Thành quả trong nghiên cứu, chẩn đoán
Theo đó, trong báo cáo về “Giải pháp mới trong điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim gây đột quỵ, đột tử" được ThS.BS Trần Lê Uyên Phương - phó khoa điều trị rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy - trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025 ngày 17/4, bác sĩ Phương cho biết, rối loạn nhịp tim là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ và đột tử, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng.
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Đây là tình trạng các buồng trên của tim (tâm nhĩ) đập nhanh hoặc đập chậm và không đều, gây ra nhịp tim bất thường. Rung nhĩ có thể nhận biết qua các dấu hiệu như: hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực, tim đập mạnh, hụt hơi, khó thở, yếu sức. Người bệnh cũng có thể cảm thấy vã mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt, tối sầm mắt, gần ngất hoặc ngất, mệt đừ,…
Bệnh xuất hiện ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính, với triệu chứng đa dạng và mức độ khác nhau. Không chỉ ảnh hưởng đến nhịp tim mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như: tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, sa sút trí tuệ, trầm cảm, giảm chất lượng cuộc sống và tăng số lần nhập viện. Đáng chú ý, rung nhĩ làm tăng nguy cơ tử vong từ 1,5 đến 3,5 lần.

Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ, đột tử. (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, một số người mắc rung nhĩ không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua khám sức khỏe hoặc điện tâm đồ, dẫn đến tình trạng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân đột tử phụ thuộc vào từng độ tuổi khác nhau. Nhưng nếu đột tử xuất hiện sau độ tuổi 40, nguyên nhân chủ yếu do bệnh liên quan đến động mạch vành và suy tim.
“Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã xảy ra biến chứng đầu tiên là đột quỵ”, ThS.BS Trần Lê Uyên Phương chia sẻ. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm để.
Song, bác sĩ Phương cho biết, nhờ tiến bộ gần đây trong quản lý rối loạn nhịp đã mở ra các giải pháp hiệu quả, giúp giảm nguy cơ đột quỵ và đột tử do rối loạn nhịp tim.kịp thời điều trị.
“Máy phá rung (ICD) và triệt đốt điện sinh lý nổi bật như hai phương pháp quan trọng trong dự phòng và điều trị rối loạn nhịp nguy hiểm”, bác sĩ Phương nói.
Trong đó, máy phá rung (ICD) giống như một “vệ sĩ” được cấy vào cơ thể, luôn theo dõi nhịp tim của bệnh nhân. Khi phát hiện tim đập quá nhanh, bất thường và có thể nguy hiểm đến tính mạng, máy sẽ phát ra xung điện nhỏ để điều chỉnh lại nhịp tim, giúp ngăn chặn những cơn ngừng tim đột ngột có thể dẫn đến tử vong.
Thiết bị này đặc biệt cần thiết cho những người bị suy tim nặng, cụ thể là khi tim không còn bơm máu hiệu quả (chỉ số phân suất tống máu dưới 35%). Tuy nhiên, ngay cả những bệnh nhân có chức năng tim khá hơn nhưng lại có nguy cơ cao bị loạn nhịp (dựa vào kết quả khám và đo điện tim), máy ICD vẫn mang lại nhiều lợi ích.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc cấy ICD giúp giảm rõ rệt nguy cơ tử vong do rối loạn nhịp thất nguy hiểm, từ đó mang lại sự an tâm và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Bên cạnh máy phá rung (ICD), triệt đốt điện sinh lý cũng là một phương pháp điều trị rất hiệu quả đối với các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, đặc biệt là rung nhĩ - một dạng nhịp tim không đều thường gặp trong các trường hợp rối loạn nhịp nhĩ và thất nguy hiểm.
Hiểu đơn giản, triệt đốt là kỹ thuật bác sĩ dùng ống thông luồn vào tim, sau đó dùng năng lượng để đốt bỏ những vùng nhỏ trong tim gây ra nhịp bất thường, từ đó giúp tim đập trở lại đều đặn hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu thực hiện triệt đốt sớm cho bệnh nhân rung nhĩ, có thể giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.
Trong một số trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ nhưng không thể dùng thuốc chống đông, bác sĩ có thể kết hợp triệt đốt với kỹ thuật “bít tiểu nhĩ trái” (LAAO) - đây là nơi dễ hình thành cục máu đông gây đột quỵ. Sự kết hợp này được xem là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn, giúp bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ tai biến.

