Phần lớn hàng hóa Mỹ xuất sang Việt Nam chỉ chịu thuế 15%

Google News

Theo đại diện Bộ Tài chính, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất sang Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu 15% hoặc thấp hơn. Mặt bằng thuế quan của Việt Nam thấp hơn rất nhiều mức 46%.

Chiều 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế và có hiệu lực từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của Mỹ.
Bộ Tài chính đã chủ động, rà soát chính sách thuế
Đề cập đến chính sách thuế mới của Mỹ, trong đó hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể bị áp mức thuế lên đến 46%, cao hơn rất nhiều so với mức hiện hành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Việt Nam đã rất chủ động trong việc rà soát, điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Mỹ. Việc này không chỉ để đáp ứng phù hợp với chính sách thuế mới của Mỹ mà còn nhằm hướng tới một cán cân thương mại bền vững hơn.
“Chúng ta sẽ kiên trì, tìm ra giải pháp và kiên trì trong trao đổi, chia sẻ với đối tác thương mại Mỹ để hướng tới cân bằng thương mại theo nghĩa là phát triển, để người tiêu dùng của hai nền kinh tế đều được hưởng lợi từ việc phát triển thương mại hai nước”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Phan lon hang hoa My xuat sang Viet Nam chi chiu thue 15%
Ảnh minh họa. 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mức thuế mà Mỹ công bố mới đây là mức tối đa có thể áp dụng, còn mức cụ thể với từng mặt hàng và lộ trình thực hiện vẫn chưa được làm rõ.
"Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ có chuyến làm việc tại Mỹ, được kỳ vọng sẽ giúp hai bên hiểu rõ hơn về tác động của chính sách thuế mới và có bước đi hỗ trợ phù hợp", ông Chi thông tin.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho rằng, mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam với mức cao 46% vừa công bố, cao hơn rất nhiều so với mức thuế suất hiện hành đang áp dụng với Việt Nam.
Điều này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là với những ngành, nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ như ngành liên quan đến linh kiện điện tử, nông nghiệp, dệt may da giày.
Theo ông Tuấn, trong thời gian vừa qua, để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời với diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới và để đạt được mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát tổng thể mức thuế suất nhập khẩu tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP, điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng được các đối tác thương mại lớn của Việt Nam quan tâm, trong đó có Mỹ.
“Việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 73/2025/NĐ-CP có mục tiêu để cố gắng cân bằng được, cải thiện được cán cân thương mại với các đối tác lớn, đặc biệt là các đối tác chúng ta đã có thỏa thuận về đối tác chiến lược toàn diện, cũng như giúp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận với các thị trường đa dạng hơn, với chi phí thuế thấp hơn” - ông Tuấn chia sẻ.
Nghị định số 73/2025/NĐ-CP đã điều chỉnh giảm thuế đối với 16 nhóm mặt hàng như mặt hàng liên quan tới ô tô, sản phẩm nông nghiệp, ethanol... Đồng thời, ngay trong quá trình xây dựng Nghị định số 73/2025/NĐ-CP đã chủ động rà soát lại toàn bộ các mức thuế đang áp dụng đối với hàng nhập khẩu, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh giá, là căn cứ để báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo gần đây nhất của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ thì mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân của Biểu thuế Việt Nam là 9,4%, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu là 15% hoặc thấp hơn, tức là mặt bằng thuế quan của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mức tính toán 90% hoặc 46%.
Theo ông Tuấn, nếu chiếu vào con số mà phía Mỹ công bố thì không thuần tuý là yếu tố thuế, phải tìm hiểu kỹ và nhanh căn cứ của họ để có giải pháp phù hợp bởi vì nếu thuần tuý yếu tố thuế không đến mức như vậy.
“Chênh lệch bình quân giữa mức thuế suất nhập khẩu MFN giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay không quá cao nên các giải pháp ứng phó phi thuế quan sẽ đóng vai trò quyết định trong vấn đề này. Cần nghiên cứu kỹ để hiểu rõ căn cứ của Mỹ khi đưa ra mức thuế này, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá toàn diện tác động của chính sách thuế mới từ Mỹ," ông Tuấn nói.
5 giải pháp hạn chế tác động của thuế đối ứng
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo chí cho biết, lấy làm tiếc khi Hoa Kỳ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, sắc thuế mới có hiệu lực từ ngày 9/4.
Theo ông Linh, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
"Mức thuế MFN (mức thuế Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO và phải tuân thủ cam kết WTO của Việt Nam) trung bình Việt Nam áp với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp dụng cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước", ông Linh nói.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã xử lý hàng loạt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi. Trong đó, ôtô có 3 dòng xe được giảm thuế gồm xe chở người có khoang hành lý chung và ôtô thể thao dung tích 2.000-2.500 cc; xe sedan 2.000-2.500 cc... Một số mặt hàng gỗ cũng được giảm thuế MFN về 0% từ mức 20% trước đó. Ngoài ra có rất nhiều dự án của Mỹ tại Việt Nam được quan tâm, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
"Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi Công hàm đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế, dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên", ông Linh nói và cho biết thêm, sắp tới Bộ trưởng hai nước sẽ điện đàm, đồng thời tổ chức các cuộc trao đổi kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).
Cho biết, không gian để trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ không còn nhiều, Bộ Công Thương đề nghị sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 12% trong năm 2025.
Để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện 5 giải pháp.
Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ ba, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, trong đó chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Thứ tư, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Cuối cùng, chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Theo ông Linh: "Một nền xuất khẩu bền vững không thể chỉ dựa vào gia công, mà còn phải dựa trên trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nền kinh tế có sức chống chịu bền bỉ hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài".
Bộ Công Thương cam kết thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á... Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Nông sản Việt xoay sở thế nào?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khi nói về tác động và biện pháp đối phó của ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, khi Mỹ điều chỉnh thuế quan nhập khẩu với Việt Nam ở mức 46% cho biết, trong cơ cấu thị trường nông sản của Việt Nam, đã xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, năm 2024, Mỹ đứng đầu với giá trị đạt 13,8 tỷ USD, sau đó là Trung Quốc 13,6 tỷ USD. Cơ cấu này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, khi nông sản Việt Nam vào Mỹ, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương và chúng ta đều vượt qua.
Theo ông Tiến, với mức thuế mới của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta phải tập trung cho chỉ đạo sản xuất, làm sao nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, nhưng lại có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác. Đương nhiên, trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý của Mỹ, vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
“Vừa rồi, Chính phủ đã họp 2 phiên bàn thảo về chuyện này, tôi tin chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp, trong đó có nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường trong nước. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường nào”, ông Tiến nói. 

Tâm Đức