Với những người quê ở miền Trung và Nam Trung Bộ, chắc hẳn không còn xa lạ với con cá thác lác. Đây là loài cá nhỏ, thường sống ở ao hồ, đầm lầy. Hồi đó, cá thác lác có nhiều vô kể nhưng hầu như không ai ăn mà đem về làm thức ăn cho lợn gà, bởi loài này ít thịt, nhiều xương.
Theo tìm hiểu, cá thác lác còn có tên gọi khác là thát lát, được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1769 và có tên gọi trong tiếng Anh là Notopterus. Chúng được đánh giá là khá giống như cá bơn, cá rồng với phần thân dẹt, mỏng và khá nhỏ. Còn phần đầu của chúng khá nhỏ, ngắn, mắt cá to, lồi và miệng cá rộng kéo dài lên phần ổ mắt. Kích thước trung bình của cá khi trưởng thành sẽ khoảng từ 20 – 150cm và nặng từ 200 – 500g tùy từng dòng cá.

Cá thác lác vô cùng quen thuộc với người dân ở các miền quê
"Tôi nhớ xưa vào mùa nước nổi, người dân trong làng lại ra đồng vớt một mẻ là có đầy cá thác lác. Song họ thay vì đem về chế biến thành món ăn như các loại cá khác lại để làm thức ăn cho lợn hoặc gia cầm bởi thịt mỏng. Thậm chí chúng ít khi được bán ở chợ, nếu có thì giá cũng rất rẻ.
Bây giờ nhiều hộ dân nuôi cá thác lác để bán ra thị trường. Người ta làm thành cá một nắng hoặc chả cá thác lác, có mặt trong các nhà hàng quán ăn được nhiều người ưa chuộng", anh Chính (ở An Giang) chia sẻ.

Cá thác lác nạo sẵn là đặc sản được ưa chuộng trên thị trường.
Từ thịt thát nát nạo sẵn, chị em nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon phù hợp với mọi lựa tuổi như chiên, nấu canh chua, làm chả. Tất cả đều mang hương vị thơm ngon, thịt cá dai ngọt… Giá chả cá dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg.
Cá thác lác không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng. Thịt cá mềm, ngọt và đặc biệt là giàu đạm, ít béo. Nhờ đặc tính này mà cá thác lác phù hợp cho cả trẻ em, người cao tuổi và người cần ăn kiêng.
Những món ăn bổ dưỡng từ cá thác lác và tác dụng hỗ trợ chữa bệnh
Canh khổ qua nhồi cá thác lác
Món ăn thanh mát này giúp thanh nhiệt, kiện tỳ, hỗ trợ điều trị các chứng vàng da và viêm gan do thấp nhiệt nhờ vị đắng nhẹ của khổ qua và vị ngọt lành của cá.
Canh bông bí nhồi cá thác lác
Cá được nhồi vào bông bí, nấu thành món canh có công dụng ích khí kiện tỳ, giúp giảm tình trạng ra mồ hôi nhiều do khí hư, đồng thời hỗ trợ củng cố sức khỏe tổng thể.
Canh chua cá thác lác
Một món canh chua đậm chất miền Tây với đủ các loại rau như cà chua, dọc mùng, giá đậu, măng chua, dứa, hoa chuối... vừa giúp kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng kiện tỳ, hóa thấp, hỗ trợ giảm cân và cải thiện tình trạng mệt mỏi, lười vận động.

Canh cải cúc nấu cá thác lác
Sự kết hợp đơn giản giữa rau cải cúc và cá thác lác tạo nên món ăn dễ làm, dễ ăn, có tác dụng kiện tỳ vị, hóa đàm, rất tốt cho người bị tỳ hư sinh đờm, ho hen.
Cá thác lác kho nghệ
Món ăn này đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh, giúp bổ khí huyết, tăng tiết sữa và cải thiện tình trạng ăn uống kém do huyết hư.
Canh cá thác lác nấu nấm
Thịt cá băm nhuyễn kết hợp với nấm hương, măng khô, gừng và các gia vị vừa ăn tạo nên món canh thơm ngon, có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng huyết, cải thiện tình trạng chóng mặt và kém ăn.
Cá thác lác hầm hạt sen
Cá được nhồi cùng hạt sen và nấm đông cô, nấu thành món canh ngọt thanh, dễ tiêu. Món này giúp bổ tâm tỳ, tăng cường khí huyết, phù hợp với người hay mất ngủ, ăn kém, khó tăng cân.
Cá thác lác om rau cần
Sự kết hợp giữa cá thác lác và rau cần cho ra món ăn giúp kiện tỳ, hóa thấp, bổ khí huyết và hỗ trợ kiểm soát huyết áp, nhất là với người bị tỳ hư sinh đàm thấp.
Lưu ý: Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng có một số người không nên ăn cá thác lác như người đang dùng thuốc ho, người mắc bệnh gout, người bị rối loạn đông máu.
H.A