ThS.BS Trần Lê Uyên Phương - phó khoa Điều trị rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: FPBV)
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân đã được cấy máy phá rung (ICD) nhưng vẫn còn loạn nhịp thất, triệt đốt cũng có vai trò quan trọng. Hiện nay, bác sĩ có thể ứng dụng hệ thống bản đồ 3 chiều trong tim hoặc kết hợp với siêu âm và kỹ thuật đốt bên ngoài tim (thượng tâm mạc) để xác định chính xác điểm gây loạn nhịp và xử lý hiệu quả hơn.
Nhờ những kỹ thuật này, người bệnh giảm được số lần máy ICD phải kích hoạt, đồng thời giảm gánh nặng lên quả tim đã yếu, giúp họ sống khỏe hơn, ổn định hơn trong thời gian dài.
Những tiến bộ này cho thấy vai trò rất quan trọng của các thiết bị hỗ trợ tim và các phương pháp điều trị hiện đại trong việc phòng ngừa và chữa trị những rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Nhờ đó, nguy cơ bị đột quỵ hoặc đột tử ở người bệnh được giảm bớt, giúp họ sống lâu hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ giữ huyết áp ổn định, kiểm tra mỡ máu (cholesterol) định kỳ và giảm cân nếu đang thừa cân. Bên cạnh đó, nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm tốt cho tim, việc tránh xa thuốc lá và thuốc lá điện tử cũng rất quan trọng vì đây là những tác nhân dễ làm tổn thương tim và mạch máu.
Ngoài ra, hãy cố gắng vận động đều đặn mỗi ngày - dù chỉ là đi bộ, đạp xe hay tập thể dục nhẹ - vì lối sống năng động sẽ giúp tim khỏe mạnh và nhịp tim ổn định hơn. Tất cả những điều này, nếu được duy trì đều đặn và theo hướng dẫn của bác sĩ, sẽ góp phần quan trọng giúp phòng ngừa các rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
Hơn 370 bài báo cáo tại hội nghị
Bên cạnh báo cáo về “Giải pháp mới trong điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim gây đột quỵ, đột tử", Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025 còn có hơn 370 bài báo cáo mang đến cho người tham dự các góc nhìn đa chiều, chuyên sâu nhưng cũng không kém phần thực tiễn và đa dạng ở các lĩnh vực. Trong đó có các lĩnh vực: ngoại gan mật tụy – u gan; ngoại tiêu hóa; chẩn đoán hình ảnh; điều dưỡng; mắt; tai mũi họng;...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Nguyễn Tri Thức đánh giá, chương trình hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nội dung các báo cáo phong phú, đa dạng, cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, vì vậy hội nghị sẽ là cơ hội để các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm quý báu, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hội nghị khoa học thường niên BV Chợ Rẫy năm nay còn quy tụ nhiều nhà khoa học đến từ 32 quốc gia, cùng nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ các trường đại học y khoa ở phía Nam.

Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. (Ảnh: FPBV).
Tại phiên toàn thể, hai chuyên gia của BV Chợ Rẫy và hai giáo sư đến từ Hoa Kỳ, Australia đã báo cáo tới hội nghị những vấn đề quan trọng, như triển khai phát hiện, điều tra và kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở y tế; xạ trị phá hủy định vị chính xác tuyến tiền liệt; lợi ích của hợp tác quốc tế trong phẫu thuật mạch máu...
"Toàn hội nghị có phiên toàn thể và 16 phiên chuyên đề, với hơn 140 báo cáo khoa học, 25 báo cáo quốc tế. Trong đó, có 12 phiên chuyên đề được báo cáo 100% bằng tiếng Anh, phản ánh rõ nét tinh thần giao lưu, trao đổi, hội nhập quốc tế của các thầy thuốc, các nhà khoa trẻ của BV Chợ Rẫy và các bệnh viện bạn", TS.BS Nguyễn Tri Thức nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, Việt Nam đang chú trọng đến công tác chuyển đổi số, vì vậy tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Tri Thức đề nghị các đồng nghiệp, các nhà khoa học và ban tổ chức thể hiện rõ nét hơn trong sự kiện này về đổi mới hình thức và nội dung các báo cáo khoa học. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, kỹ thuật số trong các nội dung khoa học, cũng như cách trình bày, chia sẻ, để hội nghị được chuyển tải theo cách sinh động và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho những người tham dự.
AN THANH