Từ khi còn nhỏ, việc mỗi dịp đầu năm được nhận lì xì và những lời chúc sức khỏe, may mắn, bình an đã trở thành việc hết sức quen thuộc với mỗi con người Việt Nam.
Tôi cứ vô tư như thế mà không suy nghĩ cho đến ngày tôi chứng kiến con gái tôi có những cư xử không còn trong sáng.
Đó là một lần, con tôi lấy tấm thiệp cũ mà tôi được tặng, rồi hỏi tôi rằng: “Mẹ ơi, mẹ cho con tiền đi”. Tôi hỏi lại: “Con lấy tiền làm gì? – Con bé liền bảo: “Con bỏ vào thiệp để tặng cô giáo”.
|
Ảnh minh họa |
Tôi thảng thốt giật mình “sao con tôi lại hành động như thế được?”. Một đứa trẻ mới 5 tuổi đã có những hành động của người lớn. Tôi đã quá chủ quan rồi.
Và đặc biệt hơn, mỗi dịp Tết đến Xuân sang, chồng tôi đều đưa con gái tôi đi theo để chúc Tết, rồi khi về hỏi xem được bao nhiêu tiền trong lì xì? Bất kể là trời mưa phùn hay gió rét, chồng tôi đều đưa con đi như thế.
Năm nay tôi đã không cho anh ấy đưa con đi, và thế là vợ chồng tôi cãi nhau. Trận cãi nhau đã khiến vợ chồng tôi không còn muốn nói chuyện với nhau nữa.
Trong việc dạy dỗ con cái, tôi luôn tâm niệm là trẻ con cần phải giữ được tâm hồn và suy nghĩ ngây thơ, trong sáng. Tôi không muốn con tôi bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu và cách cư xử quá tính toán của người lớn.
Có lẽ cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về cách cho và nhận phong bì cũng như cho và nhận lì xì đầu năm Tết đến…
Lì xì ngày tết là tục lệ tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đáng được duy trì. Tuy nhiên ngày nay đã có những “biến tướng” trong nếp nghĩ, cách làm từ người lớn đến trẻ em, dẫn đến tục lệ này mất đi ý nghĩa nhân văn cần được chấn chỉnh, để nỗi lo lì xì ngày tết sẽ không còn.
Là cha mẹ, cần định hướng cho con những suy nghĩ và lối sống lành mạnh, đúng bản sắc dân tộc, đó cũng sẽ là nền tảng để một đứa trẻ lớn lên có đủ tâm, đức và lòng yêu thương, sự nhân ái…
Độc giả Lê Băng (Quảng Ninh)
Bảo Anh