Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả tựa rằng: “Vạn phái nguồn gốc sâu xa như biển lớn chảy mãi. Tiên vương ân nghĩa đắp bồi vạn thế, đức trạch cao dày khắp chốn, sự lành còn đó muôn năm, đất nước yên bình, quốc gia thịnh vượng sao! Nên Ta tuân theo Trời, nối tiếp đức lớn, ngưỡng tổ tông tích đức qua các đời, sáng lòng nhân, yên trời đất núi sông khắp chốn vậy. Ấy là gây dựng nước Nam Việt ta cơ đồ bao la, công nghiệp đế vương to lớn”.
|
Hùng Vương miếu ở Vân Luông, Việt Trì, Phú Thọ.
|
“Trời theo cùng, người quy về, các chư hầu cùng phục, lập thứ tự trăm quan trong triều đình, yên định vạn dân, xưng tên nước, đặt trăm quan, chia trăm họ, phân các quan lập các xứ, dựng nước xây thành, vững mạnh 15 bộ giữ mỗi phương phân định, thiết lập các chức vị, phủ huyện, xã, châu, trang, động, sách”.
Như đã thưa chuyện cùng quý vị độc giả trong số báo trước, từ cuốn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, cùng với sư thầy Tâm Hiệp chúng ta bước đầu đã vén được một màn sương mờ của lịch sử nguồn cội. Tôi nhớ lại buổi lễ dâng sách lên các vua Hùng tại đền Vân Luông, Phú Thọ, khi đoàn chúng tôi vừa mới bước vào chính điện của ngôi đền thì bát hương vòng trên ban chính bỗng cháy sáng bừng lên như hóa. Thật là một sự cảm ứng nhiệm màu với tâm thành của những người con trước tiên tổ ngàn đời.
1. Tiếp tục đặt câu hỏi với sư thầy Tâm Hiệp, tôi bày tỏ băn khoăn, liệu thời Hùng Vương, người Việt đã có họ chưa? Dòng họ mà tôi đang mang từ cha tôi, ông tôi, liệu bắt đầu có từ bao giờ?
Thầy Tâm Hiệp chia sẻ, chúng ta là sự tiếp nối của nguồn cội ngàn đời. Dòng huyết quản chảy trong mỗi người con Việt hôm nay vẫn là dòng máu của những người con cùng chung một bọc đồng bào, của cùng một họ tộc. Đó là họ Hùng. Ngày nay, không có mấy ai mang họ Hùng nhưng thực ra tất cả người Việt đều là người họ Hùng. Họ Hùng là họ của cả đại tộc Việt, chứ không phải chỉ của một dòng họ. Vị vua Họ Hùng đầu tiên là Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là Đế Minh, người đã khởi đầu sử Việt. Đây cũng là vị vua mà đền Hùng thờ với bài vị là Đột Ngột Cao Sơn, như đã trao đổi trong bài trước.
Còn việc lấy tên họ xưng theo dòng cha là hình thức của chế độ phụ đạo, cha truyền con nối. Chế độ này khởi đầu dưới thời cha Lạc Long Quân, vị “cha tổ” của người Việt cách đây 4.000 năm lịch sử. Tuy nhiên, phải tới thời kỳ vua Hùng sau đó, việc đặt ra trăm họ mới được chính thức bắt đầu.
Thầy Tâm Hiệp cho biết, rất nhiều vấn đề về quá khứ dân tộc, đã có ngay trong cuốn sách trời Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Nếu đọc Ngọc phả với sự cẩn trọng suy nghĩ cho từng câu chữ, chúng ta sẽ có được những câu trả lời đầy đủ. Phần Nam Việt Hùng Thị sử ký trong sách có ghi về vị con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ như sau:
“Thái tử là Hùng Quốc Vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn... Bấy giờ, vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương...
|
Hùng Vương và những người con trai - tranh sứ bảo tàng đền Hùng. |
Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ. Đất đai 15 bộ này được xác định cương giới, định người trưởng quân gọi là Bô (bố), cha gọi là Trá (cha), con trai gọi là Côn (con). Nam nữ đều xem theo dòng cha mà xưng. Hậu thế đổi thành quan lang, phiên thần, thổ tù, phụ đạo. Cháu chắt của các công thần khai quốc được cha truyền con nối, vạn đời nối giữ Nam Bang”.
