Ông Chung đưa 10.000 USD, đánh cắp tài liệu “mật”: Nếu đúng, phạm tội gì?

Google News

(Kiến Thức) - Cơ quan điều tra phát hiện ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa 10.000 USD cho bị can Phạm Quang Dũng để tuồn tài liệu mật. Hành vi này liệu có phạm tội đưa, nhận hối lộ?

Trong vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa 10.000 USD cho bị can Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Công an), người đánh cắp tài liệu.
Vụ việc xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2020 (ngày 22/1/2020), tại khu vực đường Giải Phóng, Hà Nội. Thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung (cựu chuyên viên, UBND TP Hà Nội), ông Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ công an) đã nhận của ông Nguyễn Đức Chung 1 phong bì 10.000 USD. Ông Dũng đã thông qua gia đình nộp lại cho Cơ quan An ninh điều tra số tiền này.
Tuy nhiên, do chưa có điều kiện làm rõ việc ông Chung đưa cho Dũng khoản tiền trên nên CQĐT quyết định bóc tách hành vi để điều tra làm rõ sau.
Ong Chung dua 10.000 USD, danh cap tai lieu “mat”: Neu dung, pham toi gi?
 Ông Nguyễn Đức Chung.
Dư luận đặt câu hỏi, ông Nguyễn Đức Chung đưa 10.000 USD cho bị can Phạm Quang Dũng - người đánh cắp tài liệu mật, nếu cơ quan điều tra làm rõ, hành vi này sẽ phạm tội gì theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu cơ quan điều tra có chứng cứ để chứng minh rằng việc đưa, nhận tiền để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, hành vi có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
Luật sư Cường cho rằng, theo kết luận của cơ quan điều tra có việc đưa nhận tiền. Tuy nhiên, có thể chưa làm rõ động cơ mục đích của việc đưa nhận tiền nên tách rút tài liệu, xem xét xử lý sau. Bởi vậy, có thể vụ việc sẽ không dừng lại ở đây mà có thể có những kết luận tiếp theo về sai phạm của vị cựu lãnh đạo này.
Cũng theo nội dung kết luận điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi này để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Số tiền 10.000 USD đã bị thu giữ, cơ quan điều tra sẽ phải kết luận đúng sai trong việc đưa nhận số tiền này và trách nhiệm pháp lý có liên quan, làm cơ sở để giải quyết hậu quả pháp lý đối với số tiền này theo quy định của pháp luật (có thu giữ hay trả lại).
Nếu khoản tiền được xác định có liên quan đến tội phạm, do phạm tội mà có thì sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Điều 354 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, kết quả điều tra cho thấy việc đưa tiền, nhận tiền là có (số tiền đã bị thu giữ), cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa tiền có nhằm mục đích yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người nhận tiền là người có chức vụ quyền hạn, nhận tiền là để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, người đưa sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 và người nhận sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, Bộ luật hình sự quy định: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.”.
Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người nhận tiền là người có chức vụ quyền hạn và việc nhận tiền là để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, người đưa tiền sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ, người nhận tiền sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và có kết luận, làm cơ sở để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung ngoài bị cáo buộc ông Chung chủ mưu, cầm đầu trong việc kết nối với các bị can để chiếm đoạt tài liệu mật vụ án Nhật Cường, cơ quan điều tra cũng thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Cụ thể, quá trình điều tra, cơ quan an ninh thu giữ máy tính và điện thoại di động, 2 iPad, 3 giấy chứng minh công an nhân dân, 2 giấy chứng nhận điều tra hình sự của ông Nguyễn Đức Chung. Công an còn thu giữ thẻ hội viên Hội luật gia Việt Nam, 5 sổ công tác và 3 quyển sổ màu đen cùng nhiều tài liệu liên quan việc chữa bệnh của ông Chung.
Khi khám xét đối với bị can Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế), cơ quan điều tra thu giữ chùm chìa khóa phòng làm việc của cấp trên ông Dũng; tài liệu phục vụ cuộc họp "Vụ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ký kết thực hiện các hợp đồng thuê dịch vụ CNTT và cung cấp thiết bị với Công ty Nhật Cường".
Công an cũng thu giữ 3 trang tài liệu báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, xác minh đầu mối vận chuyển hàng hóa nhập lậu cho Công ty Nhật Cường.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng thu giữ số tiền 10.000 USD mà ông Dũng bị cáo buộc nhận từ ông Nguyễn Đức Chung để giúp chiếm đoạt tài liệu mật. Cơ quan điều tra cho rằng đây là tiền ông Dũng hưởng lợi bất chính.
Quá trình tố tụng, công an cũng thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu như điện thoại, máy tính, máy ghi âm hay máy tính bảng liên quan 2 bị can Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc.
Theo cơ quan điều tra, tháng 5/2019, Bộ Công an khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan. Ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, để nắm bắt thông tin vụ án, ông Chung kết nối với ông Dũng (cán bộ được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường).
Dịp Tết Nguyên đán năm 2020, tại khu vực đường Giải Phóng (Hà Nội), thông quan bị can Nguyễn Hoàng Trung, ông Dũng nhận của bị can Nguyễn Đức Chung phong bì bên trong có 10.000 USD.
Kết luận điều tra nêu sau thời điểm đó, ông Dũng đã đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của cấp trên. Từ đầu tháng 8/2019 đến đầu tháng 3/2020, cựu cán bộ công an 5 lần lẻn vào phòng làm việc riêng của chỉ huy, rồi dùng điện thoại lén chụp nhiều tài liệu điều tra.
Sau đó, ông Dũng đưa thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung thông qua ứng dụng Viber và người trung gian. Nhận được tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường từ ông Chung, 2 cựu cán bộ Văn phòng UBND Hà Nội là Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc in ra giấy để chỉnh sửa, cắt phần chữ ký trang cuối của tài liệu mật.
Hành vi của bị can Nguyễn Đức Chung phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Ba bị can còn lại là đồng phạm, giúp sức cho ông Chung.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Nguồn: VTV TSTC

Tâm Đức