học cách che giấu trí thông minh của mình, nhìn thấu mọi việc nhưng không nói ra. Đây chính là trí tuệ vĩ đại của cuộc sống”.

Thành công và niềm vui của bản thân, cứ tự mình tận hưởng là đủ, đừng gặp ai cũng khoe khoang. Thành công của bạn, dù chói sáng nhưng có thể dễ trở thành lưỡi kiếm đâm vào tim người khác.

Bản chất con người vốn dĩ là vậy. Họ ghét bạn vì bạn có thứ gì đó, cười bạn vì bạn không có nó, không thích bạn vì bạn nghèo và sợ bạn vì bạn giàu. Đa số mọi người có thể chấp nhận sự thành công của ai đó ở xa nhưng lại khó chấp nhận sự thành công của người ngay bên cạnh.

Đôi khi, sự chia sẻ của bạn sẽ khiến người khác cảm thấy xấu hổ, thậm chí nảy sinh lòng đố kỵ. Thậm chí có một ngày, sự đố kỵ sẽ khiến họ làm ra những chuyện khiến bạn tổn thương, làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai người và mang lại rắc rối cho chính bạn.

Muốn mối quan hệ thêm gần gũi, chi bằng thu bớt ánh hào quang của mình, thỉnh thoảng tự trào phúng một chút. Như vậy, bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn rất gần gũi, dễ dàng tạo được sự đồng cảm với họ hơn.

2. Không nói xấu sau lưng

Bậc thầy quản lý Peter Drucker từng nói: “Một người phải biết nói gì, phải biết khi nào nên nói; biết nói với ai và biết nói như thế nào”.

Làm người, điều tối kỵ là nói xấu sau lưng, ác ý suy đoán người khác. Bạn vĩnh viễn không biết một câu nói vô tình của mình có thể gây ra tai họa lớn đến mức nào cho người khác.

Người có tu dưỡng tuyệt đối không tùy tiện đặt điều nói xấu sau lưng bất kỳ ai hoặc cố ý bịa đặt sự thật. Sự tốt xấu của bất kỳ ai suy cho cùng đều không liên quan đến bạn. Là người ngoài cuộc, chi bằng chọn im lặng vẫn hơn.

Tùy tiện nói nhảm chỉ khiến đối phương rơi vào vòng xoáy dư luận. Trên đời này, vốn dĩ không có bức tường nào không có gió lọt qua, người đó sớm muộn cũng sẽ biết chính bạn là người nói xấu sau lưng họ.

Quân tử nên nhanh nhẹn trong hành động mà chậm rãi trong lời nói. Sống trên đời cần biết cư xử đúng mực và biết dừng lại đúng lúc, nếu không chẳng khác nào “tự bắn vào chân mình”.

Bạn phải luôn biết điều gì có thể nói và điều gì không bao giờ được nói. Chỉ khi bạn có phẩm chất tốt, cẩn thận trong lời nói và hành động thì mới có nhiều người muốn kết bạn với bạn.

3. Không dạy đời

Có câu: “Cái họa của một người ta là thích làm thầy của người khác”.

Trong cuộc sống, luôn có những người thích đưa ra ý kiến cho chuyện của người khác, cho rằng ý kiến của mình mới là tốt nhất. Họ không biết rằng cách cư xử như vậy của họ có thể dễ dàng khiến người khác không thích họ.

Thích “sửa sai cho người khác”, thích “chỉ tay 5 ngón” thực ra là một thói xấu. Thích dạy đời, nói sâu xa hơn là một kiểu “khoe khoang”, lại càng là một kiểu “chỉ trích” và “hạ thấp” người khác. Khi thái độ "thượng đẳng" đó xuất hiện, sự phản cảm của người khác cũng sẽ nảy sinh.

Người xưa có câu, con người ta mất 3 năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách im lặng. Nhớ rằng, nhân quả của ai người nấy chịu, phúc báo của ai người nấy tu. Người thích dạy đời không đổi lại được sự cảm kích của đối phương, chỉ đổi lại sự chán ghét của họ.

Dù ở trong hoàn cảnh nào, đừng trở thành người đáng ghét đó, ngay cả khi bạn muốn tốt cho đối phương. Hơn nữa, ý kiến ​​và đề xuất của bạn có thể không hữu ích và con đường bạn chọn có thể không phù hợp với người đó.

Bí quyết để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người không hề phức tạp. Điều quan trọng là giữ miệng, giữ tâm, giữ ranh giới của nhau.

Bất kể bạn giao tiếp với ai, hãy bớt khoe khoang, bớt dạy đời, bớt nói xấu. Cuộc sống vốn đã không dễ dàng, có thể tránh được tranh chấp thì tránh, có thể giảm bớt mâu thuẫn thì giảm bớt.

Học cách kiềm chế ham muốn chia sẻ, trở thành một người khiêm tốn. Trở thành một người thích giúp đỡ người khác thay vì một người thích dạy đời, nhân duyên của bạn chắc chắn sẽ ngày càng tốt hơn!

BẢO ANH.