Giải bài toán miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT

Google News

"Miễn học phí là chủ trương nhân văn, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, cần lường trước những tình huống có thể phát sinh", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, một số học sinh THPT thuộc diện chính sách đã được miễn học phí tại các trường công lập; một số tỉnh, thành phố cũng có chính sách riêng về miễn học phí cho học sinh. Tuy nhiên, khi việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT trở thành một chính sách chung của cả quốc gia sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác và việc này nhận được sự đồng thuận của Nhân dân.
Để chính sách phát huy được hiệu quả, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần rà soát thật kỹ để lường trước một số bất cập có thể phát sinh, từ đó có giải pháp phù hợp.
Giai bai toan mien hoc phi cho hoc sinh tu mam non den THPT
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. 
Đơn cử như, tình trạng thiếu hệ thống các trường công lập, đặc biệt tại các đô thị lớn. Khi chưa miễn học phí cho học sinh các trường công lập, tỷ lệ "chọi" của học sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10) vào các trường công lập ở những thành phố lớn đã rất áp lực.
"Thực trạng này có thể căng thẳng hơn khi chính sách miễn học phí có hiệu lực, đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh rất khó để giành một suất vào trường công lập, các gia đình có điều kiện dễ dàng thuê gia sư dạy kèm con để nâng cao kiến thức phục vụ cho kỳ thi đầu vào thì các gia đình khó khăn lại không thể. Không vào được trường công lập để được miễn học phí, rất có thể con em những gia đình khó khăn sẽ phải học tại các trường ngoài công lập với học phí cao", đại biểu đoàn tỉnh Hải Dương nhìn nhận và cho rằng, để san sẻ áp lực cho các trường công lập vốn rất ít hiện nay, cần có chính sách ưu đãi cụ thể đối với các trường ngoài công lập để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao. Khi đó, sẽ thu hút được bộ phận các gia đình có điều kiện về kinh tế cho con em học tại các trường này, giảm áp lực cho các trường công lập.
"Tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là nỗ lực để xây dựng hệ thống các trường công lập đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt các trường công lập mầm non. Hiện nay, trường công lập mầm non vẫn thiếu quá nhiều, nhất là ở các đô thị tập trung đông dân cư, các vùng có khu công nghiệp, cụm công nghiệp", bà Nga bày tỏ quan điểm.
Thiên Tuấn