Lì xì đầu năm là nét đẹp, truyền thống văn hóa của người Việt. Dù được sử dụng trong nhiều dịp như cưới hỏi, khai trương nhưng phổ biến nhất vẫn là dịp tết. Người lớn lì xì trẻ nhỏ, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Đáng tiếc, truyền thống ấy dần bị biến tướng theo sự phát triển của xã hội, kéo theo đó không ít chuyện… ngán ngẩm.
Ngày mùng một tết nguyên đán, tôi có đến nhà họ hàng chúc tết đầu năm. Theo phong tục, trước khi đi hai vợ chồng đã chuẩn bị phong bao bắt mắt để lì xì trẻ nhỏ nhanh lớn, học giỏi, chăm ngoan. Một năm kinh tế buồn do dịch bệnh COVID-19 khiến vợ chồng tôi không dư dả.
|
Lì xì tết đã biến tướng khi người lớn toan tính. |
Tuy nhiên, để trẻ nhỏ trọn niềm vui, vợ chồng tôi đã dành trọn cả thu nhập cuối năm gồm lương, thưởng để cho vào phong bao lì xì. Con cháu ruột thịt phong bao 500.000 đồng, các cháu họ ít nhất cũng 50.000 đồng.
Một đứa trẻ bóc ngay phong bao lì xì khi vừa được nhận và tỏ vẻ không mấy hài lòng: “Có 50.000 đồng thôi ạ” rồi cháu bé nói thêm: “chú A. mừng tuổi còn được 200.000 đồng, bác B mừng hẳn 500.000 đồng”. Một cháu khác, nhận xong chìa tay thêm “Còn hai em cháu nữa, không có mặt ở đây”. Đáng buồn hơn, những đứa trẻ nhận lì xì xong không ai cảm ơn người lớn. Thấy tôi ngượng ngùng sau khi nhận thái độ của những đứa trẻ, bố mẹ chúng cũng không lời nào giải thích cho con ứng xử đúng cách khi nhận lì xì.
Nhớ lại thủa xưa, khi chúng tôi còn nhỏ, tết năm nao cũng mong muốn được nhận lì xì. Hồi đó, nhận lì xì 500 đồng, 1.000 đồng nhưng đều rất vui vẻ. Bởi khi đó, bố mẹ đã dạy chúng tôi rằng: “Lì xì là tình cảm của người lớn, của họ hàng dành cho các con nên phải biết trân trọng và cảm ơn người đã lì xì cho mình”. Cũng lời bố mẹ dặn: “Khi các con lớn lên, trưởng thành và lập gia đình, dịp tết đến xuân về nhớ lì xì cho con nhỏ, ông bà, cha mẹ già. Bởi đó là hành động thể hiện tình cảm không thể thiếu trong dịp tết.
Tết xưa, tết nay vốn là phong tục tập quán truyền thống nhưng nhiều tục lệ đã đổi thay, thậm chí biến tướng như lì xì ngày tết kể trên.
Biến tướng của tục lì xì không phải lỗi của con trẻ. Bởi chúng chưa hiểu được đầy đủ giá trị cũng như ý nghĩa của phong tục này. Lỗi chính là của người lớn, trong đó có tôi.
Sự phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng cũng không đến mức túng thiếu như trước. Nên mỗi dịp tết đến xuân về, số tiền lì xì cũng tăng lên. Người ít thì vài chục nghìn, người khá giả thì vài trăm nghìn, người giàu có thì vài triệu/một phong bao. Và chính từ người lớn chúng ta đã làm nhận thức của con trẻ về phong tục lì xì trở lên méo mỏ. Thậm chí, với nhiều người lì xì không chỉ mang ý nghĩa thể hiện tình thân với trẻ nhỏ mà còn là sự “mua bán đổi trác” trong công việc của người lớn.
Bạn tôi kể tết năm nào khi đến nhà sếp, ngoài quà cáp cũng phải dắt vài phong bao lì xì chục triệu thậm chí hơn để được hanh thông trong công việc cả năm. Nhưng dù phong bao có lớn nhưng nhiều khi cũng phải muối mặt khi trẻ nhỏ thốt lên “ít thế”.
Một người họ hàng khác làm kinh doanh, dịp tết tiền lương thưởng của công nhân còn phải nợ lại nhưng không thể thiếu tiền quà cáp cho các mối quan hệ. Dịp tết cũng là dịp người này đến nhà các mối quan hệ chúc tết và không thể thiếu những phong bao lì xì vài chục triệu.
“Một năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, làm ăn thua lỗ, đến tết nỗi lo lương thưởng cho công nhân đè nặng lên vai. Dù cố xoay sở không muốn ai bị bỏ lại phía sau, không muốn gia đình họ túng quẫn do mình chậm lương nhưng không thể trả hết nên đành phải nợ. Nợ công nhân sau tết làm ăn bù rồi trả dần. Nhưng tết là dịp quan hệ, không thể không quà cáp, phong bao lì xì cho các mối quan hệ. Bởi nếu nhắm mắt làm ngơ, công việc làm ăn sẽ bị gây khó dễ. Tết biểu người ta rượu ngon, phong bì đẹp nhưng còn nhà mình thì lại túng quẫn. Nhưng biết phải làm sao bởi đó là tâm lý chung của các doanh nhân. Bề ngoài có thể hoành tráng, sang chảnh nhưng mấy ai biết rằng, không ít trong số đó có thể phá sản cận kề” – người này nói.
Sự biến tướng của lì xì không chỉ là nỗi lo của người lớn mỗi dịp tết đến mà còn là nguyên nhân khiến con nhỏ trở nên hư hỏng khi nhận số tiền lớn mà không hiểu giá trị của đồng tiền. Nhiều đứa trẻ mang tiền đi chơi game, thậm chí sa đà vào tệ nạn khi người lớn không quản tiền trẻ nhỏ. Nhưng nguy hiểm nhất là nhận thức về tiền bạc đối với trẻ nhỏ bị lệch lạc, lẽ ra từ nhỏ người lớn cần phải dạy chúng về giá trị của đồng tiền, giá trị của lao động để chúng hăng say học tập phấn đấu để trưởng thành, làm người có ích. Thay vì từ bé đã nổi lòng tham từ những phong bao lì xì to, nhỏ.
Làm sao lì xì con nhỏ tết mà chúng vẫn vui, người lớn không phải méo mặt để lo phong bao lì xì? Câu hỏi có vẻ dễ trả lời nhưng rất khó để thực hiện bởi “Nghĩ kiểu gì, xoay kiểu gì cũng khó”.
Giá như trong thời buổi kim tiền, chúng ta vẫn giữ được phong tục lì xì ngày tết một cách đẹp đẽ, nhiều ý nghĩa như xưa.
Giá như phong tục lì xì vẫn vẹn nguyên ý nghĩa khi những đồng tiền mệnh giá nhỏ được đựng trong phong bao đẹp đẽ mà trẻ đón nhận vẫn hồ hởi vui tươi.
Giá như phong tục lì xì trẻ nhỏ không nằm trong toan tính của người lớn.
Nhưng để những cái giá như đó trở lên phổ biến rất khó nếu cả xã hội không nhận thức đúng giá trị, ý nghĩa của tục lì xì.
Nếu như không làm được phong tục lì xì trở về tốt đẹp như tết xưa, thay bằng cố níu giữ, chúng ta nên loại bỏ phong tục này trong dịp tết?
>>> Mời độc giả xem thêm video Chuyện lì xì:
Tâm Đức