Có câu nói rằng: "Quan hệ giữa người với người trong thế gian này mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều, đó là một quá trình cần phải suy xét kỹ lưỡng".
Những mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện có thể tô điểm thêm cho cuộc đời, khiến cuộc sống trở nên tươi sáng và rực rỡ. Nhưng nếu xử lý không khéo, nó sẽ phản tác dụng, trở thành đám mây đen trong cuộc sống, đẩy bạn vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong giao tiếp giữa người với người, dù là mối quan hệ nào cũng chớ phạm phải 4 điều tối kỵ dưới đây:

1. So đo hơn thua với người có trình độ khác chính là tự rước họa vào thân
Nhà văn Luo Xiang từng nói: "Đừng bao giờ tranh cãi với những người có trình độ thấp bởi vì họ sẽ kéo bạn xuống ngang hàng với họ, sau đó dùng logic phiến diện để tấn công bạn, khiến bạn suy sụp".
Khi hai người không ở cùng một đẳng cấp, dù bạn tranh cãi về bất cứ vấn đề gì cũng đều vô nghĩa như "nước đổ lá khoai". Nếu cứ cố gắng hơn thua, cuối cùng bạn chỉ tự mình chuốc lấy phiền phức.
Người thực sự thông minh khi đối diện với những người như vậy sẽ không bao giờ cố gắng khiến đối phương chấp nhận quan điểm của mình hay thay đổi lối sống của họ. Thay vào đó, họ có thể đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu.
Trong cuộc sống thực tế, nếu gặp người có trình độ cao hơn mình, bạn không nên dùng kiến thức vốn có của mình để hạ thấp hoặc phủ nhận người khác về những điều bạn không hiểu. Nếu không, bạn sẽ chỉ bộc lộ sự thiếu hiểu biết và khiến mình trở nên yếu đuối.
Cấp độ khác biệt, nói nhiều cũng vô ích, chỉ khiến bản thân thêm tức giận, thậm chí trong lúc nóng giận có thể làm ra chuyện sai trái, gây họa vào thân. Chi bằng tiết kiệm thời gian, từ từ nâng cao bản thân, mở rộng tầm nhìn, như vậy mới có thể đón nhận một cuộc đời rộng lớn hơn.

2. Dốc lòng với người mới quen, tự chuốc lấy phiền phức
Nói những chuyện sâu kín với người có giao tình hời hợt là một hành vi ngu ngốc. Đúng như câu "lòng người khó đoán", khi chưa thực sự quen biết, chưa hiểu rõ nhau qua những sự việc cụ thể, việc không phòng bị mà dốc hết lòng sẽ dễ khiến bản thân rơi vào thế bị động và khó khăn.
Không ít lần chúng ta thấy trên báo chí những trường hợp kết bạn "tri kỷ" trên mạng, kể hết mọi chi tiết trong cuộc sống, không ngờ cuối cùng lại rơi vào cái bẫy được giăng sẵn, dẫn đến tổn thất nặng nề.
Bạn không nên có ý định làm hại người khác, nhưng cần có sự cảnh giác nhất định. Trong cuộc sống thực tế, việc bạn vừa quen một đồng nghiệp đã trút hết bầu tâm sự, coi đối phương như bạn tri kỷ mà phàn nàn mọi điều, những bất mãn của bạn lại đến tai lãnh đạo, khiến bạn liên tục bị gây khó dễ.
Khi bạn không chút giữ lại mà mở lòng với người khác, bạn vô tình để lộ điểm yếu của mình, cũng chính là trao cơ hội cho những kẻ có ý đồ xấu làm tổn thương bạn. Khi mới quen biết một người, hãy kiềm chế ham muốn thể hiện và chia sẻ của mình, giữ gìn ranh giới với nhau mới là hành động khôn ngoan.

