Quy trình tuyển sinh “độc lạ”, cơ sở vật chất xịn sò
Được thành lập từ 1956, Nhạc viện TP.HCM là một học viện chuyên đào tạo và nghiên cứu nhóm ngành âm nhạc từ trình độ trung cấp đến bậc tiến sĩ tại khu vực phía Nam.
Ban đầu, mục tiêu của trường là giảng dạy các bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là trình tấu nhạc cụ dân tộc. Sau đó, giáo trình được bổ sung thêm các môn âm nhạc cổ điển Tây phương và nhạc Pháp. Đến năm 1960, sau khi mở thêm phân khoa kịch nghệ với các bộ môn như cải lương, hát bội và thoại kịch, trường chính thức đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Năm 1982, trường tiếp tục được đổi tên thành Nhạc viện TP.HCM và giữ tên gọi này cho đến nay.

Sinh viên tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM sẽ tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Nhạc viện TP.HCM có 2 cơ sở tọa lạc tại Quận 1 và Quận 3. Trường có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát cùng hệ thống phòng thu đạt chuẩn với trang thiết bị, máy móc hiện đại. Nhạc viện hiện có 2 phòng hòa nhạc gồm phòng cho hòa tấu thính phòng và hòa tấu dàn nhạc, với sức chứa đến hơn 400 thính giả, đạt chuẩn âm thanh chất lượng cao.
Trường còn sở hữu thư viện xịn sò, là nơi phân phối và phát hành sách, giáo trình, tài liệu tham khảo của nhạc viện. Tại đây, sinh viên có thể tham khảo hơn 7000 đầu sách, tạp chí, tài liệu khoa học chuyên ngành âm nhạc trong và ngoài nước. Bộ phận thư viện âm thanh tư liệu, hình ảnh có hơn 1500 hộp băng CD âm nhạc. Lưu giữ hơn 150 băng video nhạc cổ điển và nhạc kịch giúp sinh viên dễ dàng học tập, rèn luyện trong quá trình trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Trường hiện đào tạo 7 ngành bậc đại học (thời gian đào tạo 4 năm) gồm: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy âm nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Thanh nhạc, Nhạc nhẹ và với hơn 30 chuyên ngành khác nhau phù hợp cho từng loại hình âm nhạc nhất định.

Mỗi năm, tổng sinh viên đậu vào trường ở hệ đại học chưa đến 100 sinh viên. Với chỉ tiêu tuyển sinh ít ỏi nhưng nhiều thí sinh đăng ký tham gia chứng tỏ được sức hút và độ cạnh tranh khắc nghiệt của ngôi trường này.
Quá trình tuyển sinh đại học tại Nhạc viện diễn ra với sự kết hợp chặt chẽ giữa xét tuyển học thuật và kiểm tra năng khiếu chuyên môn. Ngoài việc xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp môn phù hợp, thí sinh còn phải trải qua các vòng kiểm tra năng khiếu, bao gồm thi chuyên ngành (trình tấu nhạc cụ, hát, sáng tác) và kiểm tra kiến thức cơ bản về âm nhạc như xướng âm, lý thuyết âm nhạc.
Tùy vào từng chuyên ngành, yêu cầu thi tuyển sẽ có những khác biệt cụ thể, đòi hỏi thí sinh không chỉ có nền tảng kỹ thuật vững chắc mà còn phải thể hiện được tư duy âm nhạc và cá tính nghệ thuật riêng biệt. Nhạc viện chú trọng phát hiện tiềm năng phát triển lâu dài, do đó quá trình tuyển chọn diễn ra khắt khe, nhằm tìm kiếm những tài năng thực thụ có thể tiếp tục nuôi dưỡng và đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.

Là trường thiên hướng về nghệ thuật, năng khiếu nên quy trình thi tuyển khắt khe và tỉ lệ chọi rất cao.
“Lò đào tạo” nhạc sĩ, ca sĩ lớn nhất phía Nam
Quá trình học tại Nhạc viện TP.HCM cũng hoàn toàn khác biệt. Sau khi trúng tuyển, trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa miệt mài với những con số, sách vở, lý thuyết, định luật hay các thủ thuật kinh doanh, thì các học sinh của Nhạc viện TP.HCM lại bước vào một hành trình đặc biệt khi ngày ngày được tiếp xúc, rèn luyện với nhiều loại hình âm nhạc đa dạng.
Tuy nhiên, con đường ấy không hề đơn giản. Bên cạnh tố chất bẩm sinh, sự chăm chỉ, kiên trì là yếu tố bắt buộc. Chỉ khi kết hợp giữa năng khiếu và nỗ lực bền bỉ, các sinh viên mới có thể trau dồi kỹ năng, phát triển tài năng một cách toàn diện.
Đội ngũ giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM là những thế hệ nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và tâm huyết, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận cho nền âm nhạc Việt Nam. Họ không chỉ sở hữu trình độ chuyên môn cao mà còn luôn tận tâm trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Không chỉ là vai trò giáo viên mà những nghệ sĩ đứng dưới góc nhìn là thế hệ tiền bối chia sẻ kiến thức, kỹ năng thực tế cho các thế hệ trẻ.
Trong suốt hơn 50 năm hình thành và phát triển, trường đã đào tạo nhiều thế hệ tiềm năng, cống hiến sức mình trong việc xây dựng nghệ thuật nước nhà. Trong số đó phải kể đến những học sinh kỳ cựu, với chất giọng đặc trưng tạo nên tiếng vang như Cao Minh, Tạ Minh Tâm, Tuấn Phong, Ánh Tuyết, hay những gương mặt quen thuộc với giới trẻ như “họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm, Đông Nhi, Lương Bích Hữu, Duyên Quỳnh… hay nữ ca sĩ có màn trình diễn ấn tượng tại lễ Kỷ niệm 50 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua là Võ Hạ Trâm.

Các chương trình của các CLB thường được tổ chức thường xuyên, các thành viên CLB sẽ biểu diễn những tiết mục văn nghệ, giúp học viên rèn luyện kỹ năng, vừa tạo sự kết nối giữa các sinh viên tại nhạc viện.
Tại Nhạc viện TP.HCM sinh viên luôn được khuyến khích trải nghiệm, khám phá điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của bản thân. Có thể nói, cơ sở giáo dục này không chỉ khơi nguồn cho những đam mê âm nhạc mà còn là môi trường lý tưởng để sinh viên phát triển toàn diện năng lực bản thân. Từ đó, trường đã và đang đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ thực lực, đóng góp sức mình cho nghệ thuật nước nhà.
TẤN PHƯỚC