Những ngày vừa qua, sư giả lừa tiền xuất hiện thường xuyên trên các tuyến đường ở TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), dù trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đã ra thông báo: “Nghiêm cấm những người lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo đi khất thực quyên tiền trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng giêng”.
Tại chợ Thủ Dầu Một, khu chợ lâu năm và sầm uất nhất tỉnh này, sư giả vẫn tràn lan.
|
Một sư “hàng chợ” . |
Phóng viên ghi được hình ảnh một người mặc áo nhà chùa rồi choàng áo mưa vào quỳ giữa đường, chờ người qua đường rủ lòng thương.
Có lẽ các sư giả không biết trong văn bản, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Nghiêm cấm việc khất thực, bán nhang, bán lịch, quyên góp tiền với hình thức lợi dụng danh nghĩa, màu áo đạo Phật làm tổn thương đến danh dự đạo pháp. Tu sĩ nào muốn duy trì hạnh khất thực đúng chánh pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải được sự chấp thuận của Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương”.
|
Sư giả tràn lan khắp chợ Thủ những ngày cuối năm . |
Dù tình trạng sư giả xuất hiện đầy đường nhưng hầu như không có ban ngành nào kiểm tra, xử lý. Hàng ngày, trên những tuyến đường lớn của Bình Dương, sư giả vẫn ngang nhiên lừa hàng trăm người nhẹ dạ. Rất nhiều người đưa tiền cho các “sư” một cách cung kính.
Càng gần Tết, số sư giả càng nhiều. “Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Đội Phòng chống tội phạm Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, cho biết anh vừa phát hiện một sư giả.
|
Thản nhiên xin tiền ở giữa đường. |
Người này khai được một người bán móc khóa dạo tại bến xe Miền Đông bán cho bộ cà sa, một cái bình bát và giấy tờ giả chứng nhận tu sĩ với giá 800.000 đồng.
Sau khi có đồ hành nghề, "sư" này lên mạng trong 3 ngày để nghiên cứu và tập cách đi đứng của các tăng ni khất thực rồi hành nghề. Có ngày, chỉ đi khoảng 1 km nhưng y đã xin được 500.000 - 700.000 đồng. Sư giả này còn cho biết gần Tết, dễ kiếm ăn vì nhiều người thích làm việc thiện.
Theo Người lao động