Tại cộng đồng Thành Nam, đường Châu Thành, Vũ Hán, Trung Quốc, nhắc đến bà Lữ Ái Liên, ai cũng hết lời ngợi khen. Suốt 13 năm qua, bà đã tận tụy chăm sóc anh trai chồng bị đột quỵ, nằm liệt giườn. Đôi vai ấy đã gánh vác nửa gia đình, viết nên câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo và tình thân ái.
Vừa làm việc kiếm tiền, vừa chăm sóc người anh trai chồng chu đáo
Hàng ngày, bà Lữ Ái Liên vừa bận rộn với quầy hàng chả cá của gia đình, vừa chăm sóc anh chồng. Quầy hàng của bà luôn đông khách nhưng tâm trí bà không quên hướng về người anh ở nhà. Mỗi khi bán hàng xong, bà đều vội vã trở về nhà để nấu cơm và chăm sóc anh.
"Sáng nay tôi đi vội quá, anh trai chỉ ăn được mấy miếng bánh mì. Tôi lấy cho anh ấy chút nước uống", bà Lữ Ái Liên vừa nói vừa giúp anh chồng uống nước.

Sau khi cho anh chồng uống nước xong, bà Lữ vừa chỉ tay ra ngoài vừa nói lớn: "Anh ơi, hôm nay trời đẹp, ta ra ngoài phơi nắng nhé!" Thấy ông Đào Trọng Nghĩa gật đầu, bà liền bê ghế ra cửa trước rồi đỡ tay ông, cả hai từ từ bước ra cửa.
"Mấy năm trước anh chỉ nằm liệt giường, sau cũng tự đi lại được rồi. Nếu không, tôi thực sự không thể bế nổi anh ấy", giọng bà Lữ Ái Liên vang lên mạnh mẽ. Trong nụ cười của bà có chút mệt mỏi nhưng nhiều hơn cả là sự mãn nguyện.
Dưới ánh nắng ấm áp, bà Lữ Ái Liên giúp anh chỉnh sửa quần áo, chia sẻ những câu chuyện vui khi bán hàng buổi sáng. Cả hai đều nở nụ cười rạng rỡ trên môi.
Chăm sóc anh trai chồng như chăm sóc cha mình
Bà Lữ Ái Liên năm nay 55 tuổi. Bà kết hôn với ông Đào Duy Phúc vào năm 1991. Vì chồng là con út trong nhà, bố mẹ chồng lại mất sớm, anh chồng Đào Trọng Nghĩa chưa kết hôn, nên họ sống cùng anh chồng.
Cuộc sống sau khi kết hôn tuy không giàu có, nhưng bà Lữ Ái Liên không cảm thấy khổ, hiếm khi phàn nàn. Năm 1997, vợ chồng bà muốn ra ngoài làm ăn nhưng 2 con nhỏ không có người chăm sóc. Khi đó, ông Đào Trọng Nghĩa đã cùng vợ chồng em trai đến Châu Thành làm ăn.
"Lúc đó tôi cảm động lắm, thực sự cảm thấy anh trai như cha mình vậy", mắt bà Lữ Ái Liên rưng rưng lệ.
Những năm đó, hàng ngày vợ chồng bà ra ngoài bán rau, anh trai chồng đưa đón rồi chăm sóc hai cháu, còn nấu cơm mang đến cho vợ chồng bà. Cuộc sống khi đó bình dị mà hạnh phúc.
Năm 2001, sau khi học được nghề làm chả cá từ người quen, vợ chồng bà thuê một gian hàng ở chợ và bắt đầu kinh doanh chả cá. Cả gia đình 5 người sống dựa vào quầy hàng nhỏ này, cuộc sống gia đình khá viên mãn.

Tuy nhiên, tai họa ập đến vào một ngày tháng Chạp năm 2012 khi ông Đào Trọng Nghĩa đột ngột bị xuất huyết não, phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 7-8 ngày. Sau khi điều trị, ông bị liệt nửa người, không thể tự mình lo sinh hoạt.
Tin dữ như sét đánh ngang tai, khiến cả gia đình rơi vào lo lắng và đau buồn. Lúc đó, hai con của bà Lữ đang đi học, mẹ bà sức khỏe yếu cũng cần người chăm sóc. Tuy nhiên, bà không hề chùn bước mà chọn gánh vác trách nhiệm chăm sóc anh trai chồng.
"Anh ấy đã giúp vợ chồng tôi nuôi dạy hai đứa con, đến giờ vẫn độc thân. Bây giờ, tôi phải chăm sóc anh ấy thật tốt. Chỉ cần anh ấy có thể xuống giường đi lại được, tôi có vất vả đến đâu cũng đáng", bà nói.
Từ đó, mỗi sáng sớm, bà đều dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho anh trai chồng, sau đó cùng chồng làm chả cá mang ra chợ bán. Từ mua đồ dùng sinh hoạt, quần áo, đến nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp vệ sinh, bà đều chăm sóc tỉ mỉ cuộc sống hàng ngày của anh trai chồng.
Để giúp ông Đào Trọng Nghĩa phục hồi tốt hơn, bà thậm chí còn tự học xoa bóp, đều đặn xoa bóp cho anh vào sáng, trưa và tối. Những lúc dìu anh tập đi bên giường, có lúc đi mệt, ông Đào Trọng Nghĩa nổi nóng, không muốn đi, bà lại vừa dìu anh, vừa buộc dây vào chân ông để kéo chân ông đi.
"Vợ tôi chăm sóc anh rất chu đáo, thậm chí có thể hiểu được nhu cầu của anh chỉ qua một hành động, một ánh mắt", ông Đào Duy Phúc cho biết.

Để tăng thu nhập cho gia đình, ngoài việc bận rộn với quầy hàng chả cá, ông Đào Duy Phúc còn tìm thêm công việc bán thời gian. Mỗi khi rảnh rỗi, ông cũng sẽ chăm sóc anh trai, giảm bớt gánh nặng cho vợ.
Giờ đây, con trai và con gái của vợ chồng bà Lữ Ái Liên đã lần lượt lập gia đình, tình trạng của ông Đào Trọng Nghĩa cũng dần tốt hơn. Bà Lữ đón mẹ đẻ về sống cùng, cuộc sống ngày càng có hy vọng.
"Bao nhiêu năm qua, nói không mệt là giả nhưng khi thấy cả gia đình hòa thuận vui vẻ, mọi người đều khỏe mạnh, tôi cảm thấy tất cả rất xứng đáng”, bà nói.
Mỗi khi nhìn thấy cả gia đình hòa thuận vui vẻ, trên khuôn mặt bà Lữ Ái Liên ánh lên nụ cười hạnh phúc.
BẢO BẢO