Xà bông Cô Ba
Khi nhắc đến các thương hiệu Việt "vang bóng một thời", hẳn không ai là không biết đến cục xà bông màu xanh mát in hình người phụ nữ Việt Nam tóc búi cao, một biểu tượng thân quen của thời kỳ vàng son: Xà bông Cô Ba.
Không chỉ là một sản phẩm tắm gội thông thường, nó còn là niềm tự hào của người Việt, là minh chứng cho tầm nhìn và tài năng kinh doanh của doanh nhân Trương Văn Bền, người tiên phong khởi xướng tinh thần "Người Việt dùng hàng Việt" từ những năm đầu thế kỷ 20.

Ra đời trước năm 1932 tại Chợ Lớn, Xà bông Cô Ba được sản xuất từ dầu dừa, xút và hương liệu đặc biệt mà chỉ ông Bền mới có bí quyết giữ mùi thơm bền lâu. Không chỉ có chất lượng đạt chuẩn quốc tế với mức giá phải chăng, sản phẩm này còn từng làm lu mờ các loại xà bông nhập khẩu, chinh phục cả thị trường Đông Dương, lan đến Hương Cảng, Tân Đảo và xa hơn nữa là châu Phi.
Điều làm nên dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng thời bấy giờ không chỉ là chất lượng mà còn là những chiến lược quảng bá tài tình. Vào thời điểm mà quảng cáo vẫn là một hình thức chưa phổ biến ở nước ta thì ông Trương Văn Bền thực sự đã đi đầu, trở thành một "chiến lược gia truyền thông" mà đến bây giờ những bài học từ cách làm của ông vẫn còn giá trị.
Với khẩu hiệu “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”, ông Trương Văn Bền đã phủ sóng hình ảnh Xà bông Cô Ba khắp nơi – từ xe điện, xe hơi, áp phích đường phố đến áo cầu thủ bóng đá, thậm chí là trong các bản nhạc, những cuộc rao hàng giả vờ trong tiệm tạp hóa… Tất cả tạo nên một chiến dịch truyền thông đầy sáng tạo, đưa thương hiệu xà bông thuần Việt này vào trái tim người dân.

Thế nhưng, thời gian trôi qua, guồng quay của đổi thay, sự xuất hiện ồ ạt của dầu gội, sữa tắm ngoại nhập cùng những biến động trong cơ cấu doanh nghiệp đã khiến Xà bông Cô Ba dần lui vào dĩ vãng. Dù từng được đổi tên, cổ phần hóa, và cuối cùng là thoái vốn hoàn toàn vào năm 2014, thương hiệu huyền thoại ấy cũng dần mất bóng trên thị trường.
Năm 2027, một tập đoàn lớn đã mua 48,68% cổ phần Công ty Phương Đông. Lãnh đạo công ty nói rằng Xà bông Cô Ba vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nên sẽ khôi phục dây chuyền sản xuất với sản lượng ước tính vài chục tấn mỗi năm, chủ yếu để bảo tồn thương hiệu gần trăm tuổi. Nhưng cho đến nay, xà bông Cô Ba chưa có dấu hiệu được “hồi sinh” như kỳ vọng của thị trường. Thương hiệu vang bóng một thời vẫn đang chìm nghỉm trên thị trường mỹ phẩm.
Nước ngọt Con Cọp
Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, nước ngọt sá xị hiệu Con Cọp (thuộc tập đoàn BGI) từng là một thương hiệu đình đám, gắn liền với hai câu quảng cáo quen thuộc: "Nước ngọt Con Cọp ở đâu, đó là khỏe mạnh sống lâu yêu đời" và "Nước ngọt Con Cọp mỗi chai, là nguồn vui mạnh kéo dài tuổi xuân".
Với hương vị đặc trưng và hấp dẫn, nước sá xị Con Cọp trở thành thức uống thời thượng, được ưa chuộng bởi người tiêu dùng ở mọi độ tuổi. Ngay cả những đại lý quy mô nhỏ cũng có thể tiêu thụ hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng.

