Tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT 2025: Phép thử với Bộ GD&ĐT và học sinh?

Google News

Là năm đầu tiên tổ chức tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Đây có thể được coi là phép “thử” đối với cả Bộ GD&ĐT và học sinh.

Tuyen sinh lop 10, thi tot nghiep THPT 2025: Phep thu voi Bo GD&DT va hoc sinh?
 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đổi mới phương thức nhưng… chuyển động còn chậm theo “cái mới”?

2025 là năm đầu tiên tuyển sinh vào lớp 10thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt: Chương trình mới). Tuy nhiên, cuối tháng 12/2024 - tức cuối học kỳ 1, Bộ GD&ĐT mới ban hành quy chế, theo một số chuyên gia, sự chuyển động theo cái “mới” còn chậm chạp, khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh không có sự chuẩn bị tốt nhất.
Chị Nguyễn Thị Thu Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội), một phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT cho hay, chị rất lo lắng, hồi hộp, không biết các chính sách sẽ thay đổi như thế nào. Thấy “khe cửa hẹp” của phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT những năm trước, chị đã hướng con xét tuyển bằng học bạ cũng như đầu tư ôn thi để tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học. Tuy nhiên, theo Quy chế, năm nay, chỉ tiêu dành cho các phương thức mà con chị định lựa chọn chỉ còn 20%.
“Giá như Quy chế được ban hành sớm hơn, các thí sinh có thể có sự chuẩn bị tốt hơn, đỡ mất công đầu tư vào những phương thức không nhiều cơ hội”, chị Huệ nói.
Tuyen sinh lop 10, thi tot nghiep THPT 2025: Phep thu voi Bo GD&DT va hoc sinh?-Hinh-2
 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT(.
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, những vấn đề và định hướng giải pháp đưa ra ở quy chế thi tốt nghiệp THPT đã được thảo luận trên nhiều diễn đàn, như tại Hội nghị giáo dục đại học tháng 8/2024 và trên nhiều trang báo trong thời gian gần đây.
Các điểm sửa đổi của quy chế đều nhằm khắc phục những tồn tại trước đây và ngày càng gia tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển.
“Điều này không ảnh hưởng tới việc học tập của các thí sinh, bởi các em chỉ cần nỗ lực, trau dồi học lực, năng lực cá nhân, học và ôn tập tốt nhất theo những phương thức mà các em đã và đang chuẩn bị. Các điều chỉnh của quy chế theo hướng gia tăng tính công bằng tuyển sinh, thêm sự yên tâm, tự tin của các em khi xét tuyển đại học”, bà Thủy khẳng định.
Đối với các cơ sở đào tạo, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, việc đối sánh các phương thức tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển và xây dựng công thức quy đổi tương đương điểm xét là cơ hội để rà soát, điều chỉnh các phương thức, tổ hợp môn sao cho phù hợp nhất đối với từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Các trường sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức khi tập trung vào đợt xét tuyển chung công bằng, bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho mọi người.
Theo Quy chế tuyển sinh thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT ban hành, hai điểm quan trọng đã được khắc phục. Thứ nhất là khắc phục những bất cập khi cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ hai là đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT.
Giảm áp lực hay gây căng thẳng hơn cho học sinh, phụ huynh?
Vào đầu tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Trước ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh. Tại Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành ngày 30/12/2024, thi vào lớp 10 sẽ theo 3 phương thức: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Tuyen sinh lop 10, thi tot nghiep THPT 2025: Phep thu voi Bo GD&DT va hoc sinh?-Hinh-3
 Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp.
Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kì I, nhưng không muộn hơn ngày 31/ 3 hằng năm.
Theo Bộ GD&ĐT, thông tư này đã được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận góp ý của các Sở GD&ĐT, các trường học, chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội tại Dự thảo thông tư đã được đăng tải trên mạng lấy ý kiến trước đó, vào tháng 10/2024.
Tuy nhiên, khi thông tư ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, nên thi cố định 3 môn “Văn, Toán, Anh” để giảm áp lực cho học sinh. Bởi nếu để môn thứ ba là môn lựa chọn và luân phiên thay đổi sẽ dẫn tới tâm lý lo lắng, tăng thêm áp lực.
“Con trai tôi học tốt các môn Khoa học tự nhiên, lên lớp 10 sẽ chọn tổ hợp này. Cháu học đuối môn xã hội nên rất lo lắng. Giả sử thi tổ hợp vào đúng các môn con học không tốt, thì con sẽ rất áp lực. Nên chốt luôn thi 3 môn Văn, Toán, Anh sẽ tốt hơn cho học sinh, bởi môn tiếng Anh rất quan trọng”, chị Thu Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay.
