Biệt đội Công tác xã hội: Chiếc cầu nối thầm lặng trong việc hiến tạng, nâng cao sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân

Google News

Trong nhiều năm qua, phòng Công tác xã hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

Trong lĩnh vực Y tế, Công tác xã hội không chỉ hỗ trợ bệnh nhân về mặt vật chất mà còn mang lại sự an ủi tinh thần, giúp người bệnh vượt qua những khó khăn trong hành trình điều trị. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng Công tác xã hội trở thành cầu nối giữa bệnh nhân, gia đình và cộng đồng, thể hiện rõ vai trò thiết yếu trong chăm sóc toàn diện, không chỉ dừng lại ở các hoạt động thiết thực mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. 

Trong Phiên chuyên đề Công tác xã hội tại hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy 2025 được tổ chức mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những báo cáo thiết thực về các hoạt động công tác xã hội của bệnh viện, từ việc hỗ trợ tài chính, tư vấn tâm lý, đến lan tỏa các giá trị nhân văn qua chương trình hiến tạng và chăm sóc giảm nhẹ. Phòng Công tác xã hội đã chứng minh vai trò không thể thiếu trong việc chăm lo cho bệnh nhân.

Vai trò trong chương trình hiến - ghép mô/tạng

Trong phiên chuyên đề, khi đề cập đến vai trò Công tác xã hội trong chương trình hiến ghép mô tạng từ người hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo viên Văng Thị Ngọc Bích cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc lịch sử với ca ghép thận từ người hiến chết não đầu tiên vào năm 2008. Kể từ đó, hành trình nhân đạo này ngày càng được lan tỏa sâu rộng. 

Tính từ năm 2015 - 2024, đã có 53.918 người tự nguyện đăng ký hiến tạng tại bệnh viện. Trong cùng thời gian, Chợ Rẫy tiếp nhận tạng từ 48 người hiến, với tổng số mô/tạng gồm: 75 thận, 14 gan, 14 tim, 1 khối tim-phổi, 53 giác mạc và 2 mẫu da.

CN Văng Thị Ngọc Bích trình bày vai trò CTXH trong chương trình hiến ghép mô - tạng từ người hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: BVCC).

Đằng sau những con số ấy là nỗ lực bền bỉ của phòng Công tác xã hội giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối, chăm lo và kết nối để quá trình hiến - ghép tạng diễn ra suôn sẻ. Ngay từ đầu, nhân viên công tác xã hội đã đóng vai trò là trực tiếp giải thích quy trình hiến tạng, cung cấp thông tin rõ ràng, hỗ trợ gia đình người hiến trong suốt quá trình ra quyết định.

Không chỉ dừng lại ở đó, phòng còn phối hợp chăm sóc cơ thể người hiến, đảm bảo tôn trọng tuyệt đối người đã khuất bằng việc chuẩn bị chu đáo các thủ tục tắm rửa, thay đồ, và hỗ trợ gia đình thực hiện nghi thức tôn giáo, lễ tang phù hợp với văn hóa và tín ngưỡng của từng người. Mỗi hành động đều mang tinh thần tri ân sâu sắc, giúp gia đình cảm nhận được sự sẻ chia và an ủi trong thời điểm mất mát lớn.

Đặc biệt, những nghi lễ tưởng niệm và truy tặng kỷ niệm chương được tổ chức định kỳ để tôn vinh người hiến và gia đình họ. Chính các hoạt động nhân văn này giúp không ít gia đình người hiến tìm thấy sự thanh thản trong nỗi đau, đồng thời góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về hiến tạng nhân đạo trong cộng đồng.

Nhờ sự đồng hành của công tác xã hội, hành trình hiến - ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ là một tiến bộ y khoa mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái, khơi dậy niềm tin vào điều tốt đẹp, và thắp lên cơ hội sống cho hàng ngàn bệnh nhân suy tạng đang chờ đợi.

Chương trình “Đồng hành cùng người bệnh ung thư”

Chương trình “Đồng hành cùng người bệnh ung thư” là một trong những hoạt động nổi bật của phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, nhằm hỗ trợ bệnh nhân ung thư về cả thể chất và tinh thần. Theo báo cáo viên Ngô Thị Thanh Thương, từ năm 2021-2024, phòng đã phục vụ hơn 127.000 lượt sữa, hơn 123.000 lượt bánh và 27.000 lượt trái cây tại các khu hóa trị. Các khu vực này được trang bị tiện nghi như: màn hình LCD chiếu phim hoạt hình, dàn máy phát nhạc thiền, WiFi và kệ sách thư giãn, tạo môi trường thoải mái cho bệnh nhân. 

