Tuy nhiên đối với sao Việt, họ đã tìm ra những cách đơn giản hơn khi bình tĩnh, nhẹ nhàng chia sẻ nói chuyện cùng con. Kết quả, các nhóc tỳ sao Việt vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba một cách vui vẻ trong tình thương yêu của bố mẹ
Hoa hậu Hương Giang
Sau khi kết hôn và sinh con, Hương Giang gần như rút lui khỏi các hoạt động giải trí, dành thời gian cho công việc quản lý công ty truyền thông riêng và toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình. Hiện, con gái đầu Hoa hậu Hương Giang hơn 4 tuổi và bé gái thứ hai gần 1 tuổi.
Tiểu Panda, con gái đầu lòng của Hoa hậu Hương Giang cũng từng rơi vào thời kỳ khủng hoảng tuổi lên ba. Cô bé khiến bố mẹ đau đầu vì tính tình "mưa nắng" thất thường.
Cô vẫn nhớ mãi sự kiện đầu tiên đánh dấu giai đoạn này. "Nói là khủng hoảng tuổi lên 3 nhưng nó thường bắt đầu từ trước khi bé tròn 3 tuổi, với Tiểu Panda còn sớm hơn, lúc con mới ngoài một tuổi. Hôm đó, cả nhà đã lên kế hoạch đi chơi nhưng xuống đến sảnh tòa nhà thì trời mưa to, không thể đi được. Tiểu Panda lăn ra khóc rất dữ dội, khóc đến cả tiếng đồng hồ không thôi. Thế là từ thời điểm ấy, mình biết phải có phương pháp 'điều trị' riêng với nàng".
|
Hoa hậu Hương Giang luôn biết cách để khiến bé hợp tác trong mọi công việc. |
Theo bà mẹ nổi tiếng này, những phản ứng như trên hay thái độ bất hợp tác của bé xảy ra trong giai đoạn trẻ gần ba tuổi là điều hết sức bình thường, cho thấy sự thay đổi tâm sinh lý tự nhiên ở bé. Thậm chí, bé có thể khóc nức nở bất cứ khi nào không được đáp ứng yêu cầu. Việc bố mẹ cần làm là phải định hướng hành vi cho trẻ, không nên nuông chiều mọi đòi hỏi của con nhưng cũng đừng quá hà khắc với con. Cô chia sẻ: "Bố mẹ có thể nói hành vi của bé là chưa đúng nhưng tuyệt đối không được quy chụp thành tính cách của con. Đừng bao giờ nói con mình bướng bỉnh, đặc biệt là tránh nói trước mặt con. Nó sẽ gây tâm lý tiêu cực cho bé".
Khi con làm sai một điều gì đó, Hoa hậu Hương Giang có thể phân tích cho con hiểu hoặc phạt Time-out (hình phạt đứng yên một góc nhà hoặc ở trong phòng, không được làm, chơi gì cả). Ngoài ra, cô cũng khuyến khích con làm những việc mà bé có thể tự làm được.
Xuân Lan
Ở thời kỳ khủng hoảng tuổi lên ba, bé Thỏ cũng thay đổi tính cách thất thường, hay tỏ ra giận dỗi mẹ Xuân Lan. Cựu người mẫu cho biết, có nhiều đêm cô phải thức trắng vì bé Thỏ bật khóc một cách vô lý hoặc đòi chơi đồ chơi vào lúc nửa đêm. Buổi sáng trước giờ lên lớp, bé Thỏ viện đủ mọi lý do như bị ho, buồn ngủ, không thích đi học... để không phải đến trường.
|
Ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba, con của Xuân Lan thường xuyên tỏ vẻ mặt "hờn cả thế giới". Vì vậy, cô phải tìm đến chuyên gia tâm lý xin tư vấn. |
Để hiểu hơn về vấn đề "khủng hoảng lên ba", Xuân Lan đã tìm đến chuyên gia tâm lý để xin tư vấn. Có hai vấn đề về bé Thỏ khiến cô đau đầu là con gái hay nhõng nhẽo khi ở bên mẹ và tỏ ra lạnh nhạt khi tiếp xúc với bố đẻ. Qua sự tư vấn của bác sĩ, người mẫu Xuân Lan đã dành thời gian nhiều hơn ở bên con, phân tích và nhỏ nhẻ dạy dỗ bé.
|
Con gái Xuân Lan hiện đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba và thường xuyên cười vui vẻ. |
Vợ Đăng Khôi
Để giúp con vượt qua thời kỳ khủng hoảng tuổi lên ba, vợ Đăng Khôi đã chia sẻ hàng loạt bí quyết sau đây. Khi con khóc lóc ăn vạ, bà xã Đăng Khôi không mắng chửi, đánh đòn cũng không đáp ứng yêu cầu của bé. Mà thay vào đó, cô ôm con vào lòng để trấn tĩnh. Sau đó, dò hỏi vì sao bé khóc và cuối cùng đánh lạc hướng con bằng trò chơi khác.
Khi con vòi vĩnh, đòi hỏi mua đồ chơi, Thủy Anh không đáp ứng ngay lập tức mà chia sẻ khi nào bé ngoan ông già Noel mới tặng đồ chơi. Mỗi lần con đánh bạn, giành đồ chơi, cô cũng giải thích cho con hiểu đánh bạn là không tốt. Đưa những câu chuyện thú vị về tình bạn và giải thích cho con.
