Tạm giữ khẩn cấp 2 đối tượng hành hung tài xế ô tô
Ngày 01/02/2025 (mùng 4 Tết Ất Tỵ), mạng xã hội lan truyền clip nam tài xế ô tô bị một nhóm người tấn công dù đang ngồi trong xe. Cơ quan chức năng huyện Giao Thủy (Nam Định) xác nhận sự việc trên xảy ra tại bến phà Cồn Nhất.
Nguyên nhân ban đầu vụ 2 anh em lao vào
hành hung tài xế ô tô ở bến phà tại Nam Định
ĐỌC NGAY
Ngày 2/2, Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp với với Phạm Ngọc Tuân (SN 1980, trú tại TP.Hà Nội) và Phạm Văn Tuyên (SN 1982, em trai Tuân, trú huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
|
Người đàn ông mặc áo đen lao vào hành hung tài xế ô tô. Ảnh: Chụp từ clip.
|
Gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, sự việc diễn ra ở bến phà Cồn Nhất (Nam Định) khiến dư luận xã hội bức xúc.
Bởi vậy cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ để giải quyết là cần thiết, trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi đánh người, gây rối trật tự công cộng. Vì vậy, dù do mâu thuẫn va chạm giao thông hay bất kỳ lý do nào khác, hành vi đánh người nơi công cộng vẫn là hành vi trái pháp luật.
Do đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, những người đánh người trên xe ô tô có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Cường, trong trường hợp hành vi đánh người gây ra thương tích cho nạn nhân và có đơn của nạn nhân đề nghị xử lý hình sự thì dù thương tích dưới 11% thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, Khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự khi hành vi được xác định là có tính chất côn đồ (vì lý do nhỏ nhặt mà đánh người).
Điều đáng chú ý trong clip đang lan truyền trên không gian mạng thì không chỉ có một người hành hung những người trên xe ô tô mà có ít nhất hai người cùng tham gia thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của tất cả những người có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Hai người đàn ông hành hung tài xế ô tô tại bến phà Cồn Nhất, Nam Định. Ảnh: Chụp từ clip. |
"Trường hợp nạn nhân không có thương tích hoặc không đề nghị xử lý về tội cố ý gây thương tích thì hành vi đánh người nơi công cộng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 bộ luật hình sự", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo quy định của pháp luật thì trật tự công cộng là trật tự được thiết lập trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội, để đảm bảo mọi người được an toàn nơi công cộng, tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ nơi công cộng.
"Bởi vậy những hành vi đánh người nơi công cộng là gây rối trật tự công cộng, nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài ít nhất là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm", luật sư Cường nói.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Bởi vậy, trong trường hợp mà chưa đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích thì những tình huống đánh người có phá phách như trong trường hợp này có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Xem xét dấu hiệu cướp tài sản
Trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ có hư hỏng tài sản hay không để xem xét xử lý về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Ngoài ra, những người trong xe ô tô còn cho rằng bị mất chiếc đồng hồ trị giá 30.000.000 đồng, vấn đề này cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi đánh người để lấy đồng hồ hay không, nếu có thì sẽ xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại điều 168 bộ luật hình sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Luật sư Cường cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ việc đánh người do mâu thuẫn nhỏ nhặt, do va chạm giao thông.
Hiện tượng này cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội, nhiều người có ý thức coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Họ sẵn sàng hành hung, gây thương tích cho người khác ngay tại nơi công cộng, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Những sự việc như vậy gây mất an toàn công cộng, vì thế nhiều địa phương đã quyết liệt trong việc xử lý các hành vi đánh người nơi công cộng. Hầu hết các hành vi này trong thời gian qua đều đã bị xử lý hình sự.
"Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người vẫn không kiểm soát được cảm xúc, thiếu kỹ năng sống và đặc biệt là có ý thức coi thường người khác, nên sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người trong việc ứng xử đối với những tình huống mâu thuẫn, va chạm giao thông", luật sư Cường nói.
Cùng quan điểm trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cũng cho rằng cần xử lý nghiêm các hành vi côn đồ, tránh tác động tiêu cực đến xã hội. Đồng thời, ông khuyến nghị tăng cường kiểm soát giao thông, giáo dục văn hóa ứng xử và khuyến khích người dân giữ thái độ bình tĩnh khi xảy ra va chạm.
"Thay vì dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, mỗi người cần có ý thức tuân thủ luật giao thông và ứng xử văn minh, hòa nhã", luật sư Bình khuyến cáo.
Theo Dân Việt