Nếu như ở thành phố, tỷ lệ trẻ béo phì là gánh nặng, thì ở nông thôn, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao. Ăn uống cân đối là điều mà các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh.
Trẻ dưới 5 tuổi vừa còi, vừa béo
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên toàn quốc của trẻ em dưới 5 tuổi là 16,2%, béo phì là 4%. Tại các đô thị lớn ở Việt Nam tồn tại tình trạng "gánh nặng kép" về dinh dưỡng bao gồm vấn đề về suy dinh dưỡng đang tồn tại và tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em đã ở mức cao và đang tiếp tục tăng nhanh. Trong tổng số 1.450.000 trẻ em dưới 5 tuổi đang sống ở 5 thành phố lớn, có 108.000 trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, 215.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi và 86.000 trẻ bị thừa cân béo phì.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em hiện đã thay đổi cả về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo. Điều đó, một mặt giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, nhưng mặt khác lại làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây.
|
Ảnh minh họa. |
Cần thay đổi tư duy về dinh dưỡng
ThS.BS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học cho hay: Tuy các bà mẹ biết rõ nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính nhưng vẫn lựa chọn thực phẩm giàu chất béo vì tin rằng các thực phẩm này giúp trẻ tăng cân và tăng chiều cao. Trong khi đó, chỉ có 35,7% trẻ có cân nặng sơ sinh thấp được phục hồi trở về bình thường, 64,3% trẻ em có tiền sử cân nặng sơ sinh thấp hiện vẫn bị suy dinh dưỡng nhẹ cân.
Trước câu hỏi "Tình hình nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, nhưng cũng quá nhiều trẻ béo phì, vậy khuyến nghị cho các bà mẹ là như thế nào?", TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết, khuyến nghị sẽ nhằm vào từng đối tượng. Cụ thể, ở thành phố - nơi các bà mẹ luôn lo con mình còi, thiếu chất, có xu hướng cho con ăn nhiều chất béo... cần giảm lượng chất béo, chất đạm cho trẻ.
Ở nông thôn, nơi tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, không nên cho trẻ ăn kiểu "được chăng hay chớ", ăn cũng được, bỏ bữa cũng không sao. Tốt nhất, khi không chắc chắn con mình có đủ "chuẩn" về chiều cao, cân nặng, khẩu phần dinh dưỡng không, hãy đưa con đi khám ở bác sĩ dinh dưỡng hoặc chí ít là bác sĩ nhi khoa.
Hoài Hương