Chọn địa điểm mang đậm tính nhân văn để treo cờ
Chiều 18/11, tại Trung tâm Báo chí TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM chủ trì buổi gặp gỡ giữa ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard với báo chí. Họ là 2 trong 3 người trong “Nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam trên đỉnh cao Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969”.
|
Bà Trần Tố Nga cùng các Giáo sư Olivier Parriaux, Giáo sư Bernard Bachelard (từ phải sang), ông Nguyễn Ngọc Hồi tại buổi gặp gỡ báo chí.
|
Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết, đây là dịp để những người làm báo trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ của nhóm người Thụy Sĩ dũng cảm tìm cách phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam cách đây hơn 55 năm.
Câu chuyện của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam (ngày 18/1/1969). Khi đó, Bernard Bachelard (26 tuổi, giáo viên thể dục), Noé Graff (24 tuổi, sinh viên Khoa Luật) và Olivier Parriaux (25 tuổi, sinh viên ngành Vật lý); họ là những thanh niên trẻ cùng quê Lausane thuộc bang Vaud (Thụy Sĩ) hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó tại Việt Nam.
Ông Olivier Parriaux, kể lại: khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Chúng tôi nhận ra việc tiến hành các cuộc đàm phán tại Paris (Pháp) sẽ là sự kiện dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với MTDTGP miền Nam Việt Nam, sau 9 năm thành lập. Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, chúng tôi quyết định chọn địa điểm cao, nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng và đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris.
“Sau khi mượn được xe ô tô, chúng tôi sang Pháp, đến trưa 18/1/1969 đến Nhà thờ Đức Bà Paris. Kế hoạch do tôi nghiên cứu và xây dựng, Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, còn anh Bernard Bachelard giữ vai trò chính cùng tôi leo lên đỉnh chóp tháp nhà thờ để treo lá cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam. Buổi trưa tôi cùng anh Bernard Bachelard trèo lên tháp chuông ẩn mình”, ông Olivier Parriaux nhớ lại.
Cho thế giới biết vị thế của MTDTGP miền Nam Việt Nam
Khi trời tối hẳn, ông Olivier Parriaux cùng ông Bernard Bachelard rời tháp chuông, tuột xuống mép mái nhà thờ rồi đi men theo mép mái hướng tới cột tháp.
“Mép mái nhà thờ có cao độ khác nhau, khoảng cách giữa 2 mép mái nhà có độ rộng khoảng 2,5-3m, độ cao từ mép mái xuống đất khoảng 36m, trong khi từ mép mái nhà này nhảy sang mép mái bên kia không có khoảng trống để lấy đà nhảy. Anh Bernard Bachelard nhảy đầu tiên, còn tôi sau một lúc chần chừ cũng nhảy tuy hơi yếu nhưng cũng thành công. Qua được mái bên kia, chúng tôi phải “bò” theo các bức tượng tông đồ (to khoảng 4m), dốc tới 60 độ, không có gì để bám. Phải mất khoảng 1 tiếng, chúng tôi vượt qua được các bức tượng tông đồ để trèo lên chóp tháp. Trong tháp có nhiều tầng, khi lên tầng 2 thì trong lòng tháp có 1 trụ gắn những thanh thép để bám vào trèo lên đỉnh. Càng lên cao trụ càng nhỏ, khi lên tới đỉnh chúng tôi buộc lá cờ ngay chóp tháp. Chúng tôi buộc cờ bằng dây thun và nối với một sợi dây trong tháp để treo. Khi treo xong thì lá cờ bung ra, ở dưới đất Noé Graff nhìn thấy cờ bung nên báo hiệu cho chúng tôi. Khi trèo xuống, chúng tôi dùng cưa để cưa các thanh sắt dùng để bám trèo lên (cưa một đoạn từ trên xuống khoảng 10m) nhằm làm cho người khác khó trèo lên gỡ cờ”, ông Olivier Parriaux kể lại.
|
Giáo sư Olivier Parriaux diễn tả quá trình treo lá cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris vào đêm 18/1/1969.
|
Về lý do tại sao ban đêm lại thấy lá cờ tung bay, ông Olivier Parriaux cho biết, ban đêm ở Paris chiếu đèn rực rỡ nên nhìn thấy. Sau khi hoàn thành việc treo cờ, cả 3 thanh niên lái xe về theo lối cũ, giữa đường đi bị cảnh sát chặn lại vì trong khu vực có nhiều cuộc biểu tình phản chiến. Do biển số xe ô tô của Thụy Sĩ nên sau đó cảnh sát cho đi tiếp, lúc 2 giờ sáng ngày 19/1/1969, cả nhóm đến tòa soạn nhật báo Le Monde để đưa thông cáo báo chí, rồi chạy về đến Thụy Sĩ vào lúc 14 giờ cùng ngày.