Rất nhiều chương trình ý nghĩa dành cho bệnh nhân được thực hiện 

Ngoài ra, chương trình “Đồng hành cùng Chiến binh K” được tổ chức định kỳ 2 tháng một lần, với các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách, thiền chữa lành và nhận quà. Khu sinh hoạt bệnh nhân tại lầu 7 Trung tâm Ung bướu còn có góc âm nhạc, tủ sách và tủ tóc giả, giúp bệnh nhân cảm thấy được quan tâm và có động lực chiến đấu với bệnh tật. Những sáng kiến này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn mang lại sự an ủi tinh thần cho gia đình họ.

Hỗ trợ vật chất và tinh thần

Đại diện phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo viên Phạm Tiến Phát cho biết, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của phòng Công tác xã hội là hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2008 đến 2024, phòng đã vận động được hơn 12.000 nhà hảo tâm, giúp đỡ hơn 31.000 lượt người bệnh với tổng số tiền hơn 156 tỷ đồng. 

Ngoài ra, bệnh viện cung cấp 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày cho thân nhân bệnh nhân, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình. Các chương trình như khám sàng lọc tim bẩm sinh và phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em nghèo cũng được triển khai, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi. 

Hiểu rằng tinh thần là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị, phòng Công tác xã hội đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bệnh nhân. Trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ, phòng Công tác xã hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân ung thư và thân nhân, bao gồm tìm hiểu bệnh sử xã hội, đánh giá trạng thái cảm xúc và các vấn đề tinh thần của bệnh nhân. 

Phiên chuyên đề còn có nhiều ý kiến được đặt ra xoay xung quanh các vấn đề công tác xã hội. (Ảnh: BVCC).

Qua đó, lên kế hoạch hỗ trợ phù hợp, bao gồm tư vấn tâm lý, kết nối với các dịch vụ cộng đồng và tổ chức các hoạt động tinh thần. Các chương trình như khu sinh hoạt người bệnh tại lầu 7, chuỗi hoạt động tại Khoa Hóa trị, Khoa Xạ trị, chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” hay “Gian hàng yêu thương” cũng góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân trong giai đoạn điều trị khó khăn.​

Nhìn chung, những hoạt động Công tác xã hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ mang lại sự hỗ trợ thiết thực mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, giúp bệnh nhân cảm thấy không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Với sự đầu tư và hỗ trợ phù hợp, công tác xã hội tại Chợ Rẫy đang góp phần xây dựng một hệ thống y tế nhân văn và toàn diện hơn.

Khẳng định vị thế của Công tác xã hội 

Bên cạnh các báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy, trong khuôn khổ buổi chuyên đề về công tác xã hội tại hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy 2025, nhiều tham luận chuyên sâu đã mang đến những góc nhìn phong phú và thực tiễn, phản ánh rõ nét vai trò của công tác xã hội trong môi trường bệnh viện. Các nội dung báo cáo bao gồm kết quả khảo sát về những khó khăn thường gặp của người bệnh nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định; hay thực trạng và thách thức trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế hiện nay,...

Buổi chuyên đề còn có các báo cáo từ phòng Công tác xã hội của các bệnh viện khác. (Ảnh: BVCC).

Những nội dung trình bày không chỉ góp phần làm rõ thực tiễn triển khai Công tác xã hội tại các bệnh viện, mà còn là dịp để đội ngũ cán bộ, nhân viên nhìn lại chặng đường 9 năm thực thi Thông tư 43 của Bộ Y tế. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu hành trình bền bỉ khẳng định vị thế của Công tác xã hội trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Qua từng bài học kinh nghiệm, từng câu chuyện cụ thể, hình ảnh người nhân viên Công tác xã hội trong bệnh viện ngày càng hiện lên rõ nét – không chỉ là người hỗ trợ chuyên môn mà còn là người đồng hành với bệnh nhân trên hành trình vượt qua những rào cản về tâm lý, tài chính, xã hội và sức khỏe.

Sự chuyên nghiệp hóa của đội ngũ Công tác xã hội cũng từ đó được khẳng định, góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn trong chăm sóc y tế, làm sâu sắc thêm ý nghĩa của "y học lấy người bệnh làm trung tâm", nơi mà mọi nỗ lực đều hướng đến mục tiêu sau cùng: giúp bệnh nhân không đơn độc trong cuộc chiến với bệnh tật.

AN THANH