Theo National Interest, hôm 26.2, chiến đấu cơ Ấn Độ thả tổng cộng 1 tấn bom xuống các mục tiêu nghi là trại huấn luyện phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) ở Pakistan. Vụ tấn công là lời đáp trả vụ đánh bom tự sát khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 14.2.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1971, hai cường quốc hạt nhân Ấn Độ-Pakistan dùng không lực để tấn công nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lại công khai không kích nhau.
|
Viễn cảnh thảm khốc nếu chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan nổ ra. |
Cần phải lưu ý rằng các tiêm kích Mirage 2000 mà Ấn Độ sử dụng, đã được nâng cấp để mang theo vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng leo thang chưa từng có, khi Pakistan đáp trả bằng đòn không kích và pháo kích vào lãnh thổ Ấn Độ.
May mắn rằng, phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman đã được trả tự do, như một động thái thiện chí đến từ Pakistan.
|
Xác máy bay Ấn Độ nghi do bị Pakistan bắn rơi. |
Bởi mọi chuyện hoàn toàn có thể tồi tệ hơn. Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới.
Các chuyên gia ước tính, Ấn Độ có 140 vũ khí hạt nhân còn với Pakistan là 150. Vũ khí hạt nhân của Paksitan mới dừng lại ở mức chiến thuật vì nước này không có tên lửa đạn đạo tầm xa như Ấn Độ.
Triết lý quân sự Pakistan nhắc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn Ấn Độ mở các đợt tấn công thông thường và xâm lấn lãnh thổ Pakistan, theo National Interest.
Điều này là dấu hiệu nguy hiểm vì các cường quốc như Nga, Mỹ thông thường chỉ dùng tới vũ khí hạt nhân nếu như bị đối phương dùng vũ khí hạt nhân tấn công trước.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên tiếng quan ngại. “Chúng tôi rất quan ngại về vấn đề vũ khí hạt nhân chiến thuật, được thiết kế để sử dụng trong các cuộc xung đột quy mô vừa và nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến thảm họa hạt nhân lớn hơn nhiều cho cả khu vực”.
|
Ấn Độ và Pakistan đã trải qua 3 cuộc chiến lớn kể từ khi độc lập khỏi Anh. |
Trong chiến tranh lạnh, Mỹ cũng từng sẵn sàng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu Liên Xô đưa quân về phía Tây.
Theo National Interest, những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Paksitan nếu xảy ra có thể khiến 2 tỷ người chết trên toàn cầu.
Để ngăn viễn cảnh ác mộng đó, cộng đồng quốc tế cần phải lên án mạnh mẽ các hành động leo thang xung đột của hai bên, xây dựng vùng đệm để xoa dịu tình hình trước khi mọi chuyện vượt tầm kiểm soát.
National Interest nhấn mạnh, các cường quốc hạt nhân nên có các động thái rõ ràng để cùng kiểm soát vũ khí và ngăn không cho vũ khí hạt nhân tái xuất như những gì từng xảy ra năm 1945.
Tuần trước, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã gửi lời nhắn đến người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, “Với sức mạnh vũ khí hạt nhân của cả hai bên, liệu chúng ta có sẵn sàng cho những tính toán sai lầm?”
Theo Đặng Nguyễn/Dân Việt