Bài thuốc chữa táo bón, béo phì từ dưa bở

Google News

(Kiến Thức) - Dưa bở được trồng nhiều nơi ở nước ta, ngoài lấy quả ăn còn làm thuốc. 

 Trái dưa bở.
Theo y học cổ truyền, dưa bở có vị ngọt tính hàn, hơi độc, giúp nhuận tràng, thông tiểu tiện, bớt khát, trừ phiền. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Chữa trị táo bón, trĩ, tiểu gắt, đau nhức, thống phong, tiêu khát. 
Theo y học hiện đại, tính thành phần dinh dưỡng trong 100g có nước 95%, chất đạm 0,60%, chất béo 0,11%, tinh bột 3,72%, chất xơ 0,33%, vitamin A; (25.000 - 30.000 đơn vị), B (0,03mg), C (1,5 - 2mg) và nhiều khoáng chất (P: 30mg, Ca: 20mg, Fe: 0,4mg). Dưa bở tuy giá trị dinh dưỡng không cao nhưng làm rau ăn mát. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc từ dưa bở.
* Chữa táo bón: Dưa bở, đu đủ chín thái lát cho ít đường bỏ tủ lạnh ăn thường xuyên.
* Chữa người nóng, mập, phì: Dưa bở 100g, thanh long 50g, thái lát thêm ít đường cát cho vào tủ lạnh ăn.
* Chữa người nóng phiền nhiệt: Dưa bở còn non 100g thái lát, tôm tươi 50g bóc vỏ nấu canh ăn.
* Kinh nghiệm người dân: Thịt quả dưa bở chín đắp lên vết bỏng nhẹ cho mát, bớt đau rát nhanh khỏi. Quả chín thái lát mỏng đắp dưỡng da. Cuống trái dưa thái lát sắc nước uống trị sốt, ho đàm, đại tiện, táo.
* Hạt dưa có vị ngọt tính mát tác dụng thanh phế, nhuận tràng hòa trung dùng chữa các chứng ho khan, táo bón dùng dạng sắc nước uống.
* Lá chữa đau do chấn thương sai khớp sắc nước uống. Theo kinh nghiệm của Lương y Lê Trần Đức, dưa bở tác dụng giải khát trừ phiền nhiệt, thông khí, lợi tiểu tiện, phòng chữa trúng nắng. Tuy nhiên, dưa bở không nên dùng nhiều cho người tiểu đường, đang bị viêm.
* Hoa chữa đau tim, ho nấc: Bông dưa bở 5 - 10 cái sắc uống.
Lương y Nguyễn Thị Thạnh (Hội Đông Y TP Vũng Tàu)