COVID-19: EVN đề xuất miễn, giảm giá điện một số đối tượng... sao không toàn dân như Malaysia?

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ xem xét miễn/giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 như các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm virus Corona, các bệnh viện, nhiều ý kiến cho rằng, EVN cần giảm giá điện toàn dân như Malaysia.

Mới đây, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đãban hành nghị quyết 36 về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết này, EVN chỉ xem xét miễn/giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn đại dịch COVID-19, trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm virus Corona, các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, EVN đề xuất miễn, giảm giá điện một số đối tượng... sao không toàn dân như Malaysia?
Trước đó, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Malaysia đã công bố hỗ trợ tài chính bổ sung để giúp đỡ người nghèo, trao tiền mặt cho hơn 30.000 công nhân nghỉ phép không lương. Đồng thời, Chính phủ Malaysia cũng đã đưa ra quyết định giảm giá điện cho toàn dân trong 6 tháng, kể từ tháng 4/2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.
COVID-19: EVN de xuat mien, giam gia dien mot so doi tuong... sao khong toan dan nhu Malaysia?
 Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống người dân. Thời gian qua, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất.
Đầu tháng 3/2020, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã khảo sát 1200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động.
Thực trạng trên dẫn đến tình trạng cắt giảm lương, thu nhập, người lao động mất việc xảy ra nhiều. Không chỉ doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, hàng vạn, hàng triệu người lao động gặp khó khăn, nhiều người dân cũng sẽ lâm cảnh túng quẫn.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp và một số địa phương đã kiến nghị giảm giá điện để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt để phần nào hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhiều người dân cũng cho rằng, việc giảm giá điện để hỗ trợ người dân trong tình cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng đến cuộc sống là điều cần thiết. Bởi thời gian qua, để ngăn chặn dịch bệnh, người dân đã tuân thủ việc hạn chế ra đường, tránh tụ tập đông người, làm việc tại nhà, mất việc ở nhà dẫn đến chi phí điện nước sinh hoạt tăng cao trong đó thu nhập của nhiều người lao động đã giảm, thậm chí không có thu nhập.
Con số thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tiêu dùng (CPI) quý 1 năm 2020 tăng 5,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý, chỉ số giá điện sinh hoạt và nước sinh hoạt trong tăng cao. Cụ thể, chỉ số giá điện sinh hoạt quý 1/2020 tăng gần 9,9% so với cùng kỳ quý I năm trước.
Anh Nguyễn Trọng Hải (Hải Dương) cho rằng, thời điểm này cuộc sống đại đa số người dân đều rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh khi thời gian ở nhà nhiều hơn, chi phí điện nước tăng cao hơn, trong khi đó thu nhập lại giảm sút nghiêm trọng.
“Thời điểm này, ngành điện nên chia sẻ và có những biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Những biện pháp tích cực ấy không chỉ là giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng như các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm virus Corona, các bệnh viện mà EVN công bố mà nên giảm giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất, cho toàn dân. Khi ngành điện kêu lỗ đã yêu cầu người dân đồng hành thì nay người dân khó khăn, ngành điện cũng cần có giải pháp hỗ trợ người dân”, anh Hải nói.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện trên thế giới đã có Malaysia tuyên bố giảm giá điện trong thời điểm COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương cũng nên nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tiễn mà có lợi nhất cho người dân, cho các doanh nghiệp và cho ngành điện.
“Tập đoàn điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương nên xem xét cân nhắc giảm giá điện ở thời điểm này để hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Theo đại biểu Hòa, dịch COVID-19 đang là đại dịch có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của người dân rất lớn.
“Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính phủ đã có ý kiến, ngân hàng nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, cho vay hạ lãi suất, thuế cũng giảm thuế và không thu thuế. Do vậy, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương cũng không nên ngoại lệ vấn đề này”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa, nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ không tiêu thụ điện. Không tiêu thụ điện thì ngành điện lực cũng bị ảnh hưởng.
“Do đó, tôi nghĩ ngành điện lực cũng đã suy nghĩ về vấn đề này. Chịu ảnh hưởng chung như vậy ngành điện cũng cần chung tay, chia sẻ cùng các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có lợi nhuận hoặc bị thua lỗ. Do vậy, cần nghiên cứu thật kỹ để thực hiện các chính sách, làm sao chung tay cả nước đồng lòng chống dịch, hạn chế thiệt hại”, Đại biểu Hòa nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Áp dụng giá điện mới không phải là tăng giá

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức