Bị mẹ chồng xét nét từ việc nấu cơm, giặt quần áo, con dâu 30 tuổi phải nhập viện tâm thần

Google News

Khi chồng đi xuất khẩu lao động, cô gái sống cùng mẹ chồng nhưng bị để ý từ lời ăn, tiếng nói đến những việc nhỏ nhặt nhất. Lâu dần, cô rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu rồi phải nhập viện tâm thần.

Bác sĩ Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay có rất nhiều người mắc các rối loạn tâm thần khác nhau. Theo thống kê của Bộ Y tế công bố hồi tháng 8/2023, có tới 15 triệu người Việt đang bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm, rối loạn lo âu chiến tỉ lệ khá cao, với khoảng 5,4% dân số gặp phải.

Theo bác sĩ Thu Hà, rối loạn lo âu do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó những mâu thuẫn nhỏ nhặt ở cuộc sống gia đình, nếu để dồn nén lâu ngày cũng sẽ là yếu tố nguy cơ gây nên hoặc làm tăng nặng bệnh tình. Đặc biệt, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người bệnh.

Bác sĩ Thu Hà lấy ví dụ về trường hợp nữ bệnh nhân T.T (30 tuổi, quê Thanh Hóa) đến viện khám trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, khó ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh, lo lắng nhiều về tình trạng sức khoẻ của bản thân. Tình trạng sức khoẻ bất ổn kéo dài suốt nhiều năm, người phụ nữ rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn.

Bị mẹ chồng soi mói từ những việc nhỏ nhất, nàng dâu sau đó phải nhập viện tâm thần. Ảnh minh họa. 

Theo chia sẻ, do chồng đi xuất khẩu lao động nên T sống cùng mẹ chồng. Ngoài công việc, T luôn cố gắng chăm sóc mẹ chồng, vun vén việc nhà khi chồng vắng nhà. Thế nhưng, mẹ chồng quá khắt khe khiến mâu thuẫn “mẹ chồng, nàng dâu” ngày càng xuất hiện nhiều.

Có những chuyện tưởng như chẳng có gì như việc nấu ăn, phơi quần áo… nhưng mẹ chồng đều quản lý và đưa ra yêu cầu khắt khe. Khi thấy không vừa ý, mẹ chồng sẵn sàng trách móc dù đó chỉ là những việc rất thường ngày”, chị T chia sẻ với bác sĩ.

Từ câu chuyện nhỏ nhặt, dần dần đẩy lên những chuyện lớn hơn là tiền bạc chồng gửi về, mẹ chồng cho rằng cô giấu hết, không vun vén gia đình. Những lúc như vậy, chị cố nhẫn nhịn và chẳng dám nửa lời nói lại mẹ chồng. Cứ ngày này qua tháng khác, chị T cảm thấy bị ám ảnh bởi những lời nói của mẹ chồng, dẫn tới mất ngủ triền miên, thậm chí có hôm đang ngủ mồ hôi vã ra như tắm, tim đập nhanh… Nhiều lần, người nhà phải đưa chị T đi cấp cứu trong đêm. Bác sĩ kiểm tra nhưng không tìm ra nguyên nhân rõ ràng.

Cho đến khi chị cảm thấy mình cô đơn trong chính căn nhà đang sống, chỉ lời nói nhẹ chị cũng rơi nước mắt, rồi sợ về nhà, sợ những bữa cơm gia đình… Thấy tinh thần chị T xuống dốc không phanh, mọi người đưa đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia.

Bác sĩ Thu Hà đang tư vấn cho một người phụ nữ bị rối loạn lo âu. Ảnh: Nguyễn Hà.

Theo bác sĩ Thu Hà, sau khi nhập viện với hàng loạt kiểm tra chuyên sâu, chị T được kết luận bị rối loạn lo âu, căn bệnh lần đầu chị được nghe tên. Sau đó, chị T phải nhập viện điều trị hóa dược, kết hợp với trị liệu tâm lý. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của chị dần ổn định. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, chị có thể ngủ một giấc sâu mà không giật mình tỉnh dậy trong lo lắng. Hiện chị T đã được xuất viện, trở lại công việc nhưng bác sĩ vẫn khuyên cần giữ cân bằng cuộc sống và dự phòng yếu tố nguy cơ, cũng như tái khám định kỳ.

Bác sĩ Thu Hà cho biết, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn lo âu, trong đó tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống cũng là yếu tố góp phần vào việc khởi phát, tăng nặng và kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu trầm cảm trong suốt cuộc đời người bệnh.

Triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú như: Khó thở, hồi hộp, tim đập mạnh, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi… Ngoài ra, người bệnh còn có biểu cảm trạng thái sợ hãi, sống thu mình, dễ cáu gắt… “Các triệu chứng của rối loạn lo âu rất đa dạng trong đó có nhiều triệu chứng dễ nhầm với triệu chứng các bệnh lý cơ thể khiến người bệnh thường chậm trễ tiếp cận đúng chuyên khoa”, bác sĩ Thu Hà chia sẻ.

Để được chẩn đoán và điều trị sớm, bác sĩ khuyến cáo khi thấy các triệu chứng trên người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế hoặc chuyên gia tâm lý để tránh hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.

LÊ PHƯƠNG.