Ở các miền quê Việt Nam, cây mơ lông mọc ở bờ bụi, leo hàng rào là hình ảnh vô cùng quen thuộc. Lá và đọt non của cây mơ lông có thể sử dụng để chế biến món ăn, giúp cân bằng hệ tiêu hóa. Phần mặt trên của lá có màu xanh, mặt dưới thì có màu tím và có lớp lông tơ trắng mịn bao phủ cả hai mặt. Khi vò nát, lá sẽ có mùi rất đặc trưng.

Mơ lông vốn mọc ở bờ rào, nay thành đặc sản người thành phố ưa chuộng
Ngày đó, cây mơ lông mọc ở khắp nơi nhưng không mang lại giá trị về kinh tế, không ai mang ra mua bán ở chợ. Chỉ cần một trận mưa, lá và đọt non của cây này xanh non mơn mởn, không cần chăm sóc vẫn xanh tốt quanh năm. Hiện nay, mơ lông thành đặc sản, được bán ở thành phố với giá khoảng 70.000 đồng/kg.
Theo đó, lá mơ lông có thể làm thành các món như rán với trứng gà, cá kho lá mơ, cuốn với thịt heo, lưỡi heo chấm mắm nêm, ăn kèm với lòng lợn, bánh lá mơ... Trong các nhà hàng, quán ăn ở thành phố, lá mơ lông cũng được đưa vào thực đơn, làm thành các món ăn dân dã nhưng ngon miệng và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

Mơ lông có thể ăn sống hoặc ăn chín, đều ngon và tốt cho sức khỏe
"Mình nhớ ngày nhỏ, ở hàng rào có một dàn mơ lông tốt um. Thỉnh thoảng mình lại ra hái vào một rổ để ăn kèm với các loại rau sống, hoặc rán trứng trong những ngày mưa gió, nhà không có gì ăn.
Bây giờ hàng rào ở quê không còn nữa nên ít nhà có giàn mơ lông như trước kia. Mình thường nhờ mẹ ra chợ mua hộ để mang về thành phố ăn dần. Loại lá này rất tốt cho hệ tiêu hóa nên mỗi tuần mình sẽ rán trứng cho con ăn 1-2 lần", chị Hoa (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng từng có tuổi thơ gắn với cây mơ lông, bạn Ngọc (ở Nghệ An) kể: "Cây mơ lông mọc hoang, chẳng cần chăm bón gì. Cứ để một góc vườn, góc bờ rào trống, thế nào cũng có vài dây bò lan xanh tốt. Nhắc đến mơ lông, ai từng sống ở quê hẳn sẽ nghĩ ngay đến trứng hấp lá mơ - món ăn vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng. Chỉ cần vài quả trứng gà ta, một nắm lá mơ thái nhỏ, thêm chút gia vị, hấp cách thủy là có ngay món ăn dậy mùi thơm, bùi béo, vừa ngon lại vừa bổ".

Mơ lông rán trứng là món ăn tuổi thơ của biết bao thế hệ sinh ra và lớn lên ở các miền quê
Trồng lá mơ khá đơn giản và chăm sóc cũng khỏe. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng, từ đó về sau, khi cây tàn thì cắt cành để cây nứt ra những cành mới.
Lá mơ thu hoạch quanh năm. Nhà trồng ít thì thu hoạch theo đợt, mỗi đợt khoảng 10 ngày, nghỉ ít ngày rồi lại thu hoạch. Nhà nào trồng nhiều thì ngày nào cũng có hái, không nghỉ.
Không chỉ là rau ăn, lá mơ lông còn được Đông y xem như một vị thuốc quý, có thể giúp phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh như đau dạ dày, nhức mỏi xương khớp...
H.A