Giao thừa trên đỉnh chùa Yên Tử: Hơi thở của đất trời, vạn vật

Google News

Đêm giao thừa Tết Tân Sửu 2021, thời khắc đỉnh núi Yên Tử vắng lặng, tĩnh mịch, thiêng liêng như có thể nghe rõ hơi thở của đất trời, vạn vật. 

Yên Tử - ngọn núi cao nhất trên dãy núi Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có độ cao 1.068m, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo khi năm 1299, vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa, lên núi tu hành. Đêm Yên Tử tĩnh mịch, tiếng kinh cầu quốc thái dân an cùng nguồn sáng từ những ngôi chùa bé nhỏ dưới tán rừng rạo rực cùng thiên nhiên đón năm mới với trăm cây đâm chồi nảy lộc.
Trải qua hơn 7 thế kỷ, các phiến đá, mái chùa, am, tháp nơi đây vẫn lặng thầm kể câu chuyện về một vị vua nhân từ, hóa Phật, luôn chở che cho dân chúng. 
Chùa Hoa Yên còn gọi là chùa Cả – nằm tại độ cao 543m, trái tim của non thiêng Yên Tử thường tập trung đông phật tử nhất do gần với tuyến cáp treo. 3 sư thầy cùng các phật tử tất bật chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa.
5 điểm chùa chính trên, các trụ trì cũng cẩn thận kiểm tra lại mâm ngũ quả cùng chè, bánh, xôi, oản, hương trầm và nến thơm để chuẩn bị chu đáo nhất cho thời khắc giao thừa.
Giao thua tren dinh chua Yen Tu: Hoi tho cua dat troi, van vat
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Yên Tử thỉnh chuông tại chùa Đồng đêm giao thừa. Ảnh: Trà Vân/Thanh tra
Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trước đây, khi chuyển một ít lễ lên tam bảo ở khu vực Hoa Yên hay chùa Đồng là vô cùng khó khăn nhất là những vật liệu xây dựng. Nhờ có cáp treo, hay chuyển tải thì việc vận chuyển lễ và các đồ gia dụng vào dịp tết, lễ lớn thuận lợi hơn. Đặc biệt Thượng tọa, trưởng ban Trị sự Yên Tử đã chỉ đạo trang hoàng ánh sáng, điện để phục vụ phật tử đến chùa vào ban đêm và vào giờ phút giao thừa để cầu chúc cho năm mới được bình yên.”
23h30 phút, những hồi chuông thỉnh buông khắp đại ngàn Yên Tử. Đúng 0h, giờ khắc giao hòa giữa đất, trời và thiên nhiên, vạn vật lặng im, người người sát lại gần nhau, cùng chắp tay hướng về ngôi tam bảo và thực hiện nghi lễ cầu Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc.
Cao nhất, thiêng liêng nhất là ngôi chùa Đồng. Để đến được đây phải trải qua một quãng đường gập gềnh núi đá, qua bao gian nan, để rồi được đền đáp bởi không khí trong lành, mát lạnh, tươi mới.
Đại đức Thích Khai Nguyên, sư thầy có nhiều năm “trực tết” trên chùa Đồng của non thiêng Yên Tử cho biết, gần như năm nào thời tiết đón giao thừa tại đây cũng đặc biệt, lúc mưa dầm dề, lúc khô ráo nhưng luôn lạnh cắt da cắt thịt. Dù thời tiết như thế nào, tất cả các nghi lễ đều được các sư thầy thực hiện bằng chân tâm, hướng con người tới cội nguồn, tới giá trị chân thiện mỹ: “Dù chúng tôi có đi tu, đi theo Phật thì vẫn có cội nguồn, mình vẫn phải hướng tới tổ tiên, đến cha mẹ và nguồn gốc của mình. Ai may mắn thì còn song thân phụ mẫu, cũng có nhà sư bố mẹ đã khuất thì năm mới cũng cầu mong cha mẹ nơi suối vàng để về với Tây phương cực lạc. Đây là mong muốn rất chung của tất cả các tôn giáo, hướng con người tới chân thiện mỹ nhất là vào dịp giao thừa.”
Hành trình lên non thiêng Yên Tử kéo dài khoảng 6 cây số với hàng nghìn bậc đá cheo leo vốn rất thử thách lòng người khi trời sáng, nay còn mênh mông, vô định như “chốn huyền không” mà không phải ai cũng có đủ can đảm để trải nghiệm nhất là vào những giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Không rộn ràng tiếng trống lân, không có sự hào nhoáng của những ánh đèn lung linh cũng không có cảnh đông đúc, chen lấn xin lộc đầu năm, Yên Tử trang nghiêm, trầm mặc, lặng lẽ vun đắp cho tư tưởng “cư trần lạc đạo” của Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông.
7 thế kỷ đã qua, mỗi phiến đá rêu phong, mỗi mái chùa cổ kính nơi đây vẫn đang cùng thiên nhiên hùng vĩ đón giao thừa lặng lẽ, dệt lên những giai điệu mùa xuân. Để rồi bước vào 3 tháng hội, dòng người lại nô nức về Yên Tử để được chiêm ngưỡng mây vờn núi, được ngắm nhìn những đại lão mai vàng kiêu hãnh khoe sắc, để thỏa chí tang bồng của bậc chính nhân quân tử và để bắt đầu một năm mới với những điều tốt đẹp.
Non thiêng Yên Tử bốn mùa mây bay khói tỏa, bốn mùa trầm mặc và linh thiêng đón khách hành hương tìm về. Hành hương trên những con đường đá mòn, rợp mát bóng tùng, thông, trúc, mai, lắng nghe tiếng róc rách của những con suối nhỏ trong mát, hít thật sâu bầu không khí trong lành, du khách thập phương bỗng quên nỗi mệt nhọc của đường dốc cheo leo. Ấy là lúc khách trần lạc chốn bồng lai, mọi ưu phiền cũng chợt tan biến như lời câu hát “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử, vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự..."
>>>Mời quý độc xem thêm video: Trâu gốm sứ hút dàng dịp Tết Tân Sửu

Nguồn: THDT


Hiểu Lam