Nếu có ai hỏi về những món ăn đặc sản nhất định phải thưởng thức khi tới An Giang, chắc chắn người dân địa phương sẽ giới thiệu cho bạn một món nộm có hương vị vô cùng lạ, đó là gỏi sầu đâu.
Gỏi sầu đâu thực chất là một món nộm có sự kết hợp đầy đủ của vị chua, cay, mặn, ngọt và cả vị đắng, vừa hấp dẫn vừa kích thích vị giác.
Nguyên liệu chính làm nên món ăn này là lá sầu đâu. Đây là loài cây thân mộc có nguồn gốc tự nhiên trên vùng Châu Đốc, An Giang. Dường như thiên nhiên đã quá ưu đãi khi ban tặng cho vùng Châu Đốc cây sầu đâu. Cây sầu đâu còn có nhiều tên gọi khác như sầu đông, nim, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi...
Món gỏi sầu đâu có đủ các hương vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng
Người dân địa phương cho biết cây sầu đâu vào mùa từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Loại lá này có vị đắng nhưng ngọt hậu, có tính mát dùng để giải nhiệt rất tốt. Sầu đâu ở miền Tây khác với miền Trung nhưng vẫn thường hay bị nhầm lẫn. Loại mọc ở miền Trung toàn thân đều có độc, đặc biệt là lá và quả, còn sầu đâu ở miền Tây lại không độc, vị đắng nhưng rất thơm.
Mỗi khi đến mùa, tại các tuyến đường ở An Giang, người dân bày bán những bó sầu đâu xanh mướt. Trước đây, gỏi sầu đâu được chế biến đơn giản, chỉ cần bóp với chút chanh ớt, muối rồi thêm chút đậu phộng rang là xong.
Ngày nay, người dân miền Tây đã biến tấu lá sầu đâu thành món gỏi vô cùng thơm ngon. Họ kết hợp vị đắng của chúng với vị mặn của tôm, cá. Sầu đâu sau khi hái về sẽ được rửa thật sạch rồi chần sơ qua nước sôi. Làm như vậy sẽ giảm được vị đắng của sầu đâu. Chuẩn bị các nguyên liệu khác như tôm, thịt luộc, khô cá lóc, xoài chua thái sợi, dưa leo. Tất cả sẽ được trộn cùng với nước mắm tỏi ớt chua ngọt.
Cây sầu đâu mọc dại, lá có vị đắng nhưng khi làm nên món gỏi lại vô cùng hấp dẫn
Anh Hải (ở Châu Đốc, An Giang) cho hay: "Món gỏi sầu đâu chuẩn vị là phải chấm với nước sốt mắm me. Vị mắm me mằn mặn, chua chua cùng mùi thơm nồng của tỏi và ớt băm khiến món gỏi sầu đâu An Giang thêm phần hấp dẫn. Những người lần đầu thưởng thức món ăn này sẽ hơi nhăn mặt vì chúng có vị đắng nhưng chỉ cần nhai thật kỹ, nuốt xuống cổ họng thì vị ngọt nhẹ sẽ vương lại nơi đầu lưỡi. Chỉ cần gắp thêm vài gắp nữa thôi là có khi bạn lại nghiện hương vị này lúc nào không hay".
Được biết, nước mắm me ăn kèm được chế biến khá công phu. Đầu tiên là đổ nước ấm vào hỗn hợp me chín rồi lọc lấy nước cốt. Sau đó cho đường, tỏi ớt băm nhuyễn và nhất thiết phải có thêm nước mắm cá linh để tạo ra món nước chấm đậm đà làm cho món gỏi sầu đâu không lẫn với bất cứ món ăn nào.
Tại các nhà hàng, quán ăn ở An Giang, gỏi sầu đâu được đưa vào thực đơn để tiếp đãi du khách gần xa. Vì cái tên nghe lạ tai và hương vị độc đáo, gỏi sầu đâu thành món đặc sản hấp dẫn, ai đến đây đều tìm để một lần được ăn thử.
H.A