Trong số mới nhất của Như chưa hề có cuộc chia ly, khoảnh khắc cảm động khi cô Nguyễn Thị Thu (SN 1974, sống tại Kiên Giang) lần đầu được gặp mặt cha đã khiến khán giả bật khóc theo. Năm đó, mẹ con cô không được nhà nội chấp thuận nên đành bỏ đi xa. Sống cuộc đời lang bạt khắp nơi, cô luôn tự hỏi không biết cha mình trông ra sao?

Cô Thu khóc trong vòng tay cha ngày đoàn tụ
Một chuyện tình đẹp nhưng kết thúc buồn
Năm 1969, ông Huỳnh Hồng đi lính tại Đà Nẵng thì gặp bà Trần Thị Kim Sơn phụ mẹ xay bột làm bánh bèo, bánh lọc bán ở chợ. Ông Hồng vừa gặp bà Sơn đã thích và ngỏ ý muốn lấy bà làm vợ. Khoảng 5 tháng sau, hai ông bà làm đám cưới ở Đà Nẵng, đại diện nhà trai chỉ có ông chú họ. Ông Hồng không cho bà Sơn biết về hoàn cảnh gia đình, chỉ bảo cha mẹ ông đã mất.
Sau đó, bà Sơn sinh liền hai con cho ông Hồng, con trai đầu lòng đặt tên là Tuấn, con gái đặt tên là Đính. Đó cũng là thời điểm bà Sơn biết sự thật về gia đình ông Hồng, cha mẹ ông còn sống. Bà Sơn về nhà chồng nhưng bị mẹ chồng và em cô tên Năm gây khó dễ, bắt nạt.
Đến năm 1974, hai ông bà ly tán, lúc đó bà Sơn đang mang bầu đứa con thứ 3. Tại bến xe, ông Hồng dặn vợ: "Sau này sinh con gái, em hãy đặt tên con là Thu để kỷ niệm mùa thu của chúng mình nghe em". Cứ như vậy, bà Sơn ôm bụng bầu sắp sinh, tá túc về nhà ngoại năm 22 tuổi và sinh ra cô Thu.

Cô Thu muốn tìm cha và anh chị
Đến năm 1976, bà chờ hoài không thấy chồng xuống thăm nên mới dẫn con trở về nhà nội. Mẹ chồng không cho bà vào nhà, cũng nhất định không cho biết ông Hồng ở đâu. Vậy là chuyến đi tưởng đoàn tụ gia đình đã không thành. Họ cũng mất liên lạc hoàn toàn từ đó.
Sau này, bà Sơn lấy chồng mới. Gia đình đi Minh Lương khai hoang, ở được 10 năm rồi về lại quê ngoại ở quận 12 (TP.HCM) sinh sống. Bà Sơn đi bán ve chai, cùng chồng sau nuôi cô Thu và 6 đứa con gái ra đời liên tiếp.
Về phần ông Hồng, khi chẳng có thông tin của vợ con, không phút nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ. Năm 1978, ông xin giấy đi đường để đi tìm vợ con. Ông vào Đà Nẵng, nơi nhà cũ của cha vợ, đến Minh Lương, Rạch Giá, đến cả khu Phan Thanh Giản, Hóc Môn để hỏi nhưng đều bặt vô âm tín. Sau này, ông cũng lập gia đình mới để ổn định cuộc sống.

Vợ sau của ông Hồng rất ủng hộ việc tìm con riêng của chồng
Còn chú Tuấn và cô Đính được ông bà nội và cô Năm đón về quê Đức Phổ chơi rồi ở luôn. Họ cũng thiếu hơi ấm của mẹ từ nhỏ nhưng không biết phải làm như thế nào.
Cả nhà đoàn tụ, chỉ thiếu mẹ thôi…
Khi trưởng thành, cô Thu lấy chồng về Kiên Giang sinh sống. Chồng và con trai đầu đi biển đến vài tháng, cô ở nhà đưa đón con trai nhỏ đi học và rong ruổi bán vé số khắp mọi nơi. Cô sống với mẹ, sau khi mẹ mất, cô quyết tâm tìm cha và anh chị.
Cô đâu biết rằng, ở phía bên kia, anh Tuấn cũng nghĩ đủ cách để tìm mẹ và em gái. Trong quán ăn của gia đình chú có treo ảnh to của mẹ còn sót lại. Mục đích đơn giản là có ai vào ăn nhìn hình thấy giống ai thì chỉ cho. Thậm chí chú còn đi tìm theo nhà ngoại cảm nhưng thất bại, nhưng chú vẫn luôn hi vọng về một ngày đoàn tụ không xa.

Chú Tuấn đau đáu nỗi niềm xa cách mẹ và em gái
Còn cô Đính sống ở TP.HCM gần 40 năm rồi, trong khoảng thời gian này, cô Thu cũng sống tại đây nhưng hai chị em cứ lướt qua nhau một cách vô tình…
Mãi cho tới khi cô Thu chia sẻ thông tin tìm kiếm, gia đình họ mới có duyên hội ngộ. Trên sân khấu của Như chưa hề có cuộc chia ly, cô Thu đã được gặp cha và các anh chị của mình. Hai bên gia đình gặp gỡ, nghẹn ngào trong khoảnh khắc phải chờ đợi 49 năm. Bà Sơn chắc có lẽ cũng yên lòng nơi chín suối.

Đại gia đình trong ngày vui đoàn tụ
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly
THẢO ANH