Kỳ vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm nâng quan hệ song phương Việt Nam - Kazakhstan

Google News

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh kỳ vọng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Kazakhstan sẽ nâng quan hệ song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan lên tầm cao mới.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hoà Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến ngày 12/5/2025. Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã có cuộc trò chuyện với báo chí nhân sự kiện này.
Ky vong chuyen tham cua Tong Bi thu To Lam nang quan he song phuong Viet Nam - Kazakhstan
 Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, ngày 16/7/2024. Ảnh: TTX.
Thưa đại sứ Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, những thành tựu nào trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan thời gian gần đây có thể coi là quan trọng nhất và đâu là nền tảng cho những kết quả này?
Quan hệ Việt Nam-Kazakhstan đang chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tới Việt Nam vào năm 2023. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Kazakhstan của Tổng Bí thư Tô Lâm, một sự kiện mà tôi tin rằng sẽ tiếp tục nâng tầm quan hệ song phương.
Trong thời gian qua, có nhiều thành tựu quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh. Một trong những bước tiến thực chất nhất là việc Hiệp định miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu phổ thông chính thức có hiệu lực từ ngày 25/5/2024. Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho du lịch, giao thông vận tải và logistics. Bên cạnh đó, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, ký năm 2023, cũng đã có hiệu lực từ tháng 4/2025, thể hiện sự hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực pháp lý.
Sắp tới, dự kiến vào tháng 5/2025, hai nước sẽ chính thức nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Toàn diện. Đây là một dấu mốc vô cùng ý nghĩa, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 66 năm chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Kazakhstan (1959) và sau 33 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992). Chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm, được thống nhất từ đầu năm 2025, chính là sự kiện then chốt để hiện thực hóa bước nâng cấp quan hệ này.
Ky vong chuyen tham cua Tong Bi thu To Lam nang quan he song phuong Viet Nam - Kazakhstan-Hinh-2
 Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã có cuộc trò chuyện với báo chí nhân sự kiện chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tới  Kazakhstan. Ảnh: Mai Loan.
Quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chính phủ cũng ngày càng thực chất. Cơ chế hợp tác liên Chính phủ đã được nâng cấp từ cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng từ năm 2024, với cuộc họp đầu tiên do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Kazakhstan Arman Shakkaliyev đồng chủ trì vào tháng 5/2024. Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao cũng được duy trì đều đặn, gần đây nhất là vào tháng 3/2025 tại Astana.
Hợp tác cấp địa phương là một điểm sáng. Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã ký Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa với một tỉnh của Kazakhstan. Tháng 1 năm 2025, Đà Nẵng và thành phố Aktau cũng ký kết hợp tác hữu nghị. Các đoàn từ Khánh Hòa, TP HCM cũng đã tích cực sang thăm và làm việc tại Kazakhstan.
Đặc biệt ấn tượng là sự bùng nổ trong lĩnh vực vận tải hàng không. Nếu như năm 2022 chỉ có 2 chuyến bay/tuần, thì đến tháng 6/2024 đã tăng lên 4 chuyến. Chúng tôi kỳ vọng con số này sẽ đạt 42 chuyến/tuần vào tháng 6/2025. Hàng loạt đường bay mới đang và sẽ được mở: Vietjet Air bay thẳng từ Astana đến Phuket (từ tháng 12/2024) và sắp tới là Đà Nẵng (từ tháng 10/2025); VGTR và SCAD Airlines bay thẳng Đà Nẵng - Astana/Almaty (từ tháng 4/2025); Air Astana bay thẳng đến Đà Nẵng (từ tháng 6/2025). Các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác thường xuyên các đường bay đến Phú Quốc, Đà Nẵng và Almaty.
Hoạt động đầu tư cũng rất sôi động. Tập đoàn Sovico của Việt Nam không chỉ cùng một quỹ đầu tư Kazakhstan mua lại hãng hàng không Qazaq Air (tháng 12/2023) mà còn ký thỏa thuận hợp tác cảng hàng không và hợp tác với Tập đoàn dầu khí quốc gia Kazakhstan. Doanh nghiệp Kazakhstan cũng có nhiều dự án thành công tại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn tại Almaty. Thậm chí, Bộ Công Thương Kazakhstan và doanh nghiệp Việt Nam còn đang xúc tiến hợp tác xuất khẩu kỹ thuật quốc phòng.
Kết quả của những nỗ lực này thể hiện rõ qua con số gần 1 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương năm 2024 – mức cao kỷ lục. Lượng du khách Kazakhstan đến Việt Nam cũng đạt khoảng 450.000 lượt/năm, đứng thứ ba thế giới, và chắc chắn sẽ còn tăng. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, như chuyến thăm Kazakhstan của Phó Chủ tịch Quốc hội và Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2023, hay chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Phòng chống tham nhũng Kazakhstan vào tháng 2/2025.
