Chiều 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành về việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Đây là cuộc họp thứ hai của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng chủ trì. Cuộc họp thứ nhất diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại của 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%. Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo nhu cầu. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam.
 |
Thủ tướng chủ trì cuộc họp. |
Thủ tướng cho biết, ngay trong đêm 5/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường công tác tại Hoa Kỳ. Do đó, cuộc họp cần chuẩn bị danh sách các mặt hàng cần đàm phán để đưa thuế suất về 0%.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là sẵn sàng đàm phán với bạn để đưa mức thuế về 0% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ. “Chúng ta cũng đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự, đây là thông điệp lớn nhất. Thứ hai, danh sách mua hàng cũng do Chính phủ quyết định. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khi gặp gỡ, đàm phán sẽ có căn cứ rõ ràng. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm quyết định trên bàn đàm phán với tinh thần 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh tinh thần phản ứng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình bên ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tình hình càng khó khăn càng phải giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, tự tin, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, nỗ lực, càng áp lực lại càng có động lực để vươn lên, khẳng định mình, vượt qua giới hạn bản thân.
Theo Thủ tướng, các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá, khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã thể hiện tinh thần bình tĩnh, bản lĩnh kiên cường, nỗ lực vượt khó, phản ứng chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm rất thành công với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính phủ cũng đã chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là chủ động giảm thuế theo Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, thương mại được thúc đẩy trên cơ sở hai nền kinh tế có tính bổ trợ, hỗ trợ, chứ không cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.
Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trong khi Việt Nam nằm trong nhóm các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN; xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lớn, nhưng có lợi cho cả hai bên. Nếu Hoa Kỳ áp thuế đối ứng như đã công bố sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, các thị trường gián tiếp của Việt Nam và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải nắm chắc tình hình, giữ vững bản lĩnh, sáng suốt, sáng tạo, khôn khéo, linh hoạt trong điều hành, quản lý nhưng kiên định, kiên trì về những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ độc lập, chủ quyền, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cách tiếp cận, xử lý vấn đề phải mang tính tổng thể, toàn diện, vừa có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, có tổng thể và cụ thể, cả diện rộng và có trọng điểm, cả phi thuế quan và thuế quan…; tính đến tổng thể chung quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam; sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, tranh thủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp Hoa Kỳ, danh nghiệp FDI tại Việt Nam; có giải pháp đàm phán phù hợp.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của Hoa Kỳ.
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu tổng thể, chiến lược là vẫn phải ổn định đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; ổn định để phát triển, phát triển để ổn định; Nhân dân phải được ấm no, hạnh phúc, được tự do kinh doanh, được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tới là không thay đổi để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Chỉ đạo một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Nghị quyết số 59- NQ/TW, ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; các kết luận của Bộ Chính trị liên quan tình hình thế giới và bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cùng với đó, tiếp tục có các sáng kiến để phát triển quan hệ thương mại cân bằng, bền vững giữa hai nước, vì lợi ích hai nước và nhân dân hai nước; tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ trên tinh thần hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách tại Nghị định 73 theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tại cuộc điện đàm ngày 4/4.
 |
Các đại biểu dự họp. |
Bộ Công Thương chủ trì, rà soát để tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập khẩu. Xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu mối quan trọng của phía Hoa Kỳ.
Hai Bộ Ngoại giao, Công Thương tiếp tục giao thiệp để phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán. Thủ tướng lưu ý, trong đàm phán với Hoa Kỳ cần chú ý tránh ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác khác.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, khẳng định quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những lúc khó khăn. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bộ Tài chính chú trọng số hoá trong thu thuế, tích cực thu thuế bằng hoá đơn khởi tạo bằng máy tính tiền. Kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, thương hiệu và bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Về lâu dài, Thủ tướng nêu rõ, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hóa hơn, không phụ thuộc vào một thị trường, khai thác các thị trường mới tiềm năng, như Trung Đông, Trung Á…
Thủ tướng một lần nữa khẳng định, đây cũng là sức ép để đổi mới, là cơ hội để doanh nghiệp và đất nước ta vươn mình, bứt phá và vươn lên; vấn đề rất quan trọng là phải có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo Thủ tướng cho biết, diện thuế áp dụng rộng với mức 46% sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mức thuế này có thể làm sụt giảm từ 30–40 tỷ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ áp thuế cao cũng khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.
"Việt Nam có thể phải giảm thuế cho nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp; mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; tạo ưu đãi cho Hoa Kỳ trong việc tham gia các dự án cụ thể tại Việt Nam. Còn đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có thể yêu cầu họ giảm thuế tương ứng cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta – 16 danh mục chính, chiếm khoảng 91–92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ", Bộ trưởng Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là thủy sản, hồ tiêu, gia vị..., trong đó sản phẩm gia vị chiếm đến 70% thị phần Hoa Kỳ. Đây đều là những mặt hàng thiết yếu, khó có lựa chọn thay thế từ bên thứ ba.
Theo ông Duy, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rất tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với nông sản, mở cửa thị trường cho bạn; giảm thuế cho nhiều mặt hàng. Thông qua trao đổi với Tham tán nông nghiệp Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy đây sẽ là yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới để Việt Nam có thể được chấp nhận việc giảm thuế hoặc tránh tăng thuế đối với nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Hải Ninh