Tuyen sinh lop 10, thi tot nghiep THPT 2025: Phep thu voi Bo GD&DT va hoc sinh?-Hinh-4
 TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Mai Loan.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, đối với cấp THCS, học sinh phải học toàn diện, không bỏ môn nào. Việc lựa chọn thi môn thứ 3 là buộc học sinh phải học, bởi không thi thì sẽ không học. Cha mẹ muốn bớt môn thi để cho con học nhẹ nhàng, chỉ tìm cái dễ để thi chứ không vì phát triển bản thân của con là không đúng.
“Không nên để học sinh ngồi chờ, ngồi đoán gây tâm lý không tốt cho các em. Môn thi thứ ba là môn trắc nghiệm tổng hợp của tất cả các môn còn lại, như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDCD. Đề thi phải sát với đối tượng học sinh, có độ phân hóa, không phải theo bệnh thành tích, bớt xén chương trình” TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
Tuyen sinh lop 10, thi tot nghiep THPT 2025: Phep thu voi Bo GD&DT va hoc sinh?-Hinh-5
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mai Loan.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương ủng hộ việc bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10.
Là phụ huynh, đương nhiên mong muốn phương án an toàn, cứ theo 3 môn Văn, Toán Anh và tập trung học để thi 3 môn này. Tuy nhiên, dễ có nguy cơ các môn khác trở thành môn học phụ hết.
“Nếu chúng ta chốt “cứng” 3 môn thi Toán, Văn, Anh, học sinh và cả phụ huynh không quan tâm tới các môn khác nữa, vì có thi đâu. Cách đánh giá chung hiện nay vẫn là chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục bằng tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT, thậm chí là THPT công lập, mới có hiện tượng giáo viên vận động phụ huynh không để cho các con có lực học trung bình thi đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập, vì sợ ảnh hưởng tới thành tích chung của Trường, nên học sinh lại càng chỉ tập trung vào môn thi…
… Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là phải đổi mới rất nhiều khâu, nhiều thứ, chứ không phải chỉ là sách giáo khoa và chương trình”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tất cả các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là THCS, không chỉ cung cấp kiến thức nền cho mỗi cá nhân, mà còn góp phần hình thành nhân cách của mỗi con người. Đừng cho rằng việc phải học là lãng phí, mất thời gian. Đối với việc học, không có kiến thức nào là phí cả.
“Trước bất kỳ một sự đổi mới nào, có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí, như một tư duy tự nhiên, con người hay phản ứng hơi thái quá với cái mới. Tâm lý chung cảm thấy an toàn khi đi con đường cũ, ngần ngại bước trên đường mới”, đại biểu tỉnh Hải Dương nói.
Hiện, dư luận đặt vấn đề: Việc học sinh phải học đều các môn để đáp ứng điều kiện thi theo chương trình mới, tất nhiên, vốn kiến thức rộng hơn sách giáo khoa, làm tăng áp lực phải đi học thêm, dù đã học kín lịch. Việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) sẽ gia tăng nguy cơ "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường, tăng áp lực lên những học sinh “học thật, thi thật”.
Giải đáp vấn đề trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, mục đích Bộ GD&ĐT tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30 lên 50% nhằm đánh giá sát hơn năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây nhằm thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT. Rõ ràng, việc tính 50% điểm trung bình 3 năm lớp 10,11,12 sẽ đánh giá toàn bộ năng lực người học trong suốt 3 năm theo chương trình giáo dục phổ thông mới hơn là chỉ đánh giá điểm của 1 năm lớp 12.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có hạn chế là không phải thi tất cả các môn mà chỉ thi một số môn đại diện. Do đó, phương án lấy điểm trung bình của 3 năm học bạ kết hợp với điểm thi một số môn là hợp lý.
Tuy nhiên, tỷ lệ tương quan giữa 2 thành phần điểm này cần phải thay đổi. Khi ở Việt Nam văn hóa chất lượng chưa hình thành, những tệ nạn tiêu cực trong dạy học, thi cử vẫn tràn lan, trọng số điểm học bạ phải thấp hơn 50% thì phù hợp hơn.
“Khi văn hóa chất lượng chưa hình thành và những tệ nạn, gian lận, tiêu cực trong dạy học, thi cử vẫn tràn lan, việc đưa ra trọng số 50/50 cần phải cân nhắc, thận trọng. T50/50 là hơi lạc quan”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Làm sao để giảm áp lực thi cử?
Chỉ còn vài tháng nữa, các thi sinh sẽ bước vào những kỳ thi cam go, được cho là “phép thử” này. Trong giai đoạn “nước rút”, nhiều học sinh bắt đầu chạy đua với thời gian.
Tuyen sinh lop 10, thi tot nghiep THPT 2025: Phep thu voi Bo GD&DT va hoc sinh?-Hinh-6
 PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hải.

