Liên quan đến vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người". Ngoài tài xế của chuyến xe là ông Doãn Quý Phiến, bà Nguyễn Bích Quy (SN 1964, trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) được xác định là monitor của trường Gateway trong chuyến xe khiến bé L. (6 tuổi) tử vong.
Bà Quy vừa nhận việc ở trường và đi làm được 2 ngày, thậm chí chưa có hợp đồng lao động.
Gia đình của bà Quy thuộc diện khó khăn, chồng chạy xe ôm, con trai làm Grab còn con gái đang là sinh viên. Trước đây, bà Quy làm tạp vụ ở một chung cư, sau đó bà chuyển sang làm nhân viên monitor (nhân viên phụ trách đưa đón học sinh) cho trường Phổ thông liên cấp Gateway. Trước đó, bà Quy từng có kinh nghiệm làm việc đưa đón học sinh.
Theo nhận xét của hàng xóm, gia đình bà Nguyễn Bích Quy ở khu vực luôn hoà đồng với mọi người, chưa từng xảy ra mâu thuẫn, xô xát với ai. Bản thân người phụ nữ trung niên là người hiền lành, chân chất, tính tình cẩn thận.
Có ý kiến cho rằng, bà Nguyễn Bích Quy đã ở độ tuổi về hưu, và việc trường Gateway thuê người phụ nữ trung niên này lao động là sai pháp luật.
|
Căn nhà trên phường Dịch Vọng của bà Quy. |
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Trường VPLS Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM), trường Gateway thuê bà Nguyễn Bích Quy vào việc đưa đón học sinh là không sai với các quy định của pháp luật về lao động.
Cụ thể, tại Điều 187 Bộ luật lao động quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này”.
Với trường hợp của bà Nguyễn Bích Quy, Điều 167 Bộ luật lao động 2012 quy định về việc sử dụng người lao động cao tuổi quy định:
“1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc”.
|
Vụ việc xảy ra tại trường Gateway đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. |
"Theo các quy định nêu trên, người lao động cao tuổi là người lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi (tương ứng với tuổi nghỉ hưu của người nam là đủ 60 tuổi, của người nữ là đủ 55 tuổi). Khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nhu cầu thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời gian hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng các quy định về hợp đồng lao động.
Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 4 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về HĐLĐ, thì đối với trường hợp người lao động đã nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, nay tiếp tục ký HĐLĐ thì được giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn dưới 12 tháng" - Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần phải truy cứu không chỉ riêng bà Nguyễn Bích Quy mà cả lãnh đạo trường Gateway.
"Trong xã hội, cho dù ở ngành nghề gì, lĩnh vực gì, vấn đề trách nhiệm trong công việc vẫn luôn được đề cao. Trong giáo dục, đào tạo thì lại càng phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa bởi tính đặc thù, tầm quan trọng của nghề này.
Sự việc một học sinh bị đột tử ngay trong ngày đầu tiên đi học xảy ra tại trường gateway là một sự đả kích mạnh mẽ đến nền giáo dục của nước ta nói chung và trách nhiệm trong giáo dục đào tạo nói riêng. Việc CQĐT quyết định khởi tố bà Quy về tội vô ý làm chết người theo điều 128 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là cần thiết vì người này là Monitor, trực tiếp đưa đón 13 em học sinh, trong đó có nạn nhân, không kiểm tra lại số lượng học sinh đã xuống xe dẫn đến việc cháu L bị kẹt lại trên xe và thiệt mạng" - ông Hải cho biết.
Bên cạnh đó, về nguyên tắc, khi học sinh không đến lớp thì cô giáo chủ nhiệm của cháu L sẽ phải báo cáo lên đơn vị quản lý của nhà trường và gia đình cháu. Việc đổ lỗi cho phần mềm có sai sót không thể xóa bỏ đi sự vô trách nhiệm của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Lãnh đạo trường Gateway cũng phải bị truy tố với tội danh như bà Quy.
"Một ngôi trường được quảng bá với chất lượng quốc tế và đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn cao không thể chiêu sinh, vận hành cho dù biết dõ phần mềm quản lý có thể có sai sót và sai sót đó có thể cướp đi sinh mạng bé nhỏ của chính những học sinh của trường. Nói cách khác, người ta có quyền hiểu rằng ban lãnh đạo và đội ngũ giáo viên của trường Gateway đang “bỡn cợt” sinh mạng của các em nhỏ" - ông Hải khép lại.
>>> Xem thêm: Khu vực chiếc xe đưa đón bé trai lớp 1 trường Gateway dừng đỗ có gì bất thường?
Quý An