3 người đàn ông Việt sở hữu cây cổ nghìn năm tuổi, khách trả giá hàng chục tỷ đồng vẫn không bán

Google News

Họ không chỉ có niềm đam mê với cây cối mà còn sở hữu cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng.

Người đàn ông sở hữu cây duối cổ, khách trả 18 tỷ chưa bán

Anh Minh (51 tuổi, Bình Định) không chỉ nổi tiếng bởi tài năng “uốn cây” siêu đỉnh mà còn sở hữu chậu bonsai trị giá hàng chục tỷ đồng. Anh nói: “Tôi vốn là thợ đúc chậu dành cho các loại cây cảnh, phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Sau đó tôi bén duyên với việc chơi cây, tự cắt tỉa và tạo dáng cho chúng rồi đưa lên chậu để trưng bày trong vườn nhà”.

Hiện tại, vườn của anh Minh có một cây duối cổ trăm năm tuổi được giới sành cây đánh giá "khủng" nhất nhì Việt Nam. Có khách trả 18 tỷ đồng song anh vẫn lắc đầu, không muốn bán.

Người ta đánh giá cụ duối cổ là tuyệt phẩm “độc nhất vô nhị”. Ban đầu tôi không dám nhận vì trong làng cây cảnh có nhiều nghệ nhân nắm trong tay cây quý – đẹp và giá trị. Sau này tôi tìm hiểu mới thấy hiếm ai sở hữu cây duối vừa to vừa cao như trong vườn nhà”, anh Minh nói.

Cây duối cổ có chiều cao 3.8m, rễ mọc tua tủa đến độ không thể đếm xuể, các tán cây được cắt tỉa và tạo hình đẹp mắt. Chúng được anh Minh đặt trong chiếc chậu dài 10m, ngang 3.6m. Tổng diện tích để chứa nó lên tới 36m2– tương đương một ngôi nhà tại các thành phố lớn.

Chủ trước của cây duối này ở Phù Cát, rất nhiều người hỏi mua nhưng không bán. 4 năm trước, tôi đến đây tham quan và ấn tượng với nó nên hỏi thử, chứ xác định sẽ thất bại. Vậy mà họ đồng ý bán cho tôi với giá 3.6 tỷ đồng. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có duyên nên họ mới “gả đi” như vậy”, anh Minh khoe.

Khách trả giá cây duối 18 tỷ đồng nhưng anh Minh từ chối bán.

Thời điểm anh Minh mua cây duối cổ, chủ nhân của nó đã cắt tỉa và tạo hình. Song anh vẫn dành thời gian để chăm chút, gia công cho nó thêm mềm mại, đẹp và ấn tượng. Sau đó anh tạo chiếc chậu lớn rồi cẩu nó vào rồi trưng bày ngay trước cổng vườn.

Nhắc đến chuyện cây duối cổ có từ bao giờ, người đàn ông 51 tuổi cho biết anh cũng không rõ nguồn gốc và quá trình phát triển của nó ra sao. Nhưng thông qua thân và rễ, anh phỏng đoán nó có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm.

Cây duối cổ có vóc dáng gây ấn tượng với người trong giới chơi cây cảnh. Họ đã truyền tai nhau về độ đẹp – cổ kính khiến không ít người tò mò tìm đến, muốn mục sở thị xem sao. Thậm chí có người sẵn sàng trả giá lên tới 18 tỷ đồng.

Các nhà vườn lớn ở Hà Nội làm khu du lịch có vào đây tìm hiểu và ngỏ ý trả giá như thế. Tôi chưa chịu bán vì nghĩ mình vẫn còn duyên với nó, chứ không phải chê ít tiền hay gì”, anh Minh tâm sự.

Khi hỏi giá bán mong muốn, anh Minh cho biết bản thân không thể công khai với bất cứ ai. Mọi người chân thành muốn sở hữu chúng thì liên hệ với anh để thoả thuận. “Không phải vì tôi là chủ nhân của nó, muốn bán với giá cao mà khen ngợi đâu. Song thực sự tôi thấy nó rất vĩ đại và giá trị cả về nghệ thuật lẫn thời gian”, anh Minh nói.

Người đàn ông sở hữu cây bằng lăng độc lạ

Anh Linh - hiện sinh sống tại Bình Định từng khoe hai vợ chồng sở hữu một cây bằng lăng vừa đẹp vừa có giá. Anh cho biết trong vườn nhà có khoảng 10 cây bằng lăng đang trổ hoa tím ngắt. Mỗi cây được tạo thế dáng khác nhau, trông vô cùng độc lạ và toát lên sự uy nghi mà không đâu có được.

Trước cửa cổng nhà tôi đặt 2 cây bằng lăng. Hoa nở bông to và đặc tím. Còn thân đồ sộ chứ không mảnh khảnh. Mọi người cứ đi khắp nơi xem, chẳng có ở đâu mà cây và hoa ấn tượng như thế này luôn. Sở dĩ vậy vì hoa của chúng được “nhân tạo” từ 2 kiểu giống khác nhau”, anh Linh tự hào.

Vậy vì sao thân bằng lăng trong chậu xù xì và đồ sộ như vậy?”, khi được hỏi người đàn ông thành thật cho biết thân cây là giống bằng lăng rừng, còn hoa là giống thái lá nhỏ. Anh đã mất một thời gian để mày mò và ghép thành công 2 giống cây này thành một.

Cây bằng lăng của vợ chồng anh Linh.

