Dư luận gần đây có nhiều tranh luận về việc nhân viên cây xăng phải mở nắp bình xăng ô tô cho khách. Nguồn cơn xuất phát từ một đoạn video ghi lại tình huống đối thoại giữa một nữ khách hàng đi xe ô tô với nhân viên tại một trạm bán xăng dầu Petrolimex.
Đoạn video do nữ khách hàng ghi lại cho thấy, khách hàng ngồi trên xe ô tô và bày tỏ thắc mắc: "Cây xăng yêu cầu khách phải xuống tận nơi mở nắp thì mới được đổ xăng à?", nữ nhân viên đáp lại “đúng rồi em”.
Ngay sau đó nữ tài xế có phần gay gắt hơn: "Em đi đổ xăng chưa ở đâu bắt khách tự xuống mở nắp cả, toàn nhân viên tự biết mở nắp bình xăng". Lúc này, nữ nhân viên cây xăng đáp lại: "Nếu chị nhờ thì nhân viên vẫn thoải mái giúp". Tuy nhiên, nữ khách hàng tỏ ra không hài lòng: "Em không phải nhờ! Khách hàng mất tiền mua xăng, sao phải nhờ hả chị?"
 |
Hình ảnh cắt từ video ghi lại sự việc. |
Theo dõi đoạn video ghi lại sự việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tỏ ra không hài lòng về cách ứng xử của nữ khách hàng.
Theo Luật sư Cường, kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Điều kiện ở đây chủ yếu là đảm bảo an ninh năng lượng, phòng chống cháy nổ. Còn các giao dịch mua bán xăng dầu được thực hiện theo quy định chung, pháp luật hiện nay cũng không quy định cụ thể về việc bơm xăng vào bình như thế nào. Lại càng không có quy định chi tiết đến mức ai phải mở bình xăng ra khi đổ xăng. Bởi vậy, giải thích về ứng xử của nhân viên cây xăng có thể không có gì sai.
Việc mở nắp bình xăng được thực hiện trên cơ sở thao tác trong xe ô tô và vặn trực tiếp ở bình xăng. Thông thường, người mua xăng sẽ dừng xe, xuống xe mở bình xăng và lựa chọn loại xăng dầu phù hợp với nhu cầu của mình.
Đối với các quốc gia phát triển, việc mua bán xăng được thực hiện tự động, người điều khiển phương tiện giao thông còn phải tự mình bơm xăng và tự trả tiền. Ở Việt Nam, thông thường tài xế cũng sẽ mở bình xăng và thông báo về nhu cầu mua, về loại xăng để nhân viên cây xăng cắm vòi vào bình xăng bơm theo nhu cầu.
Một số cây xăng, nhân viên bán xăng nhanh nhẹn có thể tự mở bình xăng cho khách sau khi khách đã nhấn nút, bật công tắc trong xe để mở. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu hai bên tôn trọng lẫn nhau, thao tác nhanh để tránh ùn tắc và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông chỉ bật nút ở trong xe ô tô mà không xuống mở nắp bình xăng, không nói rõ loại xăng dầu muốn mua có thể bị đổ nhầm loại xăng dầu vào xe của mình hoặc có thể không quan sát được lượng xăng dầu đã bơm vào xe để tính tiền.
Bởi vậy, mở nắp bình xăng không chỉ là nghĩa vụ của người mua xăng mà còn đảm bảo an toàn và quyền lợi của bản thân mình.
Việc chậm thao tác mở bình xăng cũng có thể gây ra ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động của nhân viên cây xăng và gây ức chế cho những người đã chờ đợi. Trong clip nêu trên, rõ ràng ứng xử của nữ khách hàng là chưa phù hợp, có phần hách dịch, áp đặt trách nhiệm cho nhân viên cây xăng.
Ngoài ra, nếu nhân viên cây xăng chủ động mở bình xăng của khách để đổ xăng mà khách không xuống xe cũng có thể xảy ra trường hợp khách cứ thế điều khiển xe đi sẽ gây nguy hiểm cháy nổ và có thể không thu được tiền…Đó là lý do khiến nhiều cây xăng không quy định về việc nhân viên phải mở nắp bình xăng cho khách. Thậm chí, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nhiều cây xăng còn quy định là khách hàng phải tắt máy, xuống xe khi đổ xăng để đảm bảo an toàn.
Sự việc này là bài học cho nhiều người khi tham gia giao thông và hoạt động kinh doanh cây xăng. Để tránh những va chạm mâu thuẫn không đáng có giữa nhân viên cây xăng và khách hàng, mỗi bên đều phải có văn hóa ứng xử phù hợp, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, cùng phối hợp để việc mua bán được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, đúng nhu cầu và thể hiện sự văn minh trong văn hóa giao tiếp, ứng xử.
>>> Clip nhân viên cây xăng phải tự mở nắp bình xăng gây tranh cãi
Hải Ninh