Ngoài ra, khi con đòi xem điện thoại, ipad, cô dùng biện pháp "mềm nắn, rắn buông”, yêu cầu con xem khoảng 5 phút rồi trả lại cho mẹ.
Đan Lê
Cũng như bao bạn trẻ khác, con trai đầu của Đan Lê cũng từng qua giai đoạn "ẩm ương", "mưa nắng". Vì vậy Đan Lê đưa ra lời khuyên cho các mẹ: "Ngay khi chúng ta nghĩ, con chúng ta đang có vấn đề thì chính chúng ta đã "thua cuộc". Hãy giữ cho tinh thần tĩnh lặng, đón nhận các thay đổi của con và khi hiểu được tâm lý con trẻ cùng với sự "khủng hoảng" tất yếu ở tuổi này, chúng ta sẽ không quá lo lắng, không vội vàng ấn định rằng con hư hỏng".
Đan Lê chia sẻ lại kỷ niệm cô nhìn thấy chồng đánh con vì quái nghịch: "Bạn Minh đang bước vào tuổi phấn kích nên nhiều lúc năng lượng thừa thãi quá không biết giải phóng đi đâu. Tối đến mặc bỉm chuẩn bị đi ngủ rồi mà vẫn nhảy chồm chồm và càng thích thú khi tấm đệm lò xò khiến bạn ý bật cao lên khỏi mặt giường.
Mẹ nói 1 lần không được, mẹ nói 2 lần vẫn không được, bố cũng nói đến lần thứ 3 không được, thế là bố vung tay đét bạn ý một cái... mấy đầu ngón tay in đỏ trên đùi. Lần đầu tiên bạn ấy bị "ăn đòn" mà khóc lặng người đi như thế. Mẹ cũng hơi ngỡ ngàng với cách ra đòn có phần quyết liệt của bố nhưng vẫn gắng bình thản, gọi bạn ấy ra bên cạnh, ngồi xuống cầm tay và nhìn vào mắt bạn ấy:
- "Con biết tại sao bố đánh con không? Vì bố muốn con dừng lại. Nếu con không dừng lại con có thể ngã xuống đất hoặc đập đầu vào thành giường, vào góc tủ thì con còn bị đau và nguy hiểm hơn rất nhiều.".
Bạn ý vẫn thút thít nhưng nín rất nhanh. Bố im lặng. Mẹ dắt tay bạn ý vào nhà tắm lau mặt. Khi mẹ xem vết đánh của bố, chẳng hiểu sao bạn ý lại quay ra "giải thích" với mẹ:
- "Tại Minh nghịch ngợm, Minh bị bố đánh đau. Nhưng ngã đập đầu xuống đất, bị kẹp tay vào cửa, cả cầm dao bị cắt chảy máu còn đau hơn (bạn ấy chưa bao giờ đứt tay cả)".
Mẹ thấy thế bảo bạn ấy tự nói chuyện với bố như vậy và lẳng lặng ra ngoài để 2 bố con giải quyết với nhau.
Một lúc sau mẹ vào phòng, thấy mặt ông bố vô cùng thiểu não, ôm con trong lòng và không ngừng xoa vết lằn trên đùi con:
- "Em xem có cái gì bôi cho con đỡ đau không?"...
Bạn ấy ngủ được 1 lúc, không gian yên tĩnh hiếm hoi trong ngày bắt đầu. Ông bố cứ thở dài thườn thượt, mẹ ra thắp ngọn đèn tinh dầu khẽ hỏi:
- "Sao thế?".
Ông bố mặt vẫn cúi gằm cắt móng tay:
- "Sao lúc đấy anh lại ra đòn mạnh thế nhỉ? Anh chỉ định đánh vào mông, nghĩ nó mặc bỉm nên mới mạnh tay hơn cho nó sợ, ai ngờ nó đang nhảy nên mới chệch ra như thế".
Bà mẹ bấy giờ mới thở ra nhẹ nhõm, thì ra ông bố cũng xót con như mình, tự nhiên thấy lòng ấm lại. Thơm con thêm mấy cái, leo lên giường đắp chăn và nghĩ: Sự im lặng để bình tâm trong nhiều trường hợp có giá trị gợi mở và thôi thúc hơn rất nhiều so với việc truy sát, dồn ép. Giả như lúc ấy gào lên: "Sao anh lại đánh con như thế? Nó có làm gì đâu mà mạnh tay thế?...". Rồi lời qua tiếng lại, đứa trẻ thì sẽ không hiểu phải nghe ai, vết đau của nó sẽ trở nên vô giá trị vì biết luôn có một người đứng về phe nó cho dù đó có là trò nghịch ngợm. Người chồng thì bực bội còn người vợ thì sẽ chẳng bao giờ biết được "lời xin lỗi" kia."
Thế rồi Khải Minh và Khải Nguyên đều bước qua giai đoạn khủng hoảng một cách rất êm đềm, nhanh chóng. Và với mẹ những bướng bỉnh, mè nheo ấy đọng lại như là những kỷ niệm đẹp đẽ giữa chúng mình mà thôi".