Những năm gần đây, giữa muôn vàn món ăn cầu kỳ, người ta lại bắt đầu quay về tìm kiếm hương vị dân dã, giản dị của ẩm thực quê nhà. Và một trong những cái tên được nhắc tới là lá và đọt non của cây dâm bụt, loại cây từng gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ ở làng quê Việt.

Cây dâm bụt vốn làm hàng rào, nay thành đặc sản lạ miệng
Dâm bụt hay còn gọi là bông bụp, chu cận, xuyên can bì… là loài cây bụi quen thuộc, từng được trồng nhiều dọc hàng rào, ven đường làng, trước hiên nhà. Với những cánh hoa lớn, đỏ rực hoặc hồng tươi, dâm bụt không chỉ là một loài hoa làm cảnh mà còn từng là món đồ chơi "tự chế" của đám trẻ con như làm hoa tai, trang trí búp bê đất sét, hay dùng lá để gói bánh,...
Thế nhưng khi bê tông hóa về tận nẻo làng, hàng rào cây được thay bằng tường gạch, cây dâm bụt dần vắng bóng trong đời sống thường ngày. Ít ai ngờ, chính loài cây tưởng chừng bị lãng quên ấy nay lại trở thành một nguyên liệu ẩm thực lạ miệng và bổ dưỡng, được người thành phố tìm mua với giá lên tới 50.000 đồng/kg.

Lá và đọt non của dâm bụt nấu với cua đồng là chuẩn vị nhất, thanh mát trong những ngày hè
Chị Bình (quê ở Ninh Bình) chia sẻ: "Từ xưa ở quê tôi người ta thường xuyên hái lá và đọt non của dâm bụt để nấu canh tôm, canh cua đồng, canh thịt bằm... Rau dâm bụt phải chọn lá vừa tới độ non, không bị sâu, đọt phải mập nhưng không được quá mềm. Cua đồng phải là loại tươi, béo, được giã lọc kỹ để lấy nước, còn phần gạch cua chưng lên riêng sẽ giúp nước canh thêm phần hấp dẫn. Rau sau khi rửa sạch, thái nhỏ vừa ăn, được thả vào nồi nước cua đang sôi, dậy mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh, nhớt nhẹ như rau đay nhưng không nồng, ăn cùng cà muối là "chuẩn vị" quê nhà.
Nhiều người lần đầu nếm thử món canh cua rau dâm bụt đều phải ngạc nhiên bởi vị thanh mát, ngọt hậu, mùi thơm dịu nhẹ, khác hẳn với các loại rau nấu canh thông thường. Không ít khách ở thành phố sau khi tình cờ biết đến món này đã lùng mua bằng được, dù phải đặt hàng từ quê hoặc mua qua chợ mạng".

Hiện nay dâm bụt ở các miền quê không còn nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn có người rao bán trên chợ mạng
Ngoài giá trị ẩm thực, lá dâm bụt còn được Đông y đánh giá cao về dược tính. Theo dân gian, lá có tác dụng điều hòa tim mạch, an thần, chữa mất ngủ do hồi hộp, hỗ trợ tiêu hóa và có thể dùng ngoài da để trị mẩn ngứa, làm mát. Cây dâm bụt vốn đã được ứng dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền, và nay khi bước vào gian bếp, nó tiếp tục mang đến những lợi ích không ngờ.
Từng được thưởng thức canh lá dâm bụt ở Ninh Bình, anh Thanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Cây dâm bụt ở quê mình không thiếu nhưng không ai ăn, đến Ninh Bình mình mới biết lá và đọt non cả chúng nấu canh lại ngon đến vậy. Chủ nhà hàng còn cho biết, ngoài nấu canh, lá còn có thể luộc chấm mắm hoặc xào tỏi, đều rất ngon và lạ miệng".
H.A