Nhắc đến chuyện cây bằng lăng cảnh có giá bao nhiêu, người đàn ông xứ Phù Cát cho biết anh sẵn sàng chia sẻ, bán với giá 250 triệu đồng. “Tôi rất sợ bị người ta ném đá, cho rằng bị ảo tưởng khi bán cây cảnh với số tiền cả trăm triệu đồng. Song thực sự tôi chỉ muốn “giao” nó cho người nào cảm thấy muốn chơi, muốn chăm chút và tỉa tót cho nó.

Và thực tế, tôi đã “lai tạo”, ghép, tạo thế dáng cho rất nhiều cây bằng lăng. Sau đó tôi đã bán được với giá như thế”, anh Linh bộc bạch.

Anh Linh vốn là người lao động bình thường, quanh năm vất vả để lo cho vợ con. Một ngày anh bỗng dưng có sở thích chơi cây cảnh, đặc biệt là bằng lăng tím. Anh đã dành thời gian rảnh để mày mò, đi sưu tầm các giống bằng lăng rồi tập tành ghép, tạo thế dáng.

Ngờ đâu cây anh Linh tạo ra lại có người sành cây cảnh dành lời khen, thậm chí trả với giá cao. Từ đó anh ấy bén duyên với đam mê chơi cây cảnh. Ở đâu có phôi đẹp là anh ấy lên đường đi mua, về chăm sóc và ghép thành những kiểu dáng khác nhau.

Có nhiều người đến nhà tôi chơi thấy cây có dáng đẹp quá, hoa lại nở hoa và màu không đâu có được đã hỏi anh ấy có học qua trường lớp gì hay không? Tôi trả lời rằng anh làm bằng cái tâm và tình yêu dành cho cây hoa lá mà họ không tin.

Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến, tận tai lắng nghe anh ấy chia sẻ họ mới tin thật và dành lời khen ngợi. Tôi rất tự hào về tài năng đó của chồng”, vợ anh Linh tâm sự.

Người đàn ông sở hữu cây bằng lăng trị giá 69 tỷ đồng

Ông Sơn (74 tuổi, Vĩnh Long) sở hữu cây cổ mộc bằng lăng trị giá 69 tỷ đồng. Ông từng tiết lộ cây có tuổi đời hơn 300 năm và dáng thế độc đáo không loài cảnh nào có thể sánh bằng. Ông chia sẻ: “Năm 1971, tôi đi chiến trường được người ta tặng lại cây này. Tôi vốn là người yêu thích cỏ cây hoa lá nên nhận và đem về để trồng. Họ có nói rằng nó tuổi đời cao, tính đến thời điểm hiện tại phải 300 năm rồi.

Giờ nó cao 4m, chu vi đế 6m và đường kính gốc cũng 6m. Nếu muốn nhìn tổng thể, mọi người phải đứng ra tận xa mới bắt trọn khung cảnh, còn đứng sát chỉ xem được chi tiết gốc, thân thôi… Ngọn cao quá chẳng nhìn được, vì thế có cắt tỉa tôi phải dùng thang bắc lên”.

Ảnh cây bằng lăng trị giá 69 tỷ đồng.

Cũng theo người đàn ông, để có dáng thế “độc nhất vô nhị”, ông đã dày công chăm sóc và uốn tỉa tỉ mần mấy chục năm. Sau đó ở từng khúc, ông sẽ tạo kiểu làm sao cho khúc đó trông thật có hồn cốt. Và điều ấn tượng nhất chính là gốc cây có hình dáng giống như con rùa, hai bên có hai râu khiến ai đã “mục sở thị” cũng phải giật mình.

Còn chuyện đặt tên là “cây đèn thần”, người đàn ông giải thích rằng sở dĩ gọi như vậy vì cây này chỉ có một thân duy nhất và phát triển cao lớn như vậy giờ. Nó có hình dáng như cây đèn thần trong truyện thần thoại xứ Ba Tư – Aladdin và cây đèn thần. Do đó ông quyết định gọi như thế vừa tả đúng dáng cây vừa có sự bí hiểm về tuổi đời.

Cây cảnh thường trồng trong chậu rồi chưng trước cửa nhà để “khoe”, nhưng cây cổ của ông Sơn lại được trồng trên khoảnh đất sau nhà. Ông lý giải: “Tôi giấu ở đằng sau nhà vì không muốn cho người ta thấy đó! Tôi chỉ muốn giữ làm của riêng mình, cứ đêm đêm không ngủ lại lôi ghế ra ngồi ngắm.

Song đến tuổi này tôi đã suy nghĩ khác, muốn nhượng lại cho ai có niềm đam mê bất tận với nó. Tôi rao với giá 69 tỷ đồng, nhiều người sẽ nghĩ tôi hoang tưởng. Nhưng tôi xin khẳng định đúng với giá trị thật của nó, 1.000 năm sau cũng không có cây thứ hai”.

Và để chứng minh lời nói trên là đúng, ông Sơn kể rằng cách đây 9 năm có một người Nhật tìm đến và trả giá 37 tỷ đồng cho cây cổ. Ông kiên quyết không bán. Họ liền thêm 8 tỷ đồng, tổng là 45 tỷ đồng. Song ông vẫn không bán vì bản thân không có nhu cầu.

Giờ ông Sơn có tuổi, suy nghĩ đã khác ngày xưa. Hơn cả con cái lại không có sở thích chơi cây cảnh nên muốn bán cho ai có đam mê và thưởng thức chúng. Vì chỉ có họ mới nhận ra giá trị thật, thấy 69 tỷ đồng là chính xác.

NGỌC HÀ