Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc với tình trạng nhiều đối tượng giả danh nhà sư để khất thực, xin tiền, bán hương, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí không ít nơi "mở lớp" đào tạo sư giả.
Trước thực trạng trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng có công văn gửi chính quyền các địa phương để ngăn chặn vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra phanh phui nhiều vụ sư giả lừa đảo, nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, lĩnh án tù…
Tuy nhiên đến nay, tình trạng trên vẫn xảy ra như một vấn nạn, gây bức xúc dư luận.
Tái diễn tình trạng giả sư, khất thực tại ngã tư Cát Lái, TP HCM
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng khẳng định, việc các nhà sư đi hành khất ở ngoài nơi thờ tự của mình là không đúng với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây, báo chí đã phản ánh tình trạng nhiều “nhà sư” mặc đồ tu hành, tay ôm bình bát đứng bất kể giờ giấc tại góc giao lộ cầu vượt Cát Lái (phường An Phú, quận 2, TP HCM).
Dân Trí đưa tin, giữa tháng 10/2019, phóng viên báo này đã phát hiện người phụ nữ (hơn 50 tuổi), khoác áo nhà tu đứng tại góc giao lộ nói trên. Nhiều người đi đường trong lúc dừng chờ đèn tín hiệu đã để tiền vào chiếc bình bát. Không ít người còn thành kính chắp 2 tay xá người mặc đồ nhà sư sau khi “cúng dường” vào chiếc bình.
Đáng chú ý, người phụ này trước đó vài tháng đã từng bị lực lượng chức năng phường An Phú mời về trụ sở để làm rõ hành vi giả người tu hành để trục lợi.
Sau đó, đối tượng đã viết cam kết không tái phạm. Cũng cần nói thêm rằng, người phụ nữ nói trên khá thân thiết với nhóm ”chăn dắt” trẻ em mà báo chí đã phản ánh.
Ngay khi phát hiện bị ghi hình, đối tượng đã vội lấy vạt áo che mặt và nhanh chóng lên chiếc xe máy giấu phía sau những chiếc ống cống công trình gần đó phóng đi.
|
Đối tượng giả sư tại giao lộ cầu vượt Cát Lái. Ảnh: Dân trí. |
Trước đó, vào tháng 3/2019, tại ngã tư Vũng Tàu (thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) xuất hiện một người phụ nữ vận áo cà sa màu vàng, tay cầm chiếc bình bát đứng xin tiền ngay cạnh trụ đèn giao thông. Nhiều người qua đường đã cho tiền vị “sư này” từ 5 nghìn đến 100 nghìn đồng.
Đến khoảng 18h mỗi ngày, khi chiếc bình bát đã khá nhiều tiền, “sư nữ” bước nhanh vào chỗ vắng dưới gốc cây thay quần áo rồi lên chiếc xe hai bánh giấu trong đó, rồi hòa vào đám đông theo hướng quốc lộ 51 đi Vũng Tàu.
Cũng trong thời gian này, tại đường Phan Trung (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) vào buổi sáng mỗi ngày có người đàn ông khoảng 40 tuổi mặc áo nhà chùa ôm chiếc bình bát màu bạc rảo bước trên đường “khất thực”.
Giả sư để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 6/6/2019, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Công an huyện Nam Đông đang tạm giữ Nguyễn Hữu Tính (33 tuổi, ngụ thị xã Gò Công, Tiền Giang) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, trước đó, ngày 17/4, Tính mặc trang phục đóng giả người tu hành đến nhà bà Nguyễn Thị Thủy (53 tuổi, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) bán hương và bùa bình an.
Trong cuộc trò chuyện, Tính biết chủ nhà vừa vay tiền để mua ôtô tải nên đã xin số điện thoại và nói rằng gia đình bà Thủy phải làm lễ cúng giải hạn, nếu không con trai bà này sẽ bị tai nạn.
Ngày 15/5, Tính đến nhà bà Thủy lập đàn cúng giải hạn. Trong lúc cúng, Tính yêu cầu bà Thủy bỏ số tiền 119 triệu đồng lên bàn lễ để cúng nhưng bà Thủy chỉ để vào 118 triệu đồng. Sau lễ cúng, Tính nói phải đem tiền về một ngôi chùa ở TP Huế làm lễ và sẽ trả lại sau.
|
Đối tượng Nguyễn Hữu Tính giả sư để lừa đảo chiếm đoạt 118 triệu tiền cúng giải hạn. |
Lấy được tiền, Tính bỏ trốn về Tiền Giang ngay sau đó. Không thấy Tính mang tiền trở lại, bà Thủy mới biết mình bị lừa và trình báo công an. Sau khi phối hợp công an các tỉnh phía Nam truy xét, Công an huyện Nam Đông đã bắt được Tính.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại TX. Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngày 3/12/2018, Công an TX. Phú Mỹ đã tạm giữ Nguyễn Duy Phong (31 tuổi) và Đỗ Văn Hiền (46 tuổi, cùng trú tại Gò Công, Tiền Giang) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tài liệu điều tra cho thấy, Phong và Hiền đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng giả nhà sự rồi đến nhà các hộ dân bán nhang dạo. Ngày 1/12, Phong đến nhà bà H. (49 tuổi, trú tại ấp Sông Vĩnh, phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ) bán nhang.
