Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Tài liệu mật bị đánh cắp thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Kết luận điều tra xác định, hành vi của ông Nguyễn Đức Chung – Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu liên quan đến vụ Nhật Cường.

Vì sao cán bộ công an giúp đỡ ông Chung chiếm đoạt tài liệu mật?
Ngày 21/11, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội.
Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện KSND Tối cao để truy tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự, đối với ông Nguyễn Đức Chung, SN 1967, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng 3 bị can Phạm Quang Dũng, SN 1983, nguyên cán bộ Công an; Nguyễn Hoàng Trung, SN 1983, Chuyên viên Phòng thư ký biên tập và Nguyễn Anh Ngọc, SN 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập thuộc Văn phòngg UBND TP Hà Nội.
Kết luận điều tra cho thấy, ông Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu khi kết nối và cho Phạm Quang Dũng (cán bộ của C03 Bộ Công an) 10.000 USD để tuồn tài liệu mật liên quan vụ Nhật Cường.
De nghi truy to cuu Chu tich Nguyen Duc Chung: Tai lieu mat bi danh cap the nao?
Ông Nguyễn Đức Chung. 
Cụ thể, ngày 14/5/2019, CQĐT Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường). Trong đó, CQĐT xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường).
Ngày 16/6/2019, ông Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề và sau đó được ông Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về kết quả điều tra vụ Nhật Cường.
Để có thông tin, tài liệu cung cấp cho ông Chung, ông Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án để lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (đơn vị được giao thụ lý vụ án) chụp trộm các tài liệu, báo cáo.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2019- 6/2020, ông Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Cụ thể, khoảng 23h ngày 4/6, ông Dũng đột nhập vào phòng làm việc riêng của ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (ở 47 Phạm Văn Đồng), dùng điện thoại chụp trộm 3 tài liệu tại bàn làm việc của ông Thành.
Cơ quan chức năng xác định những tài liệu bị ông Dũng chụp trộm, gồm: Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường; tài liệu báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP Hà Nội giai đoạn 2017- 2019.
Để đột nhập được vào phòng làm việc của lãnh đạo cơ quan điều tra, trước đó ông Dũng đã đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của cấp trên.
Sau đó, ông Dũng đưa thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung thông qua phần mềm Viber và người trung gian.
Kết quả điều tra cho thấy, có đủ căn cứ xác định, 3 lần ông Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án Công ty Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung. Trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Mật”.
Ông Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu
Kết luận điều tra cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Tài liệu điều tra cũng cho thấy cơ quan chức năng chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc ông Dũng được ông Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD nên cơ quan điều tra đã tách hành vi nêu trên để xem xét, xử lý sau.
Theo CQĐT, không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc ông Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cung cấp cho ông Nguyễn Đức Chung. Do đó, không có căn cứ xem xét xử lý đối với ông Lệ.
Trước đó, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Đối mặt mức hình phạt nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với hành vi phạm tội trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm có thể đối mặt có thể lên đến 15 năm tù.
Luật sư Cường cho biết, kết luận điều tra cho thấy, ông Chung đang bị đề nghị truy tố về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 337 BLHS 2015. Trường hợp các cơ quan tố tụng kết luận các bị cáo có tội và hành vi được xác định là phạm tội “có tổ chức” sẽ phải đối mặt với mức hình phạt 15 năm tù.
“Trong trường hợp kết tội các bị cáo trong vụ án có đồng phạm, tòa án sẽ áp dụng hình phạt trên cơ sở xác định vai trò đồng phạm. Người được xác định là chủ mưu sẽ bị mức án nghiêm khắc hơn. Bởi vậy, trong trường hợp ông Chung bị kết tội và xác định là chủ mưu thì mức hình phạt của ông Chung sẽ là nghiêm khắc nhất so với các đồng phạm khác. Ngoài ra, mức độ nhận thức, nhân thân của từng bị cáo cũng là tình tiết quan trọng để tòa án quyết định khi lượng hình”- luật sư Cường cho hay.
Đáng chú ý, thời điểm khởi tố, bắt tạm giam ông Chung, cơ quan điều tra cho biết ngoài tội danh bị khởi tố là tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, ông Chung còn bị tình nghi liên quan đến một số tội danh mà trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố trong vụ công ty Nhật Cường mobile. Do đó, ngoài hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, ông Chung còn có hành vi khác có thể cấu thành tội phạm khác thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can để điều tra.
Thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra mới chỉ kết luận ông Chung liên quan đến tội chiếm đoạt bí mật nhà nước, còn các tội danh khác chưa có kết luận.
De nghi truy to cuu Chu tich Nguyen Duc Chung: Tai lieu mat bi danh cap the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường cho rằng, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, đến những bí mật nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật nhà nước.
Để kết tội ông Chung và các đồng phạm, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ, viện dẫn các quy định pháp luật để chứng minh tài liệu mà một số đối tượng đã chiếm đoạt là tài liệu thuộc danh mục tài liệu mật theo quy định pháp luật. Việc lấy tài liệu này ra khỏi hồ sơ, cơ quan nhà nước là hành vi với lỗi cố ý có thể vì động cơ mục đích cá nhân.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội là rất quan trọng. Điều tra động cơ, mục đích phạm tội có thể chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Tại sao các đối tượng lại phải bất chấp quy định pháp luật, liều mình để chiếm đoạt tài liệu mật này, việc. Chiếm đoạt tài liệu mật này nhằm phục vụ cho mục đích gì, có phải là một thủ đoạn để che giấu tội phạm hay không.?” – luật sư Cường đặt câu hỏi và cho biết, ông hi vọng phiên tòa tới đây sẽ làm sáng tỏ nhiều tình tiết của vụ án, làm rõ động cơ mục đích phạm tội của các bị cáo. Trên cơ sở đó kết luận các bị cáo có những sai phạm khác trong những vụ việc khác hay không.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Nguồn: VTV TSTC

Tâm Đức