Nhờ chiến lược tập trung vào phân khúc phổ thông, sản phẩm này có mặt rộng khắp các hàng quán miền Nam trước năm 1975. Con Cọp là sản phẩm của nhà máy Usine Belgique – đơn vị sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam khi đó, thuộc sở hữu của tập đoàn BGI (Pháp), cũng là nơi sản xuất các loại bia nổi tiếng như Lade trái thơm và 33 Export.
Sau ngày đất nước thống nhất, vào năm 1977, BGI chuyển giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước, và nơi đây được đổi tên thành Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Kể từ đó, thương hiệu Con Cọp dần biến mất, nhường chỗ cho các dòng sản phẩm mới dưới tên gọi Chương Dương.

Qua nhiều thập kỷ, trong khi các thương hiệu nước giải khát nước ngoài liên tục đổi mới mẫu mã và sản phẩm để thích ứng với thị hiếu người tiêu dùng, thì sá xị Chương Dương gần như không thay đổi về thiết kế bao bì và vẫn vận hành với máy móc cũ kỹ. Thương hiệu một thời vang bóng giờ đây dần bị quên lãng trong tâm trí người tiêu dùng.
Kem đánh răng Dạ Lan
Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan không quá quen thuộc đối với lớp trẻ ngày nay nhưng nó lại từng là ký ức hằn sâu trong trí nhớ của những người thuộc thế hệ 5X, 6X, 7X. Khi đất nước chuyển mình từ bao cấp sang kinh tế thị trường, kem đánh răng Dạ Lan thực sự là đại diện đáng tự hào của thương hiệu Việt.

Câu chuyện khởi nghiệp đầy nghị lực của ông Trịnh Thành Nhơn - người sáng lập Công ty Sơn Hải - từng là tâm điểm trên các phương tiện truyền thông vào những năm 1995. Thời điểm ấy, kem đánh răng Dạ Lan (sản phẩm do ông tạo dựng) nhanh chóng tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường. Tuy nhiên, ánh hào quang ấy không kéo dài lâu. Sau năm 1995, làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài tràn vào Việt Nam đã khiến Dạ Lan nhanh chóng bị lu mờ.
Cũng trong năm đó, ông Nhơn ký hợp đồng liên doanh với tập đoàn Colgate - Palmolive, chuyển nhượng toàn bộ công ty với mức giá 3,2 triệu USD và nắm giữ 30% cổ phần trong liên doanh. Ông kỳ vọng sự hợp tác này sẽ đưa thương hiệu Dạ Lan vươn ra thị trường quốc tế. Thế nhưng, trái với mong đợi, chỉ sau ba tháng, Colgate đã loại bỏ hoàn toàn thương hiệu Dạ Lan để thay thế bằng kem đánh răng Colgate - cái tên vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.

Khoảng từ năm 2016, ông Nhơn bắt đầu hành trình khôi phục Dạ Lan, dù chính ông cũng thừa nhận rằng khoảng cách với những thương hiệu lớn như P/S hay Colgate là rất xa.
"Tôi không thể cam lòng để con cháu tiếp quản một công ty thua lỗ do chính mình gây ra. Khi tiền bạc không còn là ưu tiên hàng đầu, điều tôi kiên định nhất là phải giữ bằng được thương hiệu Dạ Lan - dù bằng bất cứ giá nào", ông chia sẻ, đồng thời cho biết bản thân vẫn nỗ lực mỗi ngày để xây dựng lại Dạ Lan cho thế hệ sau.
Máy may SINCO
Trước năm 2015, bất kỳ ai đi ngang qua vòng xoay chợ Bến Thành hướng về đường Trần Hưng Đạo đều khó có thể bỏ qua tòa nhà SINCO nổi bật. Hình ảnh chiếc máy may khổng lồ trên nóc tòa nhà đã trở thành biểu tượng quen thuộc, in sâu trong ký ức của nhiều người dân Sài Gòn. Nằm tại số 1 Trần Hưng Đạo, giao với đường Calmette, đây từng là trụ sở chính của Hãng máy may Sinco, một phần không thể tách rời của lịch sử đô thị này.

