ĐBQH Hoàng Văn Cường: Ngành giáo dục ở ta “làm dâu trăm triệu họ”

Google News

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, đổi mới giáo dục không chỉ ở phía người dạy hay người học mà cần ở cả nhận thức, hành động của toàn xã hội.

Đổi mới giáo dục phải ở cả nhận thức của xã hội
Có thể thấy, những vấn đề liên quan đến giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là một áp lực khi thực hiện đổi mới giáo dục. Ông nhìn nhận thế nào, đưa đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường?
DBQH Hoang Van Cuong: Nganh giao duc o ta “lam dau tram trieu ho”
 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Giáo dục không chỉ tác động tới đối tượng người học. Một người đi học có rất nhiều người quan tâm liên quan, từ ông bà, bố mẹ, anh chị em... Chính vì vậy, bất kể hoạt động giáo dục nào, cũng không chỉ đáp ứng riêng người học, mà phải đáp ứng nhu cầu nói chung của cả xã hội. Mà nhu cầu của xã hội thì rất đa dạng, mỗi người khác nhau.
Hiện nay, giáo dục đang hướng tới đổi mới về tư duy. Nếu ngày xưa, giáo dục thường dạy theo sách giáo khoa, sách giáo khoa được coi như kinh điển, kinh thánh, phải học thuộc từng từ, từng chữ và nói theo sách giáo khoa, thì ngày nay giáo dục là khai phá. Giáo dục phải tạo ra tư duy mới, người học tự nhận thức và tự hình thành nên tri thức của mình.
Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đưa ra chủ trương đổi mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Có thể hiểu, chương trình là chuẩn, thống nhất, đưa ra mục tiêu, yêu cầu về kiến thức, còn để đạt được điều đó thì mỗi bộ sách có thể dẫn dắt theo những cách khác nhau, sách giáo khoa không còn là duy nhất, “kinh thánh” nữa. Đây là một chủ trương đúng, theo xu hướng thế giới, nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Như vậy, đổi mới giáo dục không chỉ ở phía người dạy, hay người học mà cả nhận thức, hành động của toàn xã hội trong việc nhìn vào mục tiêu giáo dục, cùng đồng hành thay đổi. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được điều đó, thì mới có thể đi đến đích.
Vừa qua, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo số liệu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất với 72/479 phiếu. Có ý kiến cho rằng, khi sự quan tâm càng lớn, thì kỳ vọng càng cao, nhưng cũng có nhiều người bày tỏ sự thất vọng, chán nản. Ông có suy nghĩ gì?
Chúng ta đang nói tới giai đoạn chuyển đổi, từ tư duy dập khuôn kiểu học theo sách, sang giai đoạn giáo dục khai phóng, cởi mở. Sự thay đổi này không phải ngày một ngày hai có được, mà có thể rất dài. Trong quá trình này, có thể có những điểm mà người dân, xã hội chưa thực sự đồng tình, am hiểu, nhưng ngành giáo dục thì phải kiên định, không phải vì thế mà thay đổi định hướng đang đi, dễ dẫn tới việc “đẽo cày giữa đường”.
Việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, tôi thấy đó cũng là bình thường. Người ta thường ví, làm giáo dục như làm dâu trăm họ, nhưng ở Việt Nam, có thể là làm dâu gần “trăm triệu họ”, bởi gần trăm triệu người đều quan tâm tới giáo dục. Điều đáng nói, không phải cả trăm triệu người đều hiểu được con đường giáo dục đang đổi mới hiện nay. Tôi cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để mọi người cùng hiểu và đồng hành.
Mong cả xã hội đồng hành cùng giáo dục
Là người gắn bó với giáo dục nhiều năm, ông thấy đâu là áp lực và khó khăn lớn nhất?
Giáo dục đòi hỏi những khác biệt so với những ngành khác. Giáo dục không đơn thuần về mặt kỹ thuật, cứ lên lớp là giảng đúng bài, đúng tài liệu nói đúng nội dung mà đòi hỏi vừa chuyển tải kiến thức, vừa phải làm sao đề người học, xã hội thấy rằng sự thay đổi đó mang lại giá trị cho bản thân họ, và phải phù hợp với mỗi đối tượng khác nhau. Bởi không phải người học nào cũng giống người học nào và cha mẹ nào cũng giống nhau. Giáo dục phải làm thế nào để tất cả các đối tượng người học và toàn xã hội đều có thể hiểu, đồng hành được, tôi cho rằng, đó là điều rất khó.
Để vượt qua khó khăn đó, với người làm giáo dục, tình yêu với nghề có ý nghĩa thế nào, thưa ông? Ông mong muốn điều gì?
Tôi cho rằng, nghề nào cũng vậy, đặc biệt là với nghề giáo, nếu không có tình yêu với nghề thì chắc chắn không làm tốt và và không thể thành công được. Khi có tình yêu với nghề, người giáo viên sẽ đem tất cả kiến thức, những tâm tư, tình cảm của mình truyền tải với người học. Họ cũng có thể vượt qua được tất cả những khó khăn điều tiếng, những ý kiến chưa đồng thuận, ủng hộ… để không bị nản chí, đi chệch đường. Khi có tình yêu với nghề, họ cũng sẽ có quyết tâm đi đến cùng để báo vệ những giá trị cốt lõi mà mình đang theo đuổi.
Đó là điều mà tất cả chúng ta mong muốn những người làm giáo dục hiện nay có được. Tuy nhiên, toàn xã hội cũng phải đồng hành để giúp giáo dục phát triển.
Trân trọng cảm ơn đại biểu! Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi tới ông và những người công tác trong ngành giáo dục lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Mời quý độc giả xem video ĐBQH Hoàng Văn Cường Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ về nghề giáo nhân ngày 20/11 bên hành lang Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan