Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Theo đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.Việc cải cách chính sách tiền lương được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm, đặc biệt là hàng triệu công chức, viên chức.
Lương mới giúp tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương là một chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, vì khó khăn, sự tác động của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và nhiều nguyên nhân khác nên phải hoãn lại, chưa làm được.
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Mai Loan. |
Hiện nay, Chính phủ đã chuẩn bị được khoảng 560 ngàn tỷ, đủ cho cải cách tiền lương được trong 2 năm, một nguồn lực đảm bảo khi cải cách tiền lương sẽ không bị ảnh hưởng tới các chính sách khác.
“Lẽ ra, chúng ta phải thực hiện nghị quyết 27 từ rất lâu rồi, mà hiện lại có đủ nguồn lực để thực hiện thì không có lý do gì không triển khai ngay”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại hiểu Hoàng Văn Cường nhận định, khi triển khai chính sách tiền lương mới sẽ sẽ tác động rất nhiều đến các lĩnh vực phát triển chứ không đơn giản chỉ là cải thiện đời sống của cán bộ viên chức. Vì tiền lương mới hướng vào trả lương theo vị trí việc làm và theo mức độ đóng góp, hiệu quả, công sức lao động của cán bộ, công chức…
Đó là cơ sở để chúng ta lan tỏa sang các khu vực khác. Các khu vực này sẽ dựa vào, từ việc cải cách tiền lương của Chính phủ mà cũng xây dựng mức trả lương cho người lao động tương xứng với vị trí của họ.
Như vậy, chúng ta sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển, không phải dựa vào chi phí tiền lương thấp mà phải dựa vào giá trị gia tăng cao, tương xứng với đóng góp của người lao động. Và đồng thời, khuyến khích lao động sáng tạo, tạo ra giá trị nhiều hơn. Mà mục tiêu của đất nước ta hiện nay là tăng năng suất lao động, tăng đóng góp của mỗi người trong quá trình làm việc để tạo ra giá trị nhiều hơn và được hưởng tiền lương nhiều hơn.
“Cho nên, tôi cho rằng, chính sách tiền lương này sẽ là một trong những động lực để thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng lao động sáng tạo, đổi mới để tạo ra giá trị gia tăng mới”, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá.
Sẽ loại bỏ những người không đủ năng lực, trình độ
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, cải cách tiền lương từ 1/7/2024 không phải là tăng lương, chẳng hạn trước kia trả 1 đồng thì giờ thêm bao nhiêu. Mà đây là chế độ tiền lương mới, trả theo vị trí việc làm.
Trả theo vị trí việc làm là cái để xác định, ở vị trí này thì anh làm việc gì, có đóng góp được bao nhiêu, gọi là kết quả công việc, hay là KPI. Và khi đóng góp như vậy thì anh mới xứng đáng với vị trí anh đang đảm nhiệm và được hưởng mức lương tương ứng.
Như vậy, chính sách tiền lương mới gắn với vị trí việc làm, KPI là phải thay đổi được cả về mặt tổ chức và nhân sự. Không phải chúng ta cứ tuyển một cách vô tội vạ, tùy tiện nữa, mà phải có vị trí cụ thể.
Theo ông Cường, khi đã xác định rõ được vị trí việc làm, sản phẩm đầu ra của mỗi vị trí thì cứ thế bộ máy chạy. Khi đó, bộ máy vận hành không phụ thuộc vào số lượng người nữa, mà ở sự vận hành của mỗi vị trí. Và chính điều đó sẽ giúp chúng ta tinh giảm được người lao động.
Theo đó, chỉ những người có đủ năng lực, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đúng vị trí thì mới có thể tồn tại. Ngược lại, buộc lòng phải loại bỏ. Cho nên, chính sách tiền lương mới sẽ giúp nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ công chức.
Tại phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ đang hối thúc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm từ 01/7/2024 đến nay chưa hoàn thành ở một số đơn vị. Về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, điều quan trọng nhất của xây dựng vị trí việc làm là phải xây dựng đúng căn cứ, cơ sở. Theo đó, phải đánh giá chi phí lao động cho mỗi một công việc và sản phẩm ra là gì, rồi mới ra được vị trí, số lượng con người cần thực hiện nhiệm vụ là bao nhiêu. Từ đó, mới tính được tiền lương phải chia ra cho các vị trí. là điều kiện để nâng lương lên.
Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương từ 1/7/2024 là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.
Dự kiến cuối năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương lương tối thiểu vùng. Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Vì vậy nếu lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.
Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về tình trạng một bộ phận công chức sợ sai, né tránh trong công việc". Nguồn: Truyền hình Quốc hội
Mai Loan