Sau khi được bà H. mua nhang, Phong nói với bà H. là gia đình bà bị vong âm theo, cần phải nhờ thầy về cúng để đuổi vong. Phong nói có quen biết thầy chùa, nếu bà đồng ý sẽ nhờ thầy đến cúng giúp.
Khi bà H. đồng ý, Phong về phòng trọ cùng Hiền lên kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tối cùng ngày, 2 đối tượng đóng vai thầy tu đến nhà bà H., trên đường đi, chúng ghé một cửa hiệu mua một cọc tiền âm phủ mệnh giá 500 ngàn đồng bỏ vào túi vải mang theo.
Khi gặp bà H., Hiền yêu cầu chủ nhà lấy một khoản tiền tương ứng với các con số 39, 49, 79 đưa cho Hiền cúng làm lễ, sau 3 ngày lấy số tiền trên để làm ăn thì sẽ gặp may mắn. Bà H. lấy 79 triệu đồng đưa cho Hiền. Nhận tiền từ chủ nhà, vị sư dỏm lấy giấy bọc số tiền trên lại rồi để vào một chiếc đĩa và lấy một miếng vải màu đỏ đậy kín.
Sau đó, Hiền yêu cầu bà H. ra ngoài đốt vàng mã. Lúc này, Hiền lấy toàn bộ 79 triệu đồng bỏ vào túi, và đánh tráo bằng tiền âm phủ. Khi bà H. vào, vị sư dỏm yêu cầu bà H. đem đĩa tiền cất vào tủ, đúng 3 ngày sau lấy ra. Khi mang tiền vào cất, chủ nhà nghi ngờ nên mở tấm vải ra xem thì phát hiện toàn bộ số tiền đã bị đánh tráo nên trình báo cơ quan công an.
Mới đây, anh T. một người dân quận Hà Đông, TP Hà Nội đã bắt gặp lại một đối tượng giả danh nhà sư hành khất xin tiền mà cách đây 2 năm đã lừa đảo anh T. với số tiền 50 triệu đồng.
Ngay khi gặp lại, anh T. đã vạch trần đối tượng này và đưa đến đồn công an tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội để giải quyết. Danh tính đối tượng là Phạm Duy Việt (trú tại Kiến Thuỵ, Hải Phòng) giả pháp danh nhà sư, dễ dàng lấy lòng tin của người đi đường. Mỗi ngày y kiếm được hơn 1 triệu đồng, đặc biệt có nạn nhân bị lừa đến hơn 50 triệu đồng.
Khai nhận với cơ quan công an, đối tượng Việt đã thừa nhận hành vi của mình và xác nhận không phải nhà sư thật, mục đích lừa gạt nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Quần áo được đối tượng mua tại cổng chùa Quán Sứ, Hà Nội, giấy xác nhận của giáo hội Phật giáo được đối tượng nhờ người làm giả.
Lĩnh án vì giả danh nhà sư, chiếm đoạt tài sản
Vào tháng 6/2019, TAND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tuyên án 3 đối tượng Nguyễn Văn Dứt; Nguyễn Hoài Nam và Huỳnh Thị Phương Duyên, đều thường trú tại Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang với tổng cộng 20 năm tù giam.
Ba đối tượng trên đã có hành vi giả làm nhà sư rồi dựng chuyện yểm vong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, 3 đối tượng đã đến tiệm cắt tóc Khoa Anh tại phường 8, TP Đà Lạt và tự xưng là người tu hành tại Chùa Đại Ninh, huyện Đức Trọng. Biết vợ của anh Khoa đang mang thai, các đối tượng nói vợ anh đang bị vong hồn theo và yêu cầu vợ chồng anh đưa 37 triệu để cúng giải hạn.
|
Nguyễn Văn Dứt và Nguyễn Hoài Nam và xấp tiền “Âm phủ” mà Dứt đã đánh tráo lấy tiền thật của vợ chồng anh Khoa. Ảnh: CAĐN. |
Sau khi lấy được tiền, Nam và Dứt thường xuyên liên lạc hỏi thăm công việc và hứa sẽ xin bề trên tài lộc để vợ chồng Khoa làm ăn khấm khá. Khi vợ chồng anh đồng ý, ngày 14/10/2018 Nam và Dứt mặc quần áo tu hành đến tiệm anh Khoa để cúng. 2 đối tượng yêu cầu Khoa đặt 199 triệu đồng lên bàn và dùng khăn đỏ gói lại rồi đặt lên mâm cúng, trong khi 2 vợ chồng Khoa vái lạy thì 2 đối tượng nhanh tay đánh tráo tiền âm phủ và dặn Khoa cất bọc tiền này vào tủ khóa lại, sau 1 tuần thì mới được mở ra. Ngày 22/10/2018 anh Khoa lấy tiền ra thì phát hiện đó là tiền âm phủ nên trình báo Công an TP Đà Lạt.
Trên đây chỉ là những vụ việc điển hình trong hàng loạt những vụ việc giả danh nhà sư để đi khất thực, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi giả mạo nhà sư đi khất thực với mục đích lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa đảo tiền bạc là vi phạm pháp luật.
Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ Luật Hình sự.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng, người dân cũng cần có sự hiểu biết phân biệt sư thật, sư giả, nâng cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo.
Tâm Đức