Một chàng trai ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho biết sau khi ông nội qua đời, anh cẩn thận sắp xếp di vật của ông nội để lại. Trong quá trình phân loại, anh tìm thấy một chiếc thớt đã cũ kỹ. Theo chàng thanh niên, khi còn rất nhỏ, anh đã nghe ông nội kể rằng chiếc thớt cũ này đã có lịch sử hàng trăm năm, và trong quá trình sử dụng, chiếc thớt chưa bao giờ bị hư hỏng. Vì vậy nó đã được gia đình anh truyền từ đời này qua đời khác.
Chiếc thớt cổ được sử dụng hàng trăm năm nhưng vẫn không hề bị hư hỏng như những chiếc thớt thông thường khác.
Chàng trai chia sẻ, hồi bé anh không hề nghi ngờ gì về nguồn gốc thực sự của chiếc thớt nhưng gần đây, khi thu dọn đồ đạc, anh mới nhận ra tại sao một chiếc thớt bằng gỗ thông thường lại có thể được sử dụng hàng trăm năm. Để giải đáp những nghi ngờ của mình, chàng trai đã đem nó đến gặp một chuyên gia về di tích văn hóa địa phương, mong chuyên gia có thể cho mình một câu trả lời rõ ràng.
Xem thêm: Mang 2 chiếc ghế gãy nhặt được ở bãi rác đi thẩm định, người đàn ông "choáng váng" khi chuyên gia định giá
Sau khi được thẩm định kỹ lưỡng, chuyên gia phát hiện ra chiếc thớt được làm từ gỗ Kim Tơ Nam Mộc cực kỳ quý giá. Nếu đem đi bán sẽ có giá gấp hàng vạn lần các chiếc thớt khác trên thị trường, chàng trai trẻ chắc chắn sẽ trở nên giàu có chỉ sau một đêm.
Thực chất chiếc thớt này được làm từ Kim Tơ Nam Mộc, loại gỗ hiếm và đắt đỏ hàng đầu của Trung Quốc.
Kim Tơ Nam Mộc là loại gỗ cực kỳ đắt đỏ và quý hiếm chỉ có ở Trung Quốc, được trồng chủ yếu ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu. Từ thời xa xưa, chỉ những người giàu có, cao quý, có địa vị mới sử dụng các sản phẩm từ gỗ Kim Tơ Nam Mộc, chính vì vậy mà giá của chúng cũng ngày càng tăng cao. So với các loại gỗ khác, Kim Tơ Nam Mộc không chỉ rắn chắc hơn mà còn có mùi thơm thanh nhã. Khi vân gỗ được chiếu dưới ánh nắng sẽ hiện lên như những sợi tơ vàng óng ánh. Kim tơ nam mộc được dùng phổ biến trong các cung điện xưa.
Vì số lượng Kim Tơ Nam Mộc cực kỳ hiếm nên được chính phủ Trung Quốc liệt vào danh sách thực vật được bảo vệ cấp quốc gia. Mặc dù bề ngoài không có gì nổi bật ở chiếc thớt cổ này nhưng trên thực tế, chất liệu gỗ của nó cực kỳ đặc biệt. Hơn nữa, chiếc thớt vàng này chưa hề được chạm khắc quá mức, và ở thị trường Kim Tơ Nam Mộc ở Trung Quốc, những nguyên liệu thô cao cấp như vậy là rất đắt giá.
Kim Tơ Nam Mộc hiện nay được Trung Quốc xếp vào danh mục thực vật quý hiếm cần bảo tồn.
Chàng trai trẻ vui sướng khi biết được xuất xứ cũng như giá trị của món bảo vật mà ông nội để lại nhưng anh không có ý định bán đi. Chiếc “thớt vàng” này là báu vật do tổ tiên để lại, trong tương lai anh cũng muốn truyền lại nó cho con cháu mình làm vật gia truyền. Nguyện vọng của anh là muốn tìm một thợ điêu khắc giỏi để biến chiếc thớt thành một tác phẩm nghệ thuật để trưng bày và có thể truyền lại cho con cháu đời sau.
PHÚ NGUYỄN