|
Shipper tại TPHCM vẫn duy trì xét nghiệm 3 ngày/lần |
Liên quan đến chiến lược xét nghiệm hiện nay, trong buổi họp báo thông tin tình hình dịch bệnh TPHCM chiều 11/10, BS Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho rằng, Thành phố đang áp dụng theo chiến lược xét nghiệm của Sở Y tế TP; trong đó quy định cụ thể từng đối tượng ở trường học, sân bay, doanh trại, shipper...
“Trong đó, lực lượng shipper được quy định có phần yêu cầu xét nghiệm nghiêm ngặt hơn. Do đây là đối tượng thường xuyên tiếp xúc nhiều người trong cộng đồng, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao” - ông Tâm nói.
|
Xét nghiệm nhanh cho shipper |
“Về nguyên tắc y khoa, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ 2 mũi theo phác đồ cũng chỉ giúp người được tiêm giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh, chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi nhiễm bệnh. Do đó, chiến lược xét nghiệm này có thể xem là phù hợp với tình hình hiện nay của Thành phố” - ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Trước mong muốn có kế hoạch giảm tải chi phí xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp, ông Tâm cho rằng, theo quy định xét nghiệm, sẽ có trường hợp cho phép làm mẫu gộp RT-PCR hoặc làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị có thể căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm đúng mục đích nhằm tiết kiệm chi phí.
Liên quan đến các bệnh viện dã chiến, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, Thành phố sẽ giữ lại 3 Bệnh viện Dã chiến 13, 14 và 16 để sẵn sàng các tình huống xảy ra theo mô hình tháp 3 tầng.
Theo bà Mai, ngành y tế TP đã có kế hoạch tiếp nhận các Trung tâm hồi sức COVID-19 do các Bệnh viện Trung ương thành lập sau khi nhân lực Bộ Y tế của các bệnh viện này rút về. Ba Bệnh viện Dã chiến số 13,14 và 16 là những bệnh viện được thành lập mới, không liên quan đến các khu tái định cư và có các Trung tâm hồi sức do bệnh viện Trung ương đảm trách.
Cụ thể: Bệnh viện dã chiến số 13 gắn với Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; Bệnh viện Dã chiến số 14 gắn với Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến số 16 gắn với Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.
|
Tiểu thương kinh doanh trở lại cũng phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần |
Theo tinh thần đó, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.
Đưa 800 người về quê từ ngày 15/10
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong - Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết theo thống kê từ đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TP, tính đến ngày 11/10, đơn vị tiếp nhận 506 cuộc gọi, ghi nhận 843 người dân trên địa bàn đăng ký về quê tại 50 tỉnh, thành. Bộ Tư lệnh TP đã phối hợp chính quyền các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và các sở, ngành để trong thời gian tới đưa bà con về quê theo chương trình, dự kiến từ 15/10.
“Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận, nhân viên tổng đài của Bộ Tư lệnh TP có hỏi thăm để phối hợp với địa phương hỗ trợ gói an sinh cho bà con. Việc này nhằm giúp bà con yên tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian chờ về quê”, Thượng tá Phong cho biết.
Theo Uyên Phương/Tiền Phong