Vậy đâu là nền tảng cho những thành tựu này? Theo tôi, trước hết đó là mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai dân tộc. Thứ hai, là tình cảm cá nhân tốt đẹp và sự tin cậy giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Thứ ba, là chính sách đối ngoại cởi mở, trách nhiệm và đa phương của cả hai nước trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Sau hơn ba thập kỷ vun đắp nền móng, quan hệ Việt Nam – Kazakhstan giờ đây đang bước vào một "giai đoạn vàng", sẵn sàng cho sự phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa.
Trong giai đoạn tới, định hướng hợp tác ưu tiên giữa hai nước là gì, và những vướng mắc nào cần được giải quyết để đạt mục tiêu đó, thưa ông?
Trong giai đoạn 2023–2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt gần 1 tỷ USD. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ nếu so sánh với mặt bằng chung tại khu vực Trung Á. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng, những kết quả hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Với tiềm năng sẵn có, tôi tin rằng chúng ta không thể dừng lại ở con số 1 tỷ đô la Mỹ. Tôi tin rằng đến năm 2029-2030, kim ngạch thương mại song phương có thể tăng gấp 2 đến 5 lần, đạt từ 2 đến 5 tỷ đô la Mỹ. Điều này sẽ phụ thuộc vào đối thoại giữa hai nước chúng ta.
Ky vong chuyen tham cua Tong Bi thu To Lam nang quan he song phuong Viet Nam - Kazakhstan-Hinh-3
 Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm chính thức Việt Nam năm 2023. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất khó khăn, không chỉ đối mặt với các thách thức kinh tế, chiến tranh thương mại toàn cầu, mà còn cả những biến cố thiên tai. Ví dụ như năm ngoái, cơn bão số 3 ở Việt Nam hay trận lũ lụt ở Kazakhstan đã tác động nghiêm trọng tới thương mại song phương.
Do đó, tôi cho rằng việc ký kết thỏa thuận nâng tầm quan hệ lên đối tác Toàn diện, cùng với gói văn kiện được ký kết nhân chuyến thăm này, sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước vượt qua khó khăn.
Trong tình hình này, tôi tự hỏi “Cần phải làm gì để vượt qua?”. Tôi cho rằng, nên nhìn lại những tư tưởng, lời dạy của những lãnh đạo tiền bối, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài của nhân loại. Những giá trị mà Người tạo ra, đã truyền cảm hứng, giúp nhiều quốc gia có thêm nghị lực đứng lên đấu tranh giành tự do, bảo vệ nền độc lập của mình. Việt Nam và Kazakhstan cần tận dụng những giai đoạn khó khăn này để thể hiện sức mạnh nội tại, tinh thần bền bỉ và quyết tâm vươn lên.
Theo tôi, người dân Việt Nam là một dân tộc kiên cường, không dễ bị đánh bại. Dù trong chiến tranh hay trong những thách thức kinh tế, họ vẫn luôn giành chiến thắng. Thời còn đi học, tôi rất yêu thích đọc sách của các tác giả Việt Nam, trong đó có nhà văn Tô Hoài. Những câu chuyện của ông đã giúp tôi cảm nhận rõ sự dũng cảm của người Việt, và điều đó càng khiến tôi mong muốn hai nước giữ được tình hữu nghị giữa hai dân tộc cùng nhau chinh phục những mục tiêu lớn lao.
Các lĩnh vực tiềm năng có thể mở rộng bao gồm logistics, giao thông vận tải, quốc phòng và du lịch.
Mỗi mùa du lịch, có tới 450.000 lượt khách Kazakhstan tới Việt Nam, đưa Kazakhstan trở thành thị trường nguồn khách du lịch lớn thứ ba tại các điểm đến như Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực vận tải, tôi đặc biệt quan tâm đến dự án đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai được xây dựng và hoàn thành trong 3 năm tới, có thể kết nối tiếp từ Lào Cai đến Côn Minh (Trung Quốc), Almaty (Kazakhstan), rồi đến cảng biển lớn nhất Kazakhstan – Aktau, sau đó nối tiếp đến Baku (Azerbaijan). Tuyến đường này từ Baku có thể kéo dài đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và từ đó kết nối với mạng lưới đường sắt khắp châu Âu.
Trong bối cảnh thế giới có thể tiếp tục đối mặt với các rào cản thuế quan, tuyến vận tải đường sắt này, còn gọi là hành lang giữa, đây sẽ là giải pháp vận chuyển chiến lược đầy tiềm năng cho Việt Nam.
