Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội. Nhiều ý kiến liên quan việc tăng giá điện khiến phiên họp này nóng lên khi các đại biểu tranh luận với Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành và bày tỏ ý kiến cho rằng, những lý do của cơ sở tăng giá điện chưa thuyết phục.
Tranh luận nóng về việc tăng giá điện
Thảo luận tại tổ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đã nói thêm về việc tăng giá điện. Theo đó, trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng.
Theo lý giải của Chủ tịch Tập đoàn EVN, với con số 20.000 tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành nói.
|
Đại biểu Quốc hội Dương Quang Thành. |
“EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chiếm chỉ có 23%.
Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp”, ông Thành nói và khẳng định việc công khai minh bạch việc tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện theo quy định.
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục khẳng định việc điều chỉnh giá điện vừa rồi không phải tiền lệ mà đúng theo quy định. Nguyên nhân tiền điện tăng là do nắng nóng đột biến.
"Tất cả kiến nghị, thắc mắc của người dân đã được giải thích thấu đáo, nhận được sự đồng tình từ người dùng điện", ông Thành nói.
Tuy nhiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, bà Vũ Thị Lưu Mai đã phản bác lại ý kiến của Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam bằng câu chuyện tại gia đình bà như vẫn dùng điện như cũ, không tăng thêm thiết bị nào mà hóa đơn tháng qua nhảy gần gấp đôi.
Do vậy, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai không đồng tình với nguyên nhân cho rằng do thời tiết nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ tăng. Bà Mai cho rằng, các lý do ông Thành đưa ra đều chưa thuyết phục, vì theo bà: “có nắng nóng cũng không đến mức hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi” bởi: “Nói rằng tháng vừa qua nắng nóng rồi tăng tiền điện thì năm nào mà chẳng nóng".
Bà Mai nói thêm: “Việc anh Thành nói có 11 trường hợp kiến nghị về giá điện, nhưng trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ có 14.541 kiến nghị của khách hàng, trong đó có 20% trong số đó thắc mắc về chỉ số công tơ điện, và hóa đơn tiền điện” và cho biết, sẽ tiếp tục chất vấn việc này trên hội trường Quốc hội, bởi đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.
Giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố
Thảo luận tại tổ Nghệ An, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì “thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố”.
Dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế để chứng minh, bà Lê Thu Hà cho biết, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101-200kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201-300kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
|
Đại biểu Lê Thu Hà. Ảnh: Quochoi.vn |
"Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội", đại biểu Lê Thị Hà nói.
Đại biểu Lê Thu Hà nêu ý kiến, Bộ Công thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới, nhưng lại chỉ tham khảo một nửa. Ví dụ, tại Mỹ có giá bậc thang nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp điện với giá cạnh tranh. Hay Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện trong tháng 7 và tháng 8 để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai. Các gia đình có con nhỏ cũng được giảm giá điện và Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi tính giá điện theo mùa. "Ta copy là phải có bậc thang, nhưng chính sách đi kèm thì ta chưa thể hiện được trong chính sách giá của mình", nữ Đại biểu so sánh.
Đồng ý việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng bà Hà đề nghị phải cân nhắc các bậc thang như thế nào cho hợp lý, bởi bậc 1 ở mức dưới 50 kWh đã được áp dụng từ rất lâu, khi các hộ gia đình còn ít thiết bị sử dụng điện. Còn đến nay, khi đời sống đã cao hơn, bậc thang cũng cần được điều chỉnh. Nữ ĐBQH cũng đề nghị, cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không?
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, đọc báo cáo của Bộ Công thương, trong đó cũng giải trình cụ thể cơ sở để tăng giá. Nhưng cử tri thì không biết tính toán cơ sở tăng giá, họ chỉ biết rằng tăng giá điện, giá xăng thì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến đồng lương của họ.
“Tôi đề nghị Quốc hội cho kiểm toán, sau đó công bố rõ ràng với dân. Người dân nói tăng giá ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Nếu đã kiểm toán và trả lời rõ thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch", Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Cho ý kiến về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tới đây kiểm toán lại toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019 với tinh thần rất cầu thị. "Chỗ nào sai thì sửa, xin lỗi, còn cái nào đúng thì ghi nhận. Kết quả sau đó sẽ công khai cho Quốc hội, người dân biết", Phó Thủ tướng nói.
Cần thay đổi bậc thang tính giá điện sinh hoạt
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đã nếu ý kiến như trên khi trao đổi với PV bên hành lang Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sáng 22/5.
Theo đại biểu Ngân, ngay trước khi kỳ họp diễn ra, bản thân ông đã nhận được nhiều ý kiến cử tri đặt câu hỏi: Tại kỳ họp này, ngành điện có giảm giá điện hay không. Trong quá trình tiếp xúc với cử tri và nhân dân, các đại biểu Quốc hội đều nhận thấy người dân rất chia sẻ những khó khăn của ngành điện, nhưng Điện lực Việt Nam cần phải điều chỉnh bậc thang tính giá điện sinh hoạt cho hợp lý.
Đại biểu Ngân cho biết thêm, ngay đầu giờ sáng 22/5, ông đã nhận được báo cáo của Bộ Công Thương gửi tới Kỳ họp thứ 7 về công tác điều hành giá điện. Tuy nhiên, ông chưa đồng tình với báo cáo của Bộ Công Thương giải trình về các bậc thang để tính giá điện sinh hoạt sau khi đọc báo cáo này.
“Nhìn ra thế giới thì Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có 3 bậc thang tính giá điện. Ở Malaysia và Indonesia cũng chỉ 5 bậc, nhưng ở Việt Nam có tới 6 bậc, như vậy là chưa hợp lý. Bậc 1 giá điện của nước ta tính từ 0 - 50kWh, bậc hai từ 51 - 100kWh để hưởng mức giá 1.678 đồng/kWh như vậy là quá thấp.Tôi nghĩ nên hợp nhất bậc 1 và 2 (từ 0 đến 100kWh), bậc 3 và 4 (từ 101 đến 300kWh). Bởi vì nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên cho thấy GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng lên, điều kiện đời sống người dân phát triển lên thì định mức thang bậc điện cũng cần thay đổi. Có như vậy việc tăng giá điện 8,36% mới không ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Hải Ninh