Chính vì vậy, khi mang thai, các bà bầu luôn cố gắng bồi bổ thật nhiều để con trong bụng đạt cân nặng tốt nhất. Khi sinh con to vượt trội, các bà mẹ thường có cảm giác an tâm và tự hào. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa lại cho rằng thai nhi cân nặng quá mức đồng nghĩa với nguy cơ tai biến cao hơn cho cả mẹ và bé.
Với tâm lý mẹ có khỏe thì con mới to, khi con chào đời bụ bẫm, nặng cân sau này sẽ ít bị ốm vặt đồng thời giúp việc chăm sóc con cũng trở nên nhàn nhã hơn, chị Nguyễn Thị Ngát (Nam Định) luôn cố gắng ra sức bồi bổ với mong muốn con mình phải bụ bẫm, tròn trịa cho bằng thiên hạ. Hễ ai mách ăn gì tốt cho thai nhi chị đều tìm mua và ăn cho thật nhiều.
Khi đi khám thai, ở những tháng đầu bác sĩ cho biết chế độ cân nặng của thai nhi đang phát triển rất tốt, tuy nhiên với quan niệm con càng to càng khỏe. Chị vẫn luôn tự đặt cho mình một chế độ ăn riêng, tăng cường bổ sung nhiều hơn nữa thịt bò, trứng, sữa bà bầu.
Bước vào những tháng cuối của thai kỳ, đi khám thai định kỳ, bác sĩ cho biết đường huyết của chị tăng vượt quá mức cho phép. Gần đến ngày sinh, bác sỹ chỉ định cho chị phải mổ đẻ vì em bé trong bụng mẹ đã nặng tới hơn 4kg. Mặc dù vậy nhưng người thân trong gia đình chị, ai nấy đều hồ hởi vui mừng vì con, cháu của họ mới sinh nhưng đã rất nặng ký.
Tương tự trường hợp của chị Ngát, tại khoa sơ sinh của một bệnh viện, một người phụ nữ vẫn cảm thấy rất vui và tự hào về đứa cháu thừa cân của mình. Bà vui mừng kể với người đi cùng bên cạnh: “Mong mãi cuối cùng cũng được đứa cháu đích tôn chào đời với cân nặng vượt ngoài sự mong đợi của gia đình tôi. Cháu được 4,5kg bà ạ, cả nhà tôi mừng quá”. Đó là câu chuyện chung của nhiều gia đình khi được đón nhận một đứa trẻ chào đời với cân nặng to đáng mừng.
Cùng với đó, gần đây, tỷ lệ các bà mẹ sinh con nặng cân ngày càng tăng. Mới đây nhất, câu chuyện cháu bé sơ sinh nặng 7,1 kg ở Vĩnh Phúc được xem là bé sơ sinh nặng nhất Việt Nam. Câu chuyện về bé sơ sinh nặng cân nhất này cũng được nhiều bà mẹ thích thú, chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều lời ngợi khen từ những người họ hàng, bạn bè “đầy ghen tị”. Tuy nhiên theo các bác sĩ thì trên thực tế sinh con to sẽ phải đối mặt với câu chuyện lo hơn mừng.
Đề cập đến những nguyên nhân khiến nhiều thai nhi có cân nặng vượt chuẩn các bác sĩ cho rằng, thông thường, những trẻ sinh ra có trọng lượng lớn là do mẹ bị tăng lượng đường trong kỳ thai nghén. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mẹ không bị tiểu đường thai kỳ, nhưng sinh con ra vẫn có trọng lượng “khủng”. Với những trường hợp này, gia đình không nên vội mừng, những đứa trẻ to lớn trong thời kỳ thai nhi, ít nhiều đều có những ảnh hưởng không tốt cho quá trình sinh đẻ và trong một số trường hợp còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Kiểm soát tốt để “mẹ tròn con vuông”
Các ca cấp cứu các em bé sơ sinh vì gặp phải các vấn đề do cân nặng quá lớn không phải là hiếm gặp. Tại khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết có nhiều bệnh nhi nặng cân nhưng khi sinh ra các cháu đã phải nhập viện để hồi sức vì có thể gặp nhiều biến chứng. Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn,...
Đối với những trẻ sinh ra có trọng lượng lớn, dù ban đầu chưa phát hiện có bệnh hay bất thường gì về sức khỏe, nhưng cũng cần phải có sự theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa nhi, đồng thời có sự hướng dẫn về các chăm sóc bé.
Có nhiều lý do khiến thai nhi to và khi sinh ra cân nặng vượt chuẩn, có trường hợp, thai to bình thường là do mẹ mạnh khoẻ, cao lớn, theo yếu tố gia đình. Trong nhiều trường hợp khác, chế độ dinh dưỡng của thai phụ chứa nhiều chất đường và chất béo hoặc thai phụ hấp thu nhiều chất dinh dưỡng khác trong thời gian mang thai. Ngoài ra, có thể do mẹ bị bệnh rối loạn chuyển hoá, đặc biệt là tiểu đường. Tuy nhiên, thai to do mẹ dinh dưỡng quá mức dẫn đến hại nhiều hơn lợi.
Ảnh hưởng dễ thấy nhất là khi trẻ càng to thì quá trình chuyển dạ, sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn và dễ gặp những tai biến sản khoa ảnh hưởng cho cả mẹ và bé. Trong một số trường hợp, trẻ sinh ra to nhưng không khỏe bởi sau khi chào đời trẻ bị hạ đường huyết, điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu ớt, nhãn cầu chuyển động không bình thường, ngưng thở từng cơn, rùng mình, trường hợp nặng có thể ngất lịm.
Nói rõ hơn về vấn đề này, bác sĩ Đặng Trần Chiến – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ - Hà Nội chia sẻ: “Nhiều người vẫn cho rằng, con to thì sẽ khỏe, nhưng những trẻ sinh ra nặng cân thường sức đề kháng yếu và dễ nhiễm khuẩn. So với trẻ sinh ra có cân nặng bình thường, các bé sinh ra có cân nặng vượt chuẩn phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, thai quá to cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình sinh đẻ của sản phụ. Thực tế đã có trường hợp gặp tai biến khi sinh do thai nhi có cân nặng quá lớn, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con”.
Trước tình trạng trẻ sơ sinh thừa cân ngày càng nhiều bác sĩ khuyến cáo cần phải đặt ra vấn đề kiểm soát tốt hơn về cân nặng của thai nhi. Với những trẻ sơ sinh có cân nặng từ 4kg trở lên đều phải theo dõi bệnh lý đái tháo đường, tim mạch. Do đó, trong quá trình mang thai, người mẹ cần cân bằng khẩu phần ăn giữa tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin. Thường xuyên khám thai định kỳ và làm xét nghiệm xem mình có bị đái tháo đường không. Nếu các bác sỹ đã chỉ định là thai quá to, mẹ nên chọn phương pháp sinh mổ đẻ hạn chế những tai biến cho cả mẹ và con. Sau khi sinh, với những em bé nặng cân, mẹ cần cho bé đi khám và nghe tư vấn của bác sỹ về tình hình sức khỏe của con.