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam khuyên, trong giai đoạn căng thẳng ôn tập, các thí sinh cần có chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để có sức khỏe, tinh thần tốt. Trong đó, giấc ngủ rất quan trọng, các em cần ngủ đủ.
Đối với việc học tập, ưu tiên học chất lượng chứ không phải học thời gian dài. Các em hãy chọn khoảng thời gian học tốt nhất để học những môn khó nhất. Khi cảm thấy mệt, cần nghỉ ngơi, không nên học liên tục. Nên có khoảng thời gian đứng dậy vận động trong các khoảng nghỉ.
Trong giai đoạn ôn thi và khi đi thi, một số học sinh thường bị rối loạn lo lâu, bị lo lắng quá mức. Càng lo thì học lại càng không vào. Các em nên biến việc học thành thói quen. “Như vậy, sẽ không bị mệt và học hiệu quả hơn”, ông Nam nói.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, mỗi ngày học sinh cần có thời gian tự học ít nhất là từ 2-3 giờ.
“Trí nhớ tốt không bằng nét mực mờ, các em không chỉ nghe các thầy cô giảng, đọc tài liệu, mà phải cầm bút luyện tập, làm bài. Các em phải làm được các bài tập môn Ngữ văn, giải được các đề ôn tập môn tiếng Anh, môn Toán; thậm chí làm lại những bài mà các thầy cô đã hướng dẫn để ghi lại trên vỏ não lần 2, giúp các em có thể nhớ lâu, vững vàng về kỹ năng làm bài”, thầy Cường lưu ý.
Một điều cũng rất quan trọng là cha mẹ cần đồng hành cùng con, cùng con phân chia thời gian biểu trong một tuần cho từng môn học, phối hợp với thầy cô giáo để nắm được diễn biến quá trình học tập của con. Cần tính toán lịch học cho con vừa sức, làm sao để học sinh có thời gian đủ lớn để tự học ở nhà, tránh “ép” con đi học thêm quá nhiều gây mệt mỏi, không hiệu quả.
Các phụ huynh không nên giao những chỉ tiêu, đích đến, chất thêm sự căng thẳng, áp lực đối với các em. Thay vào đó, nên động viên con cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất.
“Nhiều học sinh trong giai đoạn gần kỳ thi có những tiến bộ vượt bậc, nhưng cũng có những trường hợp không như kỳ vọng. Tâm lý, sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng với thí sinh”, thầy Cường nói.
Dinh dưỡng hợp lý cho sĩ tử mùa thi
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh trong việc chú ý dinh dưỡng cho con trong mùa thi.
Phụ huynh cần chú ý nhiều thực phẩm tốt cho não bộ và sức khỏe như trứng gà, nấm, đậu phụ, các loại hạt, cá béo, các loại rau có màu xanh đậm, trái cây, sữa,…
Tránh các thực phẩm nhiều đường bổ sung và chất béo như nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn nhanh; các nước uống chứa caffeine từ cà phê, trà hay nước tăng lực (thường dùng để tỉnh táo hơn). Những thực phẩm này có thể khiến tim đập nhanh, mất ngủ, nhức đầu,…
Những thức ăn nhiều bột mỳ như bánh quy, bánh ngọt, bánh rán,… cũng không nên cho trẻ ăn trong mùa thi, do những thức ăn này buộc dạ dày phải tiêu hóa lâu hơn và khiến khả năng tập trung bị giảm sút.
Đặc biệt, không nên ăn thức ăn lạ để tránh những phản ứng không may xảy ra như dị ứng hay rối loạn tiêu hóa.
Mai Loan