3. Tính toán chi li với người thân nhất, tình cảm nhạt phai
Từng thấy một câu nói trên mạng xã hội rằng: "Có quá nhiều người mắc phải sai lầm lớn nhất trong cuộc sống hàng ngày là quá khách sáo với người lạ, nhưng lại quá khắt khe với người thân nhất".
Trong hành trình dài của cuộc đời, chúng ta thường cho rằng người thân nhất sẽ có sự bao dung và thấu hiểu vô bờ bến đối với mình. Chính vì vậy, khi ở bên họ, chúng ta thiếu đi sự khách khí và thận trọng như đối với người ngoài, mà lại thêm quá nhiều sự tính toán và tùy tiện.
Nhưng sự thật là, dù mối quan hệ có thân thiết đến đâu cũng không thể chịu đựng được sự tính toán chi li không ngừng. Cuối cùng, điều đó chỉ khiến tình cảm nhạt phai, biến nhau thành những người xa lạ quen thuộc nhất trên thế giới này.
Trong mối quan hệ yêu đương, vì những chuyện nhỏ nhặt mà cãi vã không ngừng, không ai chịu nhường ai, không ai chịu chủ động cúi đầu thì càng tính toán càng khiến hai người xa rời nhau. Giữa cha mẹ và con cái, vốn dĩ đã có sự khác biệt về quan niệm, nhưng không ai chủ động thấu hiểu, bao dung đối phương, mà luôn hy vọng đối phương sẽ nghe theo mình trong mọi chuyện thì cha mẹ than phiền con cái không hiểu tấm lòng của mình, con cái oán hận cha mẹ không bao giờ tôn trọng sự lựa chọn.
Đằng sau những sự tính toán không ngừng nghỉ ấy là sự xa cách và oán hận nảy sinh trong lòng những người thân yêu nhất, khiến mối quan hệ ngày càng tệ đi. Khi đối xử với người thân nhất, thái độ đúng đắn nhất là buông bỏ sự tính toán, thêm chút thấu hiểu và bao dung. Bởi kiếp này có duyên trở thành người thân, càng phải trân trọng và quan tâm. Như vậy, tình cảm mới bền chặt theo thời gian.

4. Kết giao với người bạc tình bạc nghĩa, chỉ thêm tổn thương
Có một câu nói rằng: “Khi ở bên người khác, nếu nỗ lực của bạn luôn không được đền đáp, hãy gạt bỏ tình yêu liều lĩnh của mình và trở thành một người vô tư”.
Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cần hiểu rõ một đạo lý, không phải ai cũng xứng đáng để bạn dốc lòng đối đãi. Nếu đối phương là một người bạc tình bạc nghĩa, dù bạn có cho đi bao nhiêu, trong mắt họ đó cũng là điều đương nhiên.
Trong lòng những người bạc tình bạc nghĩa, giao tiếp với người khác chưa bao giờ là chân thành mà họ chỉ nghĩ đến lợi ích. Nếu mối quan hệ đó có lợi cho họ, họ sẽ chọn ở bên cạnh; nếu mất đi giá trị, họ sẽ lập tức lựa chọn từ bỏ.
Nếu không may gặp phải những người như vậy, cách xử lý tốt nhất là dừng lại đúng lúc. Đó là sự tôn trọng lớn nhất đối với bản thân. Mỗi người đều phải tự biết bản thân, đừng để lòng trắc ẩn lan tràn mà hãy đặt ra giới hạn và chừng mực cho chính mình. Đừng lãng phí thời gian và sức lực vào những người không xứng đáng.
Không phải ai cũng đáng để bạn đối đãi chân thành mà hãy chọn đúng người thì mới thực sự có hồi đáp và cảm nhận được sự ấm áp của thế gian. Càng trong những mối quan hệ ồn ào náo nhiệt, càng phải giữ cho mình sự tỉnh táo. Như vậy, bạn mới có thể giữ gìn được sự lương thiện và thuần khiết trong tâm hồn, để bản thân gặt hái được chân tình trong các mối quan hệ.
BẢO ANH.