Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ để cùng nhìn nhận về những vấn đề này…
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. |
Phóng viên: Thưa ông, là một nhà nghiên cứu văn hoá trong đó có phật giáo, cảm xúc của ông như thế nào trước hiện tượng bán vé vào chùa, nhà chùa từ chối giải hạn cho người nghèo, hàng ngàn người mê muội ngồi tràn ra lòng đường dâng sao giải hạn,?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ:
Trong các tín ngưỡng tôn giáo đó, kể cả Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào cũng đầy rẫy những yếu tố mê tín. Khoảng 20-25 năm trở lại đây, người ta quên yếu tố mê tín đi và người ta cứ đưa ra cái khái niệm tâm linh rất chi là mù mờ để thuyết phục, để nói và thậm chí là để doạ nhau. Một nhân dân mê tín là một nhân dân luôn luôn yếu kém. Một nhân dân có khoa học, có kỹ thuật, có sự nhân văn thì nhân dân đó mới phát triển được. Chúng ta cứ suốt ngày đi chùa chiền thì sẽ ra sao. Tất nhiên, tôi biết giáo lý nhà Phật dạy con người ta những điều tốt đẹp, nhưng mà trong đó thì những yếu tố mê tín cũng tràn ngập.
Tôi rất quan ngại về vấn đề này. Thích hoành tráng và lấy tiền từ người này chuyển sang người khác. Cái đó không xuất khẩu được để mà đưa GDP quốc gia lên cao bằng 1 bà bán tôm cá. Tôi cho rằng, dù trong đó có cả yếu tố phát triển kinh tế du lịch tín ngưỡng và yếu tố tinh thần nhưng người ta đã lợi dụng những yếu tố này để buôn thần bán thánh. Mục đích thường là để làm lợi cho ai đó hoặc cho 1 nhóm lợi ích nào đó…
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. |
Trong cội nguồn thì Phật giáo được triều đình cùng các thí chủ rất giàu có cung dưỡng. Trong kinh sách Phật giáo thì luôn luôn nói đến tấm gương các thí chủ lớn cho đất, xây chùa, cho vàng bạc để xây dụng chùa tháp và các không gian Phật giáo. Với người dân bình thường thì tuỳ tâm mà người ta cúng dường cho Phật giáo để mà duy trì các hoạt động Phật giáo như là 1 tôn giáo, tín ngưỡng. Khi cung dưỡng như vậy, vật chất của người bình thường thì chủ yếu để lo việc hương đăng trà quả cho nhà sư.
Trong thời điểm hiện tại, chúng ta cũng thấy những thí chủ giàu có người ta cúng dường nhà Phật rất là nhiều. Có thể họ cúng đất đai, cúng tiền của, xây chùa chiền… Nhưng đối với chế độ phong kiến ngày xưa, nhà vua quản lý toàn bộ đất đai và toàn bộ của cải trong một quốc gia nên nhà vua có quyền. Như ở nhà Lý, thời vua Lý Nhân Tông: xây chùa chiền bất tận cho đến khi cả quốc gia rơi vào tình trạng thiếu đói, gần như sụp đổ. Đó là quá khứ.
Ngày nay, khi mà xã hội hướng tới giải phóng nhân dân, giải phóng sức lao động và giải phóng tài sản lao động thì quyền của người dân là được công nhận sử dụng đất đai, còn những đất công thì được nhà nước quản lý. Nhưng, các lợi ích nhóm chi phối điều đó và phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Nó diễn ra việc tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng tôn giáo để “buôn Thần bán Phật” và sử dụng quỹ đất đai của nhà nước bằng cách “lách luật”. Việc này thường là để phục vụ cho lợi ích của các nhóm là chính, và nó gây ra sự bất bình đẳng trong việc phát triển kinh tế của xã hội. Do đã diễn ra trong 1 thời gian rất dài nên hiện nay cần phải chỉnh đốn lại.
Phóng viên: Có một số ngôi chùa hiện nay, đầu tư rất lớn, xây rất to sau đó tổ chức kinh doanh các dịch vụ tâm linh, ông nhận xét sao về điều này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Từ trước đến nay, Hiến pháp nước ta vẫn quy định về việc tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Khi chúng ta nói đến tự do tín ngưỡng, thì những người theo các tôn giáo khác nhau thường là người ta bình đẳng với nhau quyền tồn tại trong Hiến pháp và Pháp luật.