SINCO xuất hiện tại Sài Gòn từ năm 1942, ban đầu hoạt động như một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu máy may nguyên chiếc từ Nhật Bản. Về sau, công ty dần chuyển sang mô hình lắp ráp, sử dụng linh kiện và phụ tùng nhập khẩu từ chính đất nước mặt trời mọc.
Bước ngoặt lớn đến vào năm 1975, khi nhà máy bị quốc hữu hóa, lực lượng lao động khi ấy chỉ còn khoảng 100 công nhân chuyên lắp ráp máy may. Một năm sau, Xí nghiệp liên hợp SINCO được thành lập, và đến năm 2000, đơn vị này chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Tháng 10 năm 2015, SINCO viết tiếp hành trình mới bằng quyết định di dời trụ sở và toàn bộ nhà xưởng về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sự kiện này cũng khép lại vai trò biểu tượng của tòa nhà tại Trần Hưng Đạo, nơi từng gắn bó với thành phố suốt nhiều thập kỷ. Sau cổ phần hóa, SINCO đã định hướng lại hoạt động sản xuất, tập trung vào các thiết bị cơ khí phục vụ ngành công - nông nghiệp như dây chuyền giết mổ gia cầm, chế biến lúa gạo, tiêu...
Nước tương (tàu vị yểu) Con Mèo Đen
Năm 1951, một doanh nhân thành lập xưởng sản xuất nước tương (tàu vị yểu) Con Mèo Đen tại bến Bình Đông, Sài Gòn, nhằm cạnh tranh với thương hiệu Chuột Mickey đang nổi tiếng lúc bấy giờ. Nhờ tập trung vào chất lượng và hương vị, đến năm 1970, Con Mèo Đen có đến 400 nhân viên, mở rộng sản xuất sang Lào, Campuchia và trở thành biểu tượng gia vị Việt Nam thập niên 70-80.

Năm 1981, thương hiệu được chuyển giao về Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn, tiếp tục duy trì chất lượng, an toàn thực phẩm và đạt nhiều giải thưởng lớn như Sao vàng Đất Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao suốt 18 năm liền.
Sản phẩm của Nam Dương từ nước tương, nước chấm đến tương ớt và dầu hào không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu sang Mỹ, Nga, Ba Lan, Hungary, Campuchia... Tuy nhiên, từ năm 2007, dưới áp lực cạnh tranh, nước tương Con Mèo Đen dần vắng bóng trên thị trường.
Kem đánh răng Hynos
Chà chà chà, Hynos, chà chà chà.
Chà chà chà, hàm răng em trắng bốc.
Cha cha cha, cha cha cha.
Và ngàn nụ cười, nụ cười tươi như hoa…
Đoạn nhạc quảng cáo được phát ra rả trên loa phóng thanh của những cửa hàng bách hóa khắp Sài Gòn vào cuối thập niên 60. Đó là thời kỳ hoàng kim, tuy ngắn ngủi, của thương hiệu kem đánh răng mang “nụ cười anh Bảy Chà”.
Hynos ban đầu là hãng kem nhỏ do người Mỹ thành lập và chuyển giao cho một nhà tư sản Việt Nam không lâu sau đó. Ông chủ mới nhanh chóng cải tiến mẫu mã, quảng bá rộng rãi đưa thương hiệu này xuất hiện cả trong lẫn ngoài nước và trở thành một trong những biểu tượng thương mại đương thời.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Hynos còn được bán sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Hong Kong, trở thành một trong những biểu tượng thương mại đương thời.
Thực hiện chính sách quốc hữu hóa sau ngày giải phóng, Hynos được nhà nước tiếp quản và sáp nhập với một công ty cùng lĩnh vực thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan, sau đó đổi tên thành Công ty Hóa phẩm P/S. Năm 1997, Unilever đề xuất liên doanh với vốn đầu tư hơn 17 triệu USD. Tuy nhiên, Hóa phẩm P/S chỉ được gia công vỏ hộp, không còn sản xuất kem đánh răng. 6 năm sau, công ty bị loại khỏi liên doanh và mất quyền sử dụng thương hiệu P/S.
Đầu 2007, các lãnh đạo cũ lập Công ty cổ phần P/S, bắt đầu bằng việc gia công vỏ nhôm và sau đó phục hồi thương hiệu Hynos với hình ảnh "nụ cười anh Bảy Chà". Sản phẩm chủ yếu phục vụ khách sạn, resort và bán qua sàn thương mại điện tử.
H.A