Bỏ việc văn phòng, chàng trai Đắk Lắk theo đuổi nghề lạ bị bạn bè cười chê, nay kiếm đều tay hàng chục triệu đồng/tháng

Google News

Bị cho là “lệch chuẩn” vì theo đuổi công việc vốn dành cho chị em phụ nữ, Nguyễn Nhật Khiêm (chàng trai SN 2000 ở Buôn Ma Thuột) vẫn kiên trì từng mũi chỉ, đường kim để biến đam mê thành sự nghiệp, kiếm tiền đều tay hàng tháng.

Nhận nhiều lời dị nghị, bàn tán vì theo đuổi công việc vốn dành cho phụ nữ

Nguyễn Nhật Khiêm (SN 2000), hiện đang sinh sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nhận được nhiều quan tâm khi chia sẻ lên mạng xã hội những bức tranh do chính mình thêu tay. Từ những bông hoa, con chim hay các bức tranh phong cảnh nhiều chi tiết, sắc màu... đều được Nhật Khiêm xử lý khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế cho thấy khả năng thêu tay "không phải dạng vừa" của mình.

Nhật Khiêm từ bỏ việc văn phòng để theo đuổi nghề thêu tay - công việc vốn dành cho chị em phụ nữ

Hàng ngày, trong căn phòng nhỏ, Nhật Khiêm cặm cụi bên khung thêu gỗ, đôi tay khéo léo luồn từng sợi chỉ qua lớp vải, tạo nên những tác phẩm sinh động, bắt mắt. Nhìn những bức tranh thêu tả thực, phong cảnh đầy màu sắc trong căn phòng nhỏ, ít ai ngờ rằng người tạo ra chúng là một chàng trai trẻ từng làm văn phòng, shipper và đóng gói hàng hóa.

Nói về cơ duyên đến với nghề thêu, Nhật Khiêm bày tỏ: "Thời điểm đó, mình nghỉ làm văn phòng nên muốn tìm công việc có thể làm ở nhà, tự do và chủ động thời gian. Mình thấy handmade có nhiều tiềm năng, đáp ứng được các mong muốn của bản thân. Vì thế, mình tìm hiểu các nghề như làm túi da, móc len, may mặc tái chế, vẽ tranh trên đá, nặn tượng... Sau cùng, mình thấy thêu là phù hợp nhất và cũng ít vốn nhất (cười). Bản thân mình cũng có chút linh cảm sẽ làm tốt khi có chút năng khiếu mỹ thuật và thị trường có nhiều tiềm năng khai thác".

Bén duyên với thêu tay từ cuối tháng 3/2022, Nhật Khiêm bắt đầu công việc này với sự bỡ ngỡ. Không học qua trường lớp nào, toàn bộ kỹ năng thêu, may, dùng kim đều do Khiêm tự mày mò, xem và tự học qua các video, phóng sự về nghệ nhân thêu trong và ngoài nước. Những ngày đầu, mọi thứ đều lạ lẫm và khó khăn với Khiêm. Từ việc chọn nguyên vật liệu, cách cầm kim tới cả việc phối màu, chàng trai sinh năm 2000 đều vô cùng chật vật bởi bàn tay thô cứng chưa quen việc. Vì thế, thời gian đầu, Khiêm phải dành ra từ 8-12 tiếng mỗi ngày để luyện tập, đến mức đầu ngón tay phồng rộp, chảy máu vì kim đâm.

Những tác phẩm thêu tay của Nhật Khiêm được chia sẻ khiến nhiều người tấm tắc khen ngợi

Không chỉ gian nan về kỹ thuật, Khiêm còn đối mặt với nhiều lời dị nghị, bàn tán từ mọi người xung quanh vì cho rằng may vá, thêu thùa là công việc của đàn bà, con gái. Bỏ ngoài tai những lời nói không mấy thiện cảm này, chàng trai sinh năm 2000 kiên trì học tập và rèn luyện mỗi ngày bởi tin rằng đường kim mũi chỉ cũng có thể là một dạng nghệ thuật như vẽ tranh. Để khẳng định lựa chọn của mình là đúng, Khiêm đã quyết tâm nghỉ công việc văn phòng để theo đuổi nghề thêu tay.