Tôi cho rằng việc quản lý các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là những nơi xây thật to rồi bán vé là rất lỏng lẻo. Có rất nhiều chùa là di sản lịch sử, văn hoá của quốc gia thì đáng lẽ ra đã là di sản thuộc quốc gia thì phải được quản lý bởi hệ thống hành chính quốc gia; thế nhưng dần dần các nhà sư trụ trì lại chiếm chùa đó và tự tung tự tác. Không có báo cáo hay bất cứ điều gì cả. Theo luật, khi anh làm kinh doanh anh phải nộp thuế; nhưng những nhà kinh tế lại dựa vào sự ưu ái đối với Phật giáo, và dựa vào khái niệm rất mơ hồ đó là tâm linh bỏ tiền ra làm chùa, mục đích là cùng với các nhóm lợi ích rửa tiền. Khi mà khoác trên mình cái vỏ “tâm linh” thì tự nhiên việc quản lý đối với nó là rất mơ hồ, không chặt chẽ - đây chính là nơi làm ăn và rửa tiền cho các nhóm lợi ích.
Chẳng hạn như đối với chùa Bái Đính và Tam Chúc, khi người ta nấp dưới cái bóng Phật giáo và tâm linh thì sự quản lý Nhà nước thường là rất ưu ái và e dè. Một khái niệm mù mờ đến mức như vậy khiến cho ai cũng e dè. Chưa kể việc những người theo lợi ích nhóm lại hết sức đầu tư cho nó.
Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào dưới góc độ văn hoá, giá trị lịch sử, tín ngưỡng, những công trình chùa chiền mới xây được công nhận là những kỷ lục tại nước ta hiện nay?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Trên thức tế, tôi đã từng đi Bái Đính và tôi quan sát hầu hết mọi thứ ở đó từ phong cách đến những thứ khác và đặc biệt tôi quan tâm đến các đại tự và câu đối treo trong đó. Cá nhân tôi thấy rằng, những đại tự và câu đối trong chùa Bái Đính đều là cóp nhặt từ hết chùa này đến chùa kia, mỗi chỗ một chút và chẳng có ý nghĩa gì cả. Cái thì cóp nhặt ở Quán Sứ, cái thì cóp nhặt ở Trấn Vũ, toàn là những thứ cóp nhặt thôi. Ở nước ta, thiếu gì những người có thể sáng tác được câu đối phù hợp với cảnh chùa như vậy mà không làm lại đi chụp ảnh cũng như cóp nhặt ở nơi khác về đưa lên. Đó là con đường rẻ nhất về mặt kinh tế nên khi vào bên trong chùa thì thấy trong đó lộn xộn, không để lại sự sau sắc về tôn giáo hay về văn hoá nào cả.
Phóng viên: Hiện tại dư luận đang rất nóng trước các thông tin về việc lợi dụng về giá trị tôn giáo để trục lợi. Ý kiến của ông thế nào trước vấn đề này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Việc doanh xây chùa lớn như Bái Đính, Tam Chúc có mang lại cái lợi về mặt công ăn việc làm và phát triển kinh tế du lịch cho một vùng. Vấn đề là điều đó được minh bạch như thế nào và mang lại lợi ích cho nhà nước như thế nào thì chưa ai chứng minh được. Chúng ta đang rất lo lắng về việc những cơ sở này là phương tiện để cho những lợi ích nhóm lợi dụng. Và để tránh xảy ra việc này thì cần có một hành lang pháp lý thật cụ thể và kín kẽ.
Thực tế, không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới, người dân thường không quan tâm 1 cách sâu sát đến sự vận hành, vận động của văn hoá hay của tôn giáo. Người ta cứ thấy ở đâu đẹp là người ta đi hành hương thôi. Tất cả chúng ta đang lo sợ việc, những cơ sở tôn giáo bị lợi dụng cái để cho các nhóm lợi ích. Trong khi đó, từ đất đai cho đến tất cả mọi thứ trong khi quản lý thì chưa có hành lang pháp lý cụ thể.