Học tập từ xa, giảng dạy online, đào tạo trực tuyến, khóa học/học liệu mở, lớp học ảo…là những khái niệm cùng đề cập đến phương thức giáo dục và đào tạo không yêu cầu người học phải hiện diện và tương tác trực tiếp với người dạy tại lớp học. Thay vào đó, các tài liệu, bài giảng, hay hướng dẫn của giảng viên được chuyển tới người học thông qua bưu điện hoặc các phần mềm công nghệ dựa trên nền tảng internet.
|
Ảnh minh họa |
Những hình thức gửi bài về nhà cho người học bắt đầu xuất hiện ở Mỹ từ khoảng năm 1828, và ở Anh là khoảng năm 1840. Những trường học đầu tiên chính thức áp dụng hình thức đào tạo từ xa theo cách hiểu hiện nay cũng xuất hiện ở Mỹ vào khoảng những năm 1870 và ở Anh vào đầu những năm 1890. Ở Việt Nam, các hình thức đào tạo từ xa cũng xuất hiện từ đầu những năm 1990 và đặc biệt phổ biến hơn từ sau những năm 2000, với sự phát triển của internet và thị trường giáo dục.
Gần đây, sự xuất hiện và phổ biến của internet, dữ liệu số hóa, và công nghệ phần mềm đã tạo cú hích mạnh mẽ cho hình thức giáo dục và đào tạo từ xa. Phạm vi áp dụng hình thức học tập này không bị bó hẹp trong trường học, mà có thể mở rộng ra với mọi lĩnh vực, không gặp trở ngại lớn về địa giới, không gian, hay thời gian.
Ưu điểm thấy rõ của giáo dục và đào tạo từ xa là tính linh hoạt, tiện lợi, và tiết kiệm chi phí, nhờ đó đáp ứng được nhu cầu học tập của số lượng lớn học viên trong cùng một thời điểm.
Bất cập giảng dạy online ở Việt Nam
Việc áp dụng đại trà hình thức giảng dạy trực tuyến ở Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội gần đây cũng bộc lộ những bất cập.
Dễ thấy nhất là nhu cầu trang thiết bị cho cả giảng viên và học viên. Đặc biệt, với bậc học phổ thông, sự bất bình đẳng xã hội lộ rõ hơn khi không phải thầy/cô và học sinh nào cũng có thể dễ dàng giải quyết vấn đề trang thiết bị. Tình trạng này bộc lộ rõ nhất với những trường học và gia đình ở các khu vực khó khăn, còn thiếu thốn về thiết bị, và không phải gia đình nào cũng có người thành thạo công nghệ.
|
Không phải thầy/cô và học sinh nào cũng có thể trang bị máy tính. Ảnh minh họa |
Giảng dạy online khiến người học, vốn cách xa nhau, phải tập trung vào màn hình của giảng viên, qua đó biến giảng viên thành trung tâm chứ không phải học viên. Thực tế này sẽ cản trở phương pháp giảng dạy tích cực trong khi lại khuyến khích sự thụ động của người học. Những khó khăn do tương tác gián tiếp dễ khiến buổi dạy học chuyển thành quá trình tương tác một chiều nhàm chán giữa cá nhân giảng viên với những người còn lại.
Bậc học càng thấp thì tình trạng “thày/cô cứ nói, học trò chỉ nghe và ghi chép” lại càng có cơ hội tái diễn. Tương tác gián tiếp khuyến khích sự ỉ lại người khác, trốn tránh vai trò cá nhân trong việc đóng góp vào buổi học. Nguy cơ này sẽ gia tăng nếu như môi trường xung quanh không được kiểm soát tốt. Do đặc trưng lứa tuổi, học sinh phổ thông có thể dễ dàng bị phân tán vào những việc khác, thậm chí bỏ màn hình đó cho thày/cô giáo tự nói và tự nghe.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, những yếu kém phổ biến của học sinh và sinh viên Việt Nam về tư duy và kỹ năng phản biện, thảo luận nhóm, trình bày ý kiến... cũng bộc lộ rõ hơn với giảng dạy online. Do không phải trực tiếp chịu áp lực từ giảng viên và bạn học, người học sẽ có thiên hướng giữ im lặng, và chỉ lên tiếng khi nào bị buộc phải nêu ý kiến. Tiến trình này gây tốn thời gian và làm giảm không khí tích cực của các buổi học.
Giảng dạy online cũng khiến các giảng viên gặp khó khăn khi muốn áp dụng các liệu pháp tâm lý để tạo cảm xúc, truyền cảm hứng, và sự hưng phấn với bài học. Bởi lẽ, những kỹ năng tâm lý này vốn đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và tập trung đông người. Còn khi bài giảng được truyền đạt gián tiếp với những cá nhân bị tách rời nhau thì hậu quả thường thấy là người giảng cứ nói nhưng họ sẽ không dám chắc người học có đang online để nghe hay không, cảm xúc và thái độ của họ thế nào để mà điều chỉnh.
Sự không tập trung tại không gian lớp học, sự tách rời giữa giảng viên và học viên, sự phân tán người học cũng tạo thuận lợi cho “thói tật xấu” nảy sinh. Chỉ cần sự đồng thuận với người học, giảng viên có thể cắt bớt giờ giảng và giảm thiểu những hoạt động đào tạo mà đáng ra họ phải thực hiện. Thực tế, sự cách trở và phân tán khiến những giảng viên tích cực nhất cũng đành bất lực, rất khó thực hiện những hoạt động đào tạo mà họ muốn.
Tương lai nào cho giảng dạy online?
Trải nghiệm giảng dạy online trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gợi ra những phương án điều chỉnh cần thiết.
Thứ nhất, học tập online không thể là phương pháp có thể áp dụng đại trà với mọi quy mô lớp học và đối tượng người học.
Thứ hai, để thành công, giảng dạy trực tuyến đòi hỏi sự tích cực và chủ động của cả người giảng và người học. Điều này đặt ra yêu cầu về quy mô lớp học nhỏ và người tham gia có ý thức tự giác cao độ. Do đó, sẽ phù hợp hơn nếu áp dụng đào tạo online với bậc học sau đại học, vốn ít học viên.
Để phòng chống Covid-19, những quy định giãn cách xã hội là khó tránh. Bởi thế, giảng dạy online vẫn sẽ là lựa chọn tất yếu để bảo đảm tiến độ chương trình học. Tuy nhiên, không nên vì thế mà coi đây là phương án duy nhất để áp dụng đại trà hình thức giảng dạy này.
TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Theo Vietnamnet