Nghỉ hưu trước tuổi, tiền lương hưu được tính như thế nào?

Google News

Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi đã đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.

Bạn đọc Hoàng Hà (Nam Định) hỏi:

Tôi sinh năm 1966, hiện tôi đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Nam Định. Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm hơn 40 năm, hiện tôi có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, vậy xin hỏi chế độ lương hưu sẽ được giải quyết ra sao?

Trả lời:

Luật gia Trần Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (hết hiệu lực 1/7/2025) quy định, khi nghỉ việc, người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi khi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Nghi huu truoc tuoi, tien luong huu duoc tinh nhu the nao?
 Cán bộ chi trả lương hưu cho người lao động ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Nếu tính kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Trường hợp, người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc... thì tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh sớm hơn so với quy định.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Theo quy định tại điều 54 Luật Bảo hiểm năm 2014 và điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, những trường hợp giảm và tăng tuổi nghỉ hưu này đều không quá 5 tuổi so với quy định.

Trường hợp của người lao động đã đóng bảo hiểm hơn 40 năm nên đã đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu theo quy định. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2024, tuổi của người lao động là 58 tuổi, chưa đủ độ tuổi nghỉ hưu theo quy định là phải đủ 61 tuổi vào năm 2024.

Mức lương hưu được tính như sau:

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động được tính như người lao động bình thường, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi (theo quy định tại Điều 55 và 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Như vậy, theo luật gia Trần Quốc Tuấn, trường hợp của người lao động thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động và nghỉ hưu vào cuối tháng 12 năm 2024 thì họ đã nghỉ hưu trước 1 năm 8 tháng nên sẽ được tính là nghỉ hưu trước 2 năm (thời gian trên 6 tháng không được giảm tỉ lệ).

Do đó, lương hưu hằng tháng của người lao động tại Sở Xây dựng Nam Định trong câu hỏi nêu trên là: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm được tính thêm 2% nhưng không quá tối đa 75% và trừ đi 2% năm của 2 năm người đó nghỉ trước tuổi.
Theo Dân Việt