Giáo sư Olivier Parriaux diễn tả quá trình treo lá cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.
“Thời điểm đó chúng tôi xem tivi, biết được lúc 4 giờ sáng cùng ngày, một cảnh sát nhìn thấy lá cờ nửa xanh nửa đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng (cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam) đang bay phấp phới trên đỉnh chóp Nhà thờ Đức Bà Paris nên báo động. Khi họ trèo lên bên trong chóp tháp, không thể trèo lên cao hơn nữa vì những thanh sắt để bám vào đã bị chúng tôi cưa. Do quá nguy hiểm nên họ gọi lính cứu hỏa dùng máy bay trực thăng chở “người chuyên đóng thế” đu dây gỡ lá cờ. Phải đến lúc 15 giờ chiều 19/1/1969, lá cờ mới được gỡ xuống. Với khoảng thời gian cờ bay phấp phới từ sáng đến chiều, đã đủ để báo chí đăng tải cho cả thế giới biết đến sự kiện này”, ông Bernard Bachelard kể lại.
Mời nhóm treo cờ sang thăm Việt Nam nhằm tri ân
“Ngoài những nguy hiểm khi phải nhảy từ mép mái nhà để sang chóp tháp, cả 3 còn chực chờ mối nguy hiểm khác. Nếu bị cảnh sát bắt, anh Bernard Bachelard gặp rắc rối lớn vì đang làm việc trong nhà nước, còn tôi và Noé Graff không sợ, tuy nhiên với tất cả những nguy hiểm đó không làm cho chúng tôi lùi bước vì hòa bình cho Việt Nam”, ông Olivier Parriaux nhớ lại.
|
GS.TS Trịnh Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông cho biết, việc mời nhóm treo cờ sang thăm Việt Nam nhằm tri ân hành động quả cảm của họ. |
Về lá cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam, ông Bernard Bachelard chia sẻ, lá cờ này có chất liệu tơ lụa do vợ ông may bằng tay, có kích thước 17,5m2 (5m x 3,5m) nhằm mục đích lá cờ thật nhẹ, chỉ cần giật dây thun buộc, cờ sẽ bung ra. Sau sự kiện treo cờ trên đỉnh chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, ông Olivier Parriaux tiếp tục học rồi đi dạy tại nhiều trường đại học, sau này được nhà nước Pháp phong tặng danh hiệu Giáo sư ưu tú. Đối với ông Bernard Bachelard cũng trở thành Giáo sư dạy tại các đại học, ngoài ra gia đình ông còn mở công ty chuyên sản xuất thức ăn dành cho người khuyết tật. Riêng ông Noé Graff về với trang trại trồng nho của gia đình để sản xuất và tiếp tục tham gia nhiều phong trào cánh tả khác.
|
Giáo sư Olivier Parriaux, Giáo sư Bernard Bachelard chụp ảnh lưu niệm với phóng viên và lãnh đạo Trung tâm Báo chí TP HCM |
Có mặt tại buổi gặp gỡ, GS. TS Trịnh Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông chia sẻ, cuộc hòa đàm Paris bắt đầu từ tháng 5/1968, lúc đó chỉ có 2 bên là Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam). Đến ngày 18/1/1969 là phiên họp trù bị để chuẩn bị cho hội nghị chính thức diễn ra vào 25/1/1969, với 4 bên (Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, MTDTGP miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa). Việc mời những người treo cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam năm xưa sang thăm Việt Nam nhằm thể hiện lòng tri ân; đồng thời là dịp để thế hệ trẻ hiểu thêm sự kiện trước khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Ông Olivier Parriaux bộc bạch: “Đến nay vẫn còn nhiều bom đạn chưa nổ, vẫn tiếp tục giết người dân vô tội. Bên cạnh đó, chất độc màu da cam vẫn còn tàn phá thiên nhiên, con người Việt Nam. Chúng tôi đã đến thăm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM, nhìn thấy những người 30-40 tuổi bị dị tật bởi chất độc màu da cam, khiến chúng tôi phẫn nộ.
Sau khi 3 chúng tôi viết cuốn sách “Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame” (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà), được Nhà xuất bản FAVRE, Lausane (Thụy Sĩ) ấn hành, ra mắt tháng 1/2023, chúng tôi quyết định dấn thân vào một cuộc đấu tranh mới là gặp và đồng hành cùng bà Trần Tố Nga (người đang kiện những công ty sản xuất chất độc màu da cam) vận động các luật sư tự nguyện tham gia bảo vệ nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam".
Yến Thanh