Tối 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (44 tuổi, trú tại khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về hành vi Giết người.
Tô Thị Ty Na bị cáo buộc có hành vi giết con trai 6 tuổi nhằm trục lợi bảo hiểm, che đậy hành vi phạm tội từ năm 2021 đến nay.
Điều tra cho thấy, khoảng 22h5 ngày 2/1/2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 2017) là con ruột Na chết ở nhà vệ sinh. Cảnh sát xác định, Na đã có hành vi giết cháu Hoàng, mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm.
 |
Na khi bị bắt. |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, Na là một người mej mà sát hại con đẻ để trục lợi bảo hiểm là hành vi vô cùng nhẫn tâm, cái ác đến tột độ, mất tính người và cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Theo luật sư Cường, sinh ra một đứa con là mang nặng đẻ đau, là tình mẫu tử. Bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ thương yêu con mình, không muốn con mình bị đau đớn dù chỉ là những vết trầy xước.
Tuy nhiên, Na lại tham lam và tàn nhẫn để được chi trả tiền bảo hiểm nhân thọ mà sẵn sàng xuống tay sát hại con mình để hưởng lợi. Điều rất khó tưởng tượng được tại sao trên đời lại có người mẹ nhẫn tâm đến mức như vậy.
Pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật trẻ em 2016 đã có rất nhiều các quy định cụ thể để bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe.
Pháp luật cũng quy định trách nhiệm bảo vệ đầu tiên là trách nhiệm của cha mẹ. Luật hôn nhân và gia đình quy định: Cha mẹ của trẻ em có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến khi trưởng thành. Trường hợp trưởng thành rồi mà những người con vẫn không có khả năng lao động do mắc bệnh lý thì cha mẹ tiếp tục có trách nhiệm phải chăm sóc, bảo vệ như những đứa trẻ.
Tình mẫu tử là thiêng liêng và là tình cảm tự nhiên, vốn có mang tính bản năng, được nâng lên thành giá trị văn hoá của loài người. Đến những con vật cũng nảy sinh tình yêu thương và bản năng chăm sóc bảo vệ con mình, với con người thì thứ tình cảm ấy càng thiêng liêng, cao quý.
Những người mẹ, đặc biệt là người phụ nữ Á Đông lại càng giàu tình cảm, biết yêu thương, chăm sóc, bảo vệ con mình. Vậy mà có người phụ nữ lại nhẫn tâm, sát hại con mình để trục lợi.
Thông thường phụ nữ thực hiện hành vi sát hại con mình có thể là người bị tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc người phụ nữ không có đạo đức, xem nhẹ mọi giá trị và coi thường pháp luật, mới nhẫn tâm thực hiện hành vi.
Trong thực tế có những trường hợp phụ nữ bị trầm cảm nên đã sát hại con mình, có những người quẫn bách, nghĩ quẩn mà sát hại con và tự tử. Còn trường hợp sát hại con để trục lợi là chuyện xưa nay hiếm, rất khó lý giải về động cơ, diễn biến tâm lý và vấn đề đạo đức.
Nhiều năm tham gia công tác bảo vệ trẻ em, trực tiếp can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trẻ em yếu thế, bị bạo hành, bị xâm hại, thậm chí có những trẻ em bị sát hại nhưng bản thân luật sư Cường cũng chưa từng thấy vụ việc nào mẹ lại sát hại con để trục lợi bảo hiểm như vụ việc này. Có lẽ nhiều người khi nghe thông tin vụ việc này sẽ không tin, không thể tưởng tượng được tại sao lại có chuyện đó xảy ra.
Trong cuộc sống ai cũng có lúc gặp khó khăn, thậm chí éo le quẫn bách nhưng không có bất kỳ lý do gì có thể biện minh cho hành vi sát hại con mình để trục lợi bảo hiểm.
Theo những hình ảnh mà nghi phạm đăng tải trên mạng xã hội, người phụ nữ này rất sang chảnh và yêu 4 đứa con của mình, thậm chí còn đăng hình con lên cánh tay nên không ai nghĩ một người phụ nữ như vậy mà lại nhẫn tâm biến con thành món hàng, công cụ để trục lợi bảo hiểm.
Người xưa có câu “hổ dữ cũng không ăn thịt con”, vậy mà người phụ nữ này lại nhẫn tâm như vậy, tòa án chưa xét xử, người này đã phải đối mặt với một bản án lương tâm, sự phẫn nộ của cộng đồng xã hội.
Về góc độ pháp lý thì hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Người cha, người mẹ là người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà lại xâm hại trẻ em với động cơ trục lợi đó là động cơ đê hèn nên người phụ nữ này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo khoản 1, Điều 123 BLHS với chế tài có thể áp dụng là tử hình.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đã có hành vi sát hại con đẻ của mình để trục lợi bảo hiểm, hành vi của đối tượng này là vô cùng tàn nhẫn, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, hành vi sẽ bị xử lý về nhiều tội danh trong đó có tội giết người và tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
Với kết quả điều tra như trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam với Na về tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 bộ luật hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội với động cơ đê hèn, phạm tội với người dưới 16 tuổi, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục ...Do đó, hình phạt và đối tượng này phải đối mặt với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài tội giết người, Na cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điều 213 bộ luật hình sự, hình phạt có thể tới 07 năm tù về tội danh này.
Đồng thời, số tiền mà đối tượng này trục lợi từ bảo hiểm sẽ bị tịch thu và xung vào công quỹ nhà nước. Vấn đề làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội là yếu tố rất quan trọng để xác định nguyên nhân, diễn biến tâm lý, lý giải ra lý giải nguyên nhân, động cơ thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Những hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra trong đời sống xã hội không ít. Tuy nhiên hành vi sát hại con mình đẻ ra để được hưởng bảo hiểm nhân thọ là hành vi xưa nay hiếm và vô cùng tàn nhẫn, mất nhân tính, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền được sống của con người nên người này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Điều đáng chú ý là đối tượng này bị phát hiện, bị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh là do chính một người con đẻ của đối tượng tố giác hành vi phạm tội, thậm chí có dấu hiệu của phạm tội 2 lần trở lên. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ thận trọng xem xét đánh giá các tài liệu chứng cứ, thu thập thêm các chứng cứ để chứng minh tội phạm, xử lý với người phụ nữ này.
Mặc dù xu hướng phát triển của xã hội, Bộ Công an đang đề xuất bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh tuy nhiên với trường hợp này thì không thể dung tha được. Hành vi sát hại đứa con do mình đẻ ra vì bất kỳ lý do gì cũng không thể chấp nhận được, với những người mà không phải vì bệnh lý, không bị ép buộc thì hành vi giết con là không thể cải tạo giáo dục nữa, cần phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội để giáo dục chung, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, phương thức thủ đoạn phạm tội, hoàn cảnh của đối tượng gây án và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự việc cho thấy đã có sự xuống cấp nghiêm trọng đạo đức xã hội, kể cả những người đã trưởng thành, làm cha, làm mẹ cũng có thể thực hiện những hành vi tàn nhẫn mà những người bình thường không thể tưởng tượng được.
Bởi vậy, việc làm rõ yếu tố nhân thân của đối tượng gây án, làm rõ động cơ mục đích phạm tội làm căn cứ xử lý đối với đối tượng gây án và cũng là căn cứ để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn tình trạng xâm phạm đến thân thể của trẻ em, trục lợi bảo hiểm xảy ra như vụ việc này.
Hải Ninh