Sau nhiều năm kiên trì với cây rau mít rừng, nhiều hộ dân ở Hoà Bình đã thu nhập hàng trăm triệu một năm. Rau mít rừng còn có tên gọi khác là mít ré, mít mi, thuộc họ dâu tằm. Thứ rau dại này mọc hoang trong những vùng rừng thưa, chỉ có trâu mới ăn, rồi người dân ăn thử và nhận thấy hương vị thơm ngon đặc biệt, loại rau này dần được đưa vào bữa ăn hàng ngày và trở thành món đặc sản hút khách tại các nhà hàng, quán ăn địa phương. Ngày nay, rau mít rừng không chỉ phổ biến tại Hòa Bình mà còn được vận chuyển, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Rau mít rừng được người thành phố ưa chuộng vì hương vị đặc biệt
Cây mít rừng là loài thân gỗ, sống lâu năm, ưa sáng, ít sâu bệnh và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Lá cây mít rừng hình mũi giáo, đầu nhọn, cuống lá hơi tròn. Lá non phủ lớp lông mềm màu xanh nhạt, trong khi lá già chuyển màu xanh đậm, cứng và hơi ráp.
Ở Việt Nam, cây rau mít rừng phân bố rộng, chủ yếu mọc ở các khu rừng thưa có đất xốp, thoát nước tốt, thậm chí có thể sinh trưởng trên vùng đất sỏi đá nghèo dinh dưỡng. Trong đó, Hòa Bình là địa phương có sản lượng rau mít rừng nhiều nhất, trở thành vùng cung cấp chính loại rau đặc sản này.
Rau mít có vị bùi bùi, giòn ngọt tự nhiên, có thể làm thành các món xào, nấu canh, trong đó rau mít xào thịt trâu là chuẩn vị nhất. Tại Hoà Bình hay trên chợ mạng, rau mít được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg.

Nhiều hộ dân ở Hoà Bình trồng cây mít rừng để bán đi khắp nơi, mang về nguồn thu nhập đáng kể.
Chị Xuyến (ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, Hoà Bình) cho biết lá rau mít có màu xanh mướt, hình dáng khá giống lá chè nhưng dày và cứng hơn. Khi thu hái phải thao tác rất nhẹ nhàng để không làm giập nát lá non. Đặc biệt, cây rau mít có nhiều nhựa như cây mít, người hái bắt buộc phải đeo găng tay để tránh nhựa dính vào tay, gây khó khăn trong quá trình lao động.
Công việc hái rau tuy đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả. Người làm phải chọn từng búp, từng lá non bởi cây rau mít không cho phép bẻ cành như một số loại rau rừng khác. “Khác với rau sắng, cây rau mít chỉ lấy được phần non, việc thu hái vì vậy đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu", chị Xuyến cho biết.
Dù vậy, cây rau mít lại rất dễ trồng, không phải tưới nước hằng ngày, chỉ bón ít phân chuồng vào đầu mùa mưa là cây có thể phát triển khỏe mạnh. Chính vì sống trong điều kiện khắc nghiệt mà rau mít lại có chất lượng thơm ngon vượt trội so với các loại rau rừng khác như tầm bóp, lạc tiên hay rau dớn.

Rau mít có thể luộc, xào, nấu canh, được đưa vào nhà hàng vì hương vị độc đáo
Theo tính toán của chị Xuyến, mỗi cây rau mít trưởng thành (từ 5-7 năm tuổi) có thể cho thu hoạch khoảng 4kg rau mỗi vụ. Với diện tích 1ha trồng khoảng 10.000 cây, sản lượng có thể đạt 30-40 tấn/vụ.
H.A