Trước đây, sáng kiến này chưa khả thi. Tuy nhiên, với quá trình hiện đại hóa hệ thống đường sắt đang được triển khai, Việt Nam sẽ sớm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong vòng ba năm tới, mở đường cho khả năng hiện thực hóa ý tưởng trên.
Kazakhstan cũng sẵn sàng cấp diện tích đất từ 100–200 ha để Việt Nam xây dựng các trung tâm logistics phục vụ cho mở rộng việc trung chuyển hàng hóa, xuất khẩu các mặt hàng của mình sang châu Âu.
Về năng lượng, Kazakhstan đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Trên lãnh thổ Kazakhstan, từng có nhà máy điện hạt nhân từ thời Liên Xô, và hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với các đối tác như Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc để khởi động các dự án mới. Kazakhstan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân và rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang cân nhắc tái khởi động chương trình điện hạt nhân quốc gia.
Chúng tôi rất mong chờ việc hợp tác này và đây là một trong những nội dung quan trọng được trao đổi trong chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Kazakhstan sở hữu nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị quân sự từ thời Liên Xô cũ, với nhiều sản phẩm tương thích với các tiêu chuẩn mà Việt Nam từng sử dụng. Do đó, Kazakhstan hoàn toàn có thể cung cấp các thiết bị quốc phòng chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm này sẽ tạo điều kiện để lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước gặp gỡ, trao đổi và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chiến lược này.
Trong thời gian tới, những lĩnh vực nào mà thế mạnh của Việt Nam và Kazakhstan có thể bổ trợ cho nhau để cùng phát triển, thưa ông?
Với khí hậu ấm áp, bờ biển dài cùng ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn phát triển, Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách Kazakhstan chúng tôi. Ngược lại, Kazakhstan cũng có thế mạnh riêng với du lịch mùa đông, đặc biệt là các khu trượt tuyết nổi tiếng tại tỉnh Almaty, hứa hẹn mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách Việt Nam.
Bên cạnh du lịch, tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa hai nước là rất lớn. Chúng tôi tại Kazakhstan đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Gạo ST25 nổi tiếng của các bạn rất được ưa chuộng, thậm chí chúng tôi đã nhập giống lúa này về trồng tại địa phương. Trà và cà phê Việt Nam cũng có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường chúng tôi. Có một sự khác biệt thú vị giữa các thế hệ và vùng miền: thế hệ lớn tuổi chúng tôi thường uống trà, trong khi giới trẻ lại yêu thích cà phê; người dân miền Bắc Kazakhstan chuộng cả trà xanh và trà đen, còn miền Nam lại chủ yếu dùng trà xanh. Cá nhân tôi đã có dịp đến thăm các vùng trồng chè đặc sắc ở Lào Cai, Yên Bái và thực sự rất ấn tượng.
Về phía các bạn, chúng tôi biết rằng hoa quả nhiệt đới là thế mạnh. Còn về phần mình, Kazakhstan tự hào với giống táo Aport trứ danh từ Almaty. Loại táo này có độ hữu cơ (organic) cao, hương vị thơm ngon đặc trưng và kích thước rất lớn – có những quả nặng tới 2kg. Tôi tin rằng táo Aport có giá cả cạnh tranh hơn so với táo nhập khẩu từ New Zealand hay Australia mà Việt Nam đang nhập khẩu. Chúng tôi rất mong muốn đưa loại táo đặc sản này đến với người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, Kazakhstan cũng sẵn sàng cung cấp thịt và lúa mì với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý cho thị trường các bạn.
Để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn, một bước tiến quan trọng sắp tới là việc hai nước dự kiến nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Toàn diện. Trên cơ sở đó, các tỉnh thành của Việt Nam và Kazakhstan sẽ tăng cường thiết lập quan hệ kết nghĩa, ký kết các văn kiện hợp tác cụ thể trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, du lịch, thể thao, văn hóa. Thực tế, đã có những thỏa thuận được ký kết giữa các địa phương như Hưng Yên, Quảng Ninh với các tỉnh của chúng tôi. Các diễn đàn doanh nghiệp cũng đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 120 công ty từ cả hai phía, cho thấy sự quan tâm thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp.
Cá nhân tôi rất kỳ vọng vào việc tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước, bởi điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho cả du lịch và giao thương. Việc ký kết thỏa thuận kết nghĩa giữa thành phố Đà Nẵng năng động của Việt Nam và thành phố Aktau của chúng tôi là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu này. Tôi cũng được biết các hãng hàng không đang có kế hoạch và dự kiến sẽ công bố các đường bay mới, có thể trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao sắp tới của Tổng Bí thư.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện!
Mời quý độc giả xem video: Đại sứ Kazakhstan chia sẻ niềm tự hào, chúc mừng Việt Nam dịp lễ 30/4. Thực hiện: Mai Loan.

Mai Loan (thực hiện)