Hùng Quốc Vương khi lên ngôi lập nước Văn Lang đã phân chia đất đai cho những người em và các công thần, “định làm trăm vương”. Các vị trưởng quân này lại được “đổi làm trăm họ”. Quyền cai quản các khu đất phong được “cha truyền con nối”. Con cháu nam nữ “theo dòng cha mà xưng”. Như vậy, chế độ phụ đạo cùng với trăm họ bách tính của người Việt được khởi đầu dưới thời kỳ này. Các họ ban đầu thường lấy theo tên của vị thủ lĩnh vùng đất phong hoặc lấy theo tên của vùng đất phong đó.
2. Đó là những thông tin về dòng họ người Việt theo những ghi chép trong Ngọc phả Hùng Vương. Tôi miên man nghĩ, liệu ở thời nay còn có thể lần tìm được các dấu chỉ gì để minh chứng cho lời phả về sự xuất hiện các dòng họ trong buổi đầu dựng nước hay không?
Như hiểu được những băn khoăn trong tôi, thầy Tâm Hiệp thong thả chia sẻ: Từ năm 2014, thầy có duyên lành đặt chân đến vùng đất Đan Nê ở huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nơi đây có một ngôi đền rất cổ, thờ thần Trống Đồng. Vùng đất quanh sông Mã và sông Chu này cũng là nơi người ta tìm thấy nhiều dấu tích khảo cổ từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn trước Công nguyên. Dưới thời vua Quang Trung, ở đây đã tìm được một chiếc trống đồng cỡ lớn. Trống sau đó đã được hiến cho đền và sự việc còn được ghi lại trên bia trong đền”.
|
Chính điện đền Đồng Cổ ở Đan Nê, Thanh Hóa. |
Bước chân vào tìm hiểu ngôi đền, thầy Hiệp đã ấn tượng bởi câu chuyện về lời thề trung hiếu đặc biệt của các bậc vua quan xưa trước thần Trống Đồng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Đi sâu hơn nữa, theo thần tích của đền, vị thần Trống Đồng là người đã giúp vua Hùng Quốc Vương đánh giặc Hồ Tôn. Cũng ở đây còn lưu được một vế đối đặc biệt về việc 3 dòng họ Trịnh, Lưu, Hà đã kiến lập đất đai dưới thời Hùng Vương:
Vật lưu Bách Việt tổ
Kiến ấp Trịnh Lưu Hà.
Người được coi là “Bách Việt tổ” theo Ngọc phả Hùng Vương chính là vua Hùng Quốc Vương. Di vật của thời kỳ này là những chiếc trống đồng to lớn, tinh xảo, minh chứng rõ ràng nhất cho một thời kỳ huy hoàng của dân tộc Việt trên khắp nẻo Đông Nam Á. Dấu vết về sự xuất hiện các dòng họ Việt và di vật văn hóa ở đền Đồng Cổ hoàn toàn khớp với những gì đã ghi trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ở Phú Thọ.
3. Những ghi chép lưu truyền ngàn đời trong Ngọc phả Hùng Vương cùng với những di tích còn lại ở nhiều nơi trên đất Việt là những bằng chứng xác thực về sự xuất hiện các dòng họ người Việt từ rất sớm, vào thời kỳ mở đầu nước Văn Lang của các vua Hùng, cách nay quãng 3.000 năm. Đây là thời kỳ mà xã hội Việt bước vào chế độ phong kiến phân quyền, khi mà mỗi công thần hay hoàng thân quốc thích được phân đất kiến lập một khu “thực ấp”, hay còn được gọi là một nước chư hầu. Con cháu của các vị công thần lập quốc này được thừa hưởng chức vị và quyền lực từ cha ông, hình thành các dòng họ phụ đạo lưu truyền.
Di sản của mỗi dòng họ do đó không chỉ ở tên gọi của họ, mà còn là quyền lực trong xã hội và tư liệu sản xuất cơ bản xưa là đất đai. Những dòng họ lớn là những dòng họ của những đại công thần thời dựng nước. Việc tìm về cội nguồn các dòng họ cũng là nhìn nhận lại cho đúng công lao của các bậc tiền nhân với dân tộc, với quốc gia.
Thay cho lời tạm kết về các dòng họ thời Hùng Vương, xin chép lại đôi dòng câu đối ở đình Bảo Đà, một nơi thờ các vua Hùng ở Việt Trì, Phú Thọ, nguyện sẽ tiếp nối bước tiền nhân, để con cháu được mở mang, núi sông muôn đời bền vững:
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.
Dịch:
Mấy ngàn năm giúp đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: 7 Dòng Họ Đông Nhất Việt Nam Đi Đâu Cũng Gặp
Theo Minh Thi/Lao Động