Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 khóa XV, là những công trình đặt dấu ấn vươn mình của Việt Nam ra thế giới.
|
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Ảnh minh họa) |
Động lực, tính biểu tượng, tạo ra sức bật cho nền kinh tế
Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống, TSKH Phan Xuân Dũng, Đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Thuận, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Quốc hội Khóa XV đã khẳng định việc xây dựng hệ thống đường sắt mới là rất cấp thiết vì “cục diện” hiện nay được xây dựng từ 130 năm trước, với khổ đường chỉ hơn 1m, trong khi thế giới chủ yếu là khổ đường 1,435m.
|
TSKH Phan Xuân Dũng |
“Hệ thống đường sắt của nước ta trở nên lạc hậu với cả các nước trong khu vực. Việc xây dựng hệ thống đường sắt mới là không thể không làm và không thể chậm hơn nữa” - TSKH Phan Xuân Dũng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh nhận định, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một quyết định mang tính lịch sử.
Trong diễn biến tương tự, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.
“Phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng như đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường”, ĐBQH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh |
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hai loại công nghệ mà từ trước đến nay Việt Nam chưa có.
Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây.
Việc đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Hiện nay, tổng công suất hệ thống điện khoảng 85.000MW, cần có thêm khoảng 70.000MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt là 400.000 đến 500.000MW. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
|
TS Lê Đăng Doanh
|
Làm chủ công nghệ… Đất nước phát triển bền vững
TSKH Phan Xuân Dũng cho rằng, cần phải để các nhà khoa học, người dân Việt Nam được tham gia nhiều nhất vào các dự án nêu trên.
"Nếu công nghệ chế tạo còn khó khăn thì có thể nhập khẩu đầu máy, còn công đoạn làm đường, làm tà vẹt, làm toa, chúng ta làm được và nên huy động. Vấn đề là cần có cơ chế, giao nhiệm vụ cụ thể", Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói.
ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết, việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ, để làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
|
ĐBQH Hoàng Văn Cường
|
Ông Cường chỉ rõ bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội) và tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng, nhà thầu dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế sẽ lệ thuộc mãi vào nhà cung cấp.
“Nếu Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị, thì không chỉ rủi ro về thời gian, đội vốn và nguy hại hơn là phụ thuộc”, ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng lấy minh chứng về việc triển khai thành công tuyến đường dây 500kV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc là do nước ta làm chủ về công nghệ.
Việc lựa chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ.
Đồng quan điểm về việc Việt Nam phải làm chủ công nghệ, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ thêm về sự quan tâm đến nguồn nhân lực công nghệ cao. “Về khoa học và công nghệ, chúng ta đã đào tạo một thế hệ điện hạt nhân rất mạnh từ thời Liên Xô cùng với lò hạt nhân ở Đà Lạt, chúng ta đã có một số chuyên gia về hạt nhân, bây giờ chúng ta phải bổ sung thêm nguồn lực về nhân sự công nghệ cao. Còn về dự án đường sắt cao tốc, chúng ta phải đào tạo một lớp chuyên gia mới”, TS.Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Then chốt là giải bài toán nguồn vốn, kinh phí
Bên cạnh thách thức về nhân lực, trình độ kỹ thuật, một yếu tố then chốt đối với việc thực hiện các dự án là tìm kiếm và huy động nguồn vốn, kinh phí. Đây là một bài toán kinh tế, phép thử về khả năng quản lý và điều hành của quốc gia.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng từng khẳng định: Để đảm bảo triển khai sớm và khả thi, hiệu quả dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan rà soát về vấn đề nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội để tham mưu cho Chính phủ một cách kịp thời về nguồn vốn, cũng như về tài chính ngân sách quốc gia. Mục đích để đảm bảo đầu tư dự án nhưng gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
|
“Thực tế Vinfast nhận chuyển giao công nghệ tự sản xuất ô tô, thì chắc chắn doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ và nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn. Làm được như thế, Việt Nam phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình” - ĐBQH Trần Hoàng Ngân.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, với số tiền dự án hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 67 tỷ USD, cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA.
Về chi phí xây lắp khoảng 50%, tức vào khoảng 33 tỷ USD, cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước và cần huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án này; phải tổ chức xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho tuyến đường sắt tốc độ cao cũng như đường sắt đô thị, chuẩn bị nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt tốc độ cao cũng như đường sắt đô thị.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, bài toán về cân đối ngân sách, tài chính ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề cần lưu tâm. Để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ đấu giá đất sạch, đấu giá đất tại các bến tàu, depot, vùng phụ cận TOD.
Với các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua, trong tương lai, các địa phương này sẽ tự chủ được ngân sách, không cần điều tiết từ Trung ương về và triển vọng tới đây thì các địa phương sẽ còn điều tiết ngược trở về Trung ương, từ đó có được nguồn thu để trả nợ cho tuyến đường sắt.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, với các dự án có nguồn vốn khổng lồ như hai dự án trên, theo như tờ trình của Chính phủ với Quốc hội, chúng ta sẽ phân kỳ đầu tư. Nghĩa là không phải một lúc cần huy động tổng số vốn để thực hiện hai dự án mà sẽ phân kỳ từng giai đoạn để đầu tư, mỗi giai đoạn sẽ cần một số vốn nhất định.
Bên cạnh nguồn vốn đi vay của nước ngoài, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn đề có sự cung ứng, cân đối nguồn vốn ở trong nước. Muốn vậy, Việt Nam chỉ còn cách tăng cường phát triển kinh tế xã hội, khi đó sẽ tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và chi cho đầu tư phát triển.
Đại biểu Nga cho rằng, Đảng đang chỉ đạo rất quyết liệt và Chính phủ cũng đang thực hiện quyết liệt việc phát triển kinh tế xã hội toàn diện, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Khi chúng ta tổ chức sắp xếp, thực hiện tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ mang lại hai lợi ích gồm ngân sách nhà nước chi ra nuôi bộ máy sẽ được cải thiện, không phải chi quá nhiều để nuôi bộ máy, và còn dư địa lớn hơn để chi đầu tư phát triển. Khi chúng ta sắp xếp hợp lý, đảm bảo tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bộ máy sẽ hoạt động trơn chu, ngân sách nhà nước sẽ được cải thiện hơn.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Mai Loan- Tâm Đức