Ông Nguyễn Đức Chung và chiếc phong bì 'quà tặng' chứa 10.000 USD

Google News

Ngoài việc chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, CQĐT còn phát hiện việc ông Nguyễn Đức Chung đưa 10.000 USD cho bị can Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Công an).

Theo kết luận điều tra, quá trình điều tra vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị xác định là chủ mưu, cầm đầu, CQĐT còn phát hiện việc ông Chung đưa 10.000 USD cho bị can Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Công an).

Vụ việc xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2020 (ngày 22/1/2020), tại khu vực đường Giải Phóng, Hà Nội.

Ong Nguyen Duc Chung va chiec phong bi 'qua tang' chua 10.000 USD

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung (cựu chuyên viên Phòng thư ký biên tập, UBND TP Hà Nội), ông Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Công an) đã nhận của ông Nguyễn Đức Chung 1 phong bì, bên trong có 10.000 USD.

Ông Dũng đã thông qua gia đình nộp lại CQĐT số tiền này.

Ngày 10/7, ông Dũng ra tự thú, báo cáo sai phạm của bản thân với Cục Cảnh sát kinh tế.

Ngoài việc khai báo về hành vi chiếm đoạt các tài liệu, ông Dũng còn khai nhận, tối ngày 30/6, bị can đột nhập vào phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế, ở 47 Phạm Văn Đồng để tìm tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường.

Lúc đó, vì không tìm thấy tài liệu bản rời, thấy thùng caton trong phòng, ông Dũng đã bê về vì nghĩ đó là thùng tài liệu, giấy tờ thu được của Công ty Nhật Cường.

Hôm sau mở ra mới biết bên trong có chứa điện thoại di động, không phải giấy tờ.

Kết quả điều tra đến nay chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc ông Dũng được ông Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD và hành vi chiếm đoạt 16 điện thoại của ông Dũng. CQĐT đã tách 2 hành vi nêu trên để xem xét xử lý sau.

Đối với các cán bộ, chiến sỹ thuộc Cục Cảnh sát kinh tế, kết quả điều tra cho thấy, không có căn cứ xác định họ liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường của ông Phạm Quang Dũng.

Tuy nhiên, việc quản lý tài liệu bí mật nhà nước, việc quản lý chìa khóa phòng làm việc của cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát kinh tế còn bất cập, sơ hở nên đã để xảy ra việc bị can Dũng chiếm đoạt được tài liệu.

CQĐT sẽ có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát kinh tế kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý tài liệu bí mật Nhà nước, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.

Theo kết luận điều tra, vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Hà Nội có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Các bị can là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.

Do đó, có thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi- triệt để, lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che dấu tội phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án.

Theo T.Nhung/Vietnamnet