"Để thành thạo việc thêu, mình dành ra cả ngày trong nhiều tháng luyện tập cảm nhận mũi thêu và đường nét cũng như màu sắc của hình thêu. Mới đầu, mình cũng bị đâm rách da chảy máu khá nhiều, nhưng bản thân cũng muốn chinh phục công việc này xem sao nên không nản chí. Thêm vào đó, mình cũng phải tập trung tâm trí và luyện tính kiên trì nữa. Là con trai có tính khá hấp tấp và nhanh nản nên mới đầu cũng khó khăn một chút thôi", Khiêm thoải mái chia sẻ.

Khách đặt hàng tới tấp, chàng trai kiếm thu nhập hàng chục triệu đồng

Sau gần một năm rèn luyện không ngừng nghỉ, những mũi kim của Khiêm trở nên mềm mại, chính xác hơn. Tác phẩm của chàng trai Gen Z gây ấn tượng bởi cách phối màu tinh tế, bố cục hài hòa, giàu chiều sâu thị giác. Những sản phẩm đầu tiên được Khiêm đăng lên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ không chỉ vì sự tỉ mỉ, tinh tế mà còn bởi tác giả là một chàng trai.

Hình hoa hướng dương theo phong cách Van Gog khách đặt hàng với giá 2 triệu đồng

Bức thêu tay đầu tiên Khiêm bán là hình hoa hướng dương theo phong cách Van Gogh, với giá 2 triệu đồng cho một khách hàng ở Hà Nội. Kể từ đó, những nỗ lực bắt đầu có trái ngọt, nhiều khách hàng tìm đến Khiêm để đặt hàng những bức tranh chân dung, phong cảnh, họa tiết trang trí phức tạp hơn. 

Điều đặc biệt trong tranh thêu của Khiêm không chỉ ở kỹ thuật mà còn là chất riêng. Nhằm mang đến nhiều trải nghiệm khác nhau, Khiêm không ngừng sáng tạo, liên tục thử nghiệm trên các chất liệu mới như lá cây khô, giấy dó, xương lá… thay vì chỉ sử dụng vải nỉ truyền thống. Ngoài các đơn đặt hàng, Khiêm còn dành thời gian nghiên cứu, thử thêu các chủ đề và kỹ thuật mới để làm giàu vốn sáng tạo cho bản thân.

Với mỗi bức tranh, Khiêm thường hoàn thành trong vòng một tuần, còn hình thêu khó và to thì có thể trên dưới một tháng. Trung bình mỗi tháng, Khiêm có thể hoàn thiện từ 2-3 tác phẩm chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng.

Với Khiêm, thêu tay là cách "vẽ" nên những tác phẩm nghệ thuật bằng đường kim, mũi chỉ.

"Thông thường mình sẽ thêu sau khi được mọi người đặt hàng. Khi có thời gian rảnh, mình cũng thêu những bức tranh theo chủ đề hoặc tranh đòi hỏi kỹ thuật mới. Bởi vì cũng có nhiều khách hỏi thêu những hình hay kỹ thuật mà mình chưa tự tin hoặc chưa thử bao giờ nên Khiêm sẽ tranh thủ trải nghiệm qua", Khiêm nói.

Chàng trai sinh năm 2000 tâm sự thêm: “Với mình, thêu tay là cách vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật bằng đường kim, mũi chỉ. Tôi yêu thích công việc này bởi nó giúp tôi thỏa mãn, theo đuổi đam mê, sáng tạo những tác phẩm mình yêu thích. Hạnh phúc hơn, công việc này còn giúp tôi có được thu nhập tốt từ chính